Bí mật startup đầu đời của Elon Musk: Bán được 307 triệu USD năm 1999, gần chục năm sau vẫn đem tiền về vì... bị kiện ra tòa
Dù đã bán Zip2 từ năm 1999 nhưng đến giờ startup này vẫn mang lại tiền cho Elon Musk một cách không ai ngờ tới.
Một vụ kiện trộm ý tưởng
Năm 1995, Elon Musk nhảy vào cơn cuồng phong do-com khi mới chân ướt chân ráo rời đại học và thành lập một công ty tên Zip2- giống như khi Google Maps buổi nguyên sơ chạm trán Yelp (một công cụ tìm kiếm địa chỉ trên nền tảng Android và tích hợp bình luận của cộng đồng về địa điểm đó). Cú liều đầu tiên đó đã kết thúc với một chiến tích trọng đại và chóng vánh. Năm 1999, Compaq mua lại Zip2 với giá 307 triệu USD. Musk bỏ túi 22 triệu USD từ thương vụ này và dốc gần như tất cả vào khoản đầu tư mạo hiểm kế tiếp của anh, một công ty khởi nghiệp sau này vươn mình thành PayPal. Với tư cách cổ động lớn nhất của PayPal, Musk đã trở nên cực kỳ giàu có sau khi eBay mua lại công ty vào năm 2002 với giá 1,5 tỷ USD.
Zip2 được xem là bệ phóng cho một chuỗi thành công sau này của Elon Musk tuy nhiên câu chuyện thành lập công ty này được ít người biết đến. Dù đã bán Zip2 từ năm 1999 nhưng đến giờ startup này vẫn mang lại tiền cho Elon Musk một cách không ai ngờ tới.
Tháng 4 năm 2007, một nhà vật lý học tên là John O'Reilly đã nộp đơn kiện, trong đó cáo buộc Elon Musk đã đánh cắp ý tưởng Zip2. Theo đơn kiện được nộp lên Tòa án Tối cao bang California tại Santa Clara, O'Reilly gặp Musk lần đầu tiên vào tháng Mười năm 1995. O'Reilly từng khởi sự một công ty có tên Internet Merchant Channel (hay IMC) với ý định giúp các doanh nghiệp tạo ra các mẩu quảng cáo trực tuyến ban đầu với thông tin trọn gói. Chẳng hạn, một nhà hàng có thể xây dựng một mẫu quảng cáo thể hiện thực đơn của họ, hay thậm chí có thể đăng các chỉ dẫn tới địa điểm của nhà hàng. Ý tưởng của O'Reillys đa phần chỉ trên lý thuyết, nhưng cuối cùng Zip2 đã cung cấp được một dịch vụ rất giống vậy.
O'Reilly lấy lý do là Musk đã lần đầu nghe qua kiểu công nghệ này khi đang cố giành lấy công việc bán hàng tại IMC. Theo đơn kiện, ông và Musk đã gặp nhau ít nhất ba lần để trao đổi về Công việc. Sau đó, O'Reilly ra nước ngoài và cố gắng liên lạc lại với Musk khi trở về.
O'Reilly tuyên bố mình chỉ biết đến Zip2 một cách tình cờ sau khi gặp Musk nhiều năm. Năm 2005, khi đọc một quyển sách về nền kinh tế Internet, OReilly đã bắt gặp một đoạn viết về sự kiện Musk thành lập Zip2 và thương vụ bán công ty cho Compaq Computer với giá 307 triệu USD vào năm 1999. Nhà vật lý học đã chết điếng khi nhận ra Zip2 nghe có vẻ rất giống với IMC, một công ty chưa bao giờ đạt đến tầm doanh nghiệp.
O'Reilly nhớ lại những lần ông gặp gỡ Musk. Ông bắt đầu nghi ngờ anh đã cố ý lảng tránh ông, và thay vì trở thành một nhân viên kinh doanh của IMC, Musk đã bỏ đi hòng theo đuổi ý tưởng này một mình. O'Reilly muốn được đền bù vì đã nảy ra ý tưởng kinh doanh đầu tiên. Ông đã dành hai năm theo đuổi vụ kiện chống lại Musk. Hồ sơ vụ án tại tòa lên đến hàng trăm trang. O'Reilly có bản khai kèm lời tuyên thệ của những người chứng minh từng phần câu chuyện của ông.
Được trả tiền án phí
Song, thẩm phán đã phát hiện O'Reilly thiếu vị thế pháp lý cần thiết để thưa kiện Musk, do những vấn để xung quanh việc giải thể các doanh nghiệp của ông. Năm 2010, thẩm phán tuyên O'Reilly phải trả 125 nghìn USD tiền án phí cho Musk. Nhiều năm sau đó, Musk vẫn chưa nhận được khoản tiền này từ O'Reilly.
Sau phán quyết này, O'Reilly tiếp tục theo đuổi Elon Musk và đã khám phá ra một số thông tin về quá khứ của Musk, những điều mà người ta cho rằng còn thú vị hơn các cáo buộc trong vụ kiện. Ông phát hiện Đại học Pennsylvania đã cấp bằng cho Musk vào năm 1997 – tức là muộn hơn hai năm so với lời dẫn của Musk.
Musk từng phủ nhận mọi điều O'Reilly tuyên bố và thậm chí còn không nhớ đã từng gặp ông này. "Ông ta là một kẻ đê tiện", Musk khẳng định. "O'Reilly chỉ là một nhà vật lý học thất bại rồi trở thành kẻ chuyên thưa kiện liên miên. Tôi đã bảo ông ta, này tôi sẽ không hòa giải một vụ kiện bất công. Vì thế đừng cố nữa làm gì. Nhưng ông ta vẫn lì lợm. Đơn kiện của ông ta đã bị bác hai lần khi tranh luận, nghĩa là về cơ bản ông ta vẫn sẽ thua kiện cho dù mọi dữ kiện của ông ta là đúng".
Thậm chí Elon Musk còn cho biết O’Reilly cố hết sức tra tấn mình thông qua bạn bè của anh, cũng như tự mình làm thế bằng cách đâm đơn kiện.
"Sau đó, chúng tôi đã đi đến một phán quyết sơ lược. Ông ta đã thua trong phán quyết đó. Ông ta đã đòi phải có phán quyết sơ lược, để rồi vài tháng sau thì thua. Tôi nghĩ thầm, Okay, đồ khốn. Kiện đi rồi trả phí nhé. Thế rồi, chúng tôi đã được trả phí ngay khi ông ta thua kiện. Và lúc chúng tôi để một cảnh sát trưởng theo sau ông ta, ông ta khẳng định mình chẳng có xu nào.
Tôi không biết ông ta có tiền hay không. Ông ta thì quả quyết rằng mình không có tiền. Do vậy, chúng tôi chỉ còn cách hoặc là tịch thu xe ông ta, hoặc động đến thu nhập của vợ ông ta. Cả hai cách dường như đều chẳng phải lựa chọn hay ho gì. Nên chúng tôi đã quyết định rằng ông ta không phải trả số tiền nợ đó nữa, với điều kiện ông ta không được kiện ai khác vì những lý do ngớ ngẩn nữa.
Trên thực tế, vào cuối năm ngoái hoặc đầu năm 2014, ông ta vẫn cố làm điều đó. Nhưng bất kỳ ai bị ông ta kiện đều hay tin về phán quyết trong vụ của tôi, và liên hệ ngay với vị luật sư tôi từng thuê; vị này sau đó bảo ông ta rằng, Này, ông phải thôi ngay trò đâm đơn kiện những người này, nếu không họ sẽ đòi tiền đấy. Kiện họ vì những lý do ngớ ngẩn là việc vô nghĩa, vì ông sẽ chỉ tốn thêm tiền cho thắng lợi của Elon mà thôi. Cứ như thể món nợ ngày nào vẫn sinh lãi vậy", Elon Musk chia sẻ về kết cục của vụ kiện.