Bí quyết để một startup phân phối thực phẩm sạch gọi được vốn từ quỹ 100 tỷ đồng của SSI là gì?

15/07/2016 17:14 PM | Kinh doanh

Sau hơn 1 năm, đã có dự án đáp ứng được 2 tiêu chí rót vốn của Quỹ Startup SSI. Startup được quỹ này rót tiền lần đầu tiên là Hellomam – hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, được định giá 4 triệu USD.

Quỹ Startup của Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) vừa hoàn tất thỏa thuận đầu tư lần đầu tiên sau hơn 1 năm tạo lập.

Startup được lựa chọn là CTCP Dịch vụ Thực phẩm sạch Hellomam, một doanh nghiệp phân phối thực phẩm sạch.

Chi tiết giá trị khoản đầu tư chưa được công bố. Tuy nhiên, đại diện SSIAM cho biết, vốn chỉ là một phần hỗ trợ và không thực sự quan trọng với Hellomam. Điều quan trọng là hệ sinh thái mà SSI và PAN đã tạo ra.

Với việc hợp tác này, SSI sẽ hỗ trợ Hellomam các kiến thức và mạng lưới từ những công ty nông nghiệp và thực phẩm mà SSI và PAN đang quản lý. Bên cạnh đó, những người tham gia HĐQT của Hellomam sẽ kết nối Startup này với nguồn lực mà SSI hiện có.

Theo đại diện SSIAM, quỹ này lựa chọn Hellomam vì 2 lý do.

Một là mô hình kinh doanh (Business Model).

Thực phẩm sạch có 2 hướng đi.

Một là làm nông trại (Farm), tức thuê đất để phát triển nông sản, và sau đó bán nông phẩm sạch vào chuỗi bán lẻ. Hướng này tốn kém nhiều chi phí, thời gian và hoàn toàn không phù hợp với Startup.

(*) Dịch vụ trọn gói ở Hellomam khác gì so với các chuỗi hiện có:

- Nguồn thực phẩm sạch được chứng nhận độc lập. Trong trường hợp nông trại (Farm) không tuân thủ theo các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của họ, họ có thể loại bỏ, lựa chọn Farm khác.

- Khách hàng được đổi hàng miễn phí.

- Cơ sở dữ liệu (database) sẽ đưa ra gợi ý thực đơn ăn từng tuần. Khi thu thập được thông tin khách hàng đã đặt mua những gì trong tuần, họ xây dựng các Database chi tiết để đưa ra các gợi ý thực đơn nấu ăn cho tuần sau. Giải quyết câu hỏi muôn thuở cho người nội trợ: Hôm nay ăn gì?

Hướng thứ hai là phân phối theo cửa hàng như Bác Tôm, Gia đình Bio, Mr Sạch… Các đơn vị này chủ yếu tập trung vào phân phối tại các cửa hàng bán lẻ.

Hạn chế của các đơn vị này là chi phí mặt bằng và chi phí thuê cửa hàng khá cao, đẩy vào giá thành sản phẩm trở nên đắt đỏ. Chuỗi vì thế cũng khó có lời.

Mô hình của Hellomam thì khác. Họ chỉ đầu tư một kho chuẩn để lưu trữ hàng, kiêm luôn văn phòng công ty. Toàn bộ các giao dịch với khách hàng được thực hiện thông qua việc ship hàng trực tiếp.

Hướng đi của Hellomam sẽ tiết kiệm được chi phí mặt bằng. Đổi lại, họ cung cấp cho khách hàng dịch vụ trọn gói (*).

Yếu tố thứ hai Quỹ Startup này quan tâm là các nhà sáng lập (Founders).

Theo đánh giá của Quỹ SSIAM, các sáng lập Hellomam đều "trải qua quá trình làm việc tại những môi trường lớn và rất chuyên nghiệp, nên họ hiểu những nguyên tắc quản lý, nguyên tắc quản trị doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp”.

Cụ thể, ông Dương Minh Việt nguyên là Phó TGĐ VCCorp và bà Lê Thị Thu Thủy từng đảm nhận vai trò Phó chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Vingroup.

“Họ đã dồn hết tâm huyết và nguồn lực vào Hellomam, chứ không phải như người khác cùng lúc vận hành 3 – 4 startup”, đại diện SSIAM nói.

Trước đó, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT SSI kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN – từng chia sẻ: SSI có quỹ Startup 100 tỷ đồng, đã hoạt động hơn 1 năm và vẫn chưa tìm được Startup để giải ngân.

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM