Bí mật phía sau hệ điều hành được Huawei phát triển để thay thế Android của Google

12/06/2019 09:51 AM | Công nghệ

Nếu không có cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, dự án này sẽ tiếp tục được Huawei che giấu và không thể lộ diện ra trước công chúng.

Bảy năm trước, trong một biệt thự đối diện với một hồ nước ở Thâm Quyến, một nhóm nhỏ các giám đốc điều hành hàng đầu của Huawei, do người sáng lập Nhậm Chính Phi dẫn đầu đã tổ chức một cuộc họp kín kéo dài trong vài ngày.

Nhiệm vụ của họ là lên ý tưởng về cách Huawei sẽ đối phó trước sự thành công và phát triển mạnh mẽ của hệ điều hành cho điện thoại do Google phát triển. Hệ điều hành này cũng đang được sử dụng trên thiết bị cầm tay của chính Huawei. Mối quan tâm lớn nhất là sự phụ thuộc vào Android có thể khiến công ty dễ bị cấm đoán bởi Mỹ trong tương lai.

Cả nhóm đã đồng ý rằng Huawei nên xây dựng một hệ điều hành độc quyền, như một giải pháp thay thế tiềm năng cho Android. Cuộc họp này sau đó được gọi là "cuộc đàm phán bên hồ". Thông tin cũng như các tài liệu liên quan đã bị giới hạn và không công bố ra bên ngoài để đảm bảo sự bí mật, các nguồn tin cho biết.

Bí mật phía sau hệ điều hành được Huawei phát triển để thay thế Android của Google - Ảnh 1.

Sau các cuộc thảo luận và chỉ đạo từ quản lý cấp cao, một nhóm chuyên gia do các giám đốc điều hành bao gồm Xu Zhijun (hay Eric Xu - hiện là một trong ba chủ tịch luân phiên của Huawei) quản lý đã đứng ra thành lập và bắt đầu thực hiện dự án này trong điều kiện bảo mật nghiêm ngặt.

Một khu vực chuyên biệt đã được xây dựng ngay bên trong Huawei, với các vệ sĩ luôn túc trực cạnh cửa. Chỉ những nhân viên trong nhóm mới có quyền truy cập vào khu vực chuyên gia, thông qua thẻ nhân viên đã đăng ký. Điện thoại di động cá nhân không được phép sử dụng, luôn phải được cất trong tủ khóa ở bên ngoài.

Dự án phát triển hệ điều hành này sau đó đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng của Phòng thí nghiệm Huawei 2012 (Huawei 2012 Laboratories), đơn vị có chức năng là cánh tay phải phụ trách việc đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ của toàn công ty. Nơi đây bao gồm các học giả và những chuyên gia nghiên cứu giỏi nhất, tiêu tốn hàng tỷ nhân dân tệ đầu tư mỗi năm và không cần tạo ra những đóng góp có tác động ngay lập tức vào lợi nhuận cho công ty. Hầu hết các kết quả nghiên cứu ra không được công khai, bao gồm cả dự án phát triển hệ điều hành mới, thứ mà mới được Huawei công nhận sự tồn tại gần đây.

Thời điểm năm 2012, một nhóm nhỏ các thương hiệu quốc tế thống trị thị trường điện thoại thông minh và Huawei chỉ chiếm chưa đến 5% thị phần toàn cầu. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi. Bây giờ, Huawei là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, đưa ra thị trường hơn 206 triệu chiếc smartphone trong năm 2018, với gần một nửa trong số này dành cho thị trường nước ngoài, theo số liệu của IDC.

Nếu như không có sự căng thẳng trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hệ điều hành độc quyền của Huawei sẽ mãi chỉ là một phương án dự phòng. Bởi rõ ràng, việc sử dụng các sản phẩm của Google hay Microsoft (Windows) từ trước tới nay luôn là lựa chọn hàng đầu của công ty này, theo như chính chia sẻ của một đại diện phát ngôn của Huawei.

Nhưng thế cuộc tiếp tục thay đổi đã buộc công ty Trung Quốc này sớm phải tung ra con bài giấu kín của mình. Vào tháng 3 năm nay, Yu Chengdong (hay Richard Yu), giám đốc mảng tiêu thụ của Huawei, đã chia sẻ các thông tin đầu tiên liên quan tới hệ điều hành này trên một ấn phẩm của Đức. Ông cho biết hệ điều hành mới có thể sử dụng cho cả smartphone và máy tính, trong trường hợp các hệ thống hiện tại do những công ty Mỹ cung cấp không còn nữa.

Các chia sẻ của Yu đưa ra trong bối cảnh Mỹ bắt đầu tăng áp lực lên Huawei, thông qua việc cảnh báo các đồng minh rằng công ty Trung Quốc có thể gây rủi ro an ninh quốc gia. Đồng thời, Huawei đang phải đối mặt với một loạt các cáo buộc về đánh cắp bí mật thương mại, vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế và che giấu giao dịch kinh doanh ở Iran thông qua một công ty con không chính thức. Công ty Trung Quốc đã nhiều lần và kịch liệt phủ nhận những cáo buộc này, nói rằng chúng thiếu bằng chứng.

Giữa tháng 5, vấn đề hệ điều hành trở nên khẩn cấp hơn khi Mỹ đưa Huawei và một loạt công ty Trung Quốc khác vào danh sách đen về hạn chế thương mại. Google, Microsoft và một loạt công ty công nghệ khác bắt đầu đưa ra thông báo "ngừng hợp tác", không liên lạc thậm chí cấm bán sản phẩm cho Huawei. Chính phủ Mỹ sau đó giới hạn cho công ty Trung Quốc có 90 ngày trước khi các nguồn cung bị chặn hoàn toàn. Tới lúc này, Huawei chỉ còn cách hé lộ về kế hoạch bí mật của mình cho một hệ điều hành thay thế.

Theo một số nhân sự trong ngành, hệ điều hành của Huawei được xây dựng dựa trên một "hạt nhân" đơn giản, có thể phản ứng nhanh với các điều chỉnh và thay đổi. Trong một thời gian dài, các kỹ sư tham gia dự án đã nghiên cứu kỹ Android và iOS để học hỏi từ các sản phẩm này.

Tuy nhiên, một trong những thách thức kỹ thuật lớn nhất đối với hệ điều hành của Huawei là khả năng tương thích với Android. Bởi nó sẽ cho phép một chiếc điện thoại Huawei sử dụng hệ điều hành riêng có thể tải xuống và chạy các ứng dụng trên Google Store một cách liền mạch. Khả năng tương thích này cũng đồng nghĩa với việc các nhà phát triển ứng dụng trên toàn thế giới sẽ không cần phải thay đổi sản phẩm của họ để nó chạy được trên điện thoại Huawei.

Việc này không hề đơn giản. Nên nhớ rằng trong quá khứ, rất nhiều công ty khác đã nỗ lực để tạo ra một sản phẩm thay thế Android nhưng không thành công. Microsoft đã cố gắng phát triển hệ điều hành Windows cho smartphone nhưng chỉ có một số ứng dụng Android là có thể chạy trơn tru. Samsung cũng đã cố gắng tìm cách tạo ra hệ điều hành Tizen, nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Tương tự, nếu sản phẩm của Huawei không thể chạy tốt các ứng dụng Android thì việc thiếu một hệ sinh thái hỗ trợ của riêng nó sẽ vẫn là vấn đề đau đầu của công ty Trung Quốc.

Huawei đã đăng ký tên thương hiệu cho hệ điều hành này là Hồng Mông (Hongmeng) hồi năm ngoái tại Trung Quốc. Dịch sang tiếng Anh, đây là từ ám chỉ một thế giới nguyên thủy nơi mọi thứ bắt đầu được sinh ra. Còn theo một báo cáo khác, công ty đã đăng ký tên thương hiệu "Huawei Ark OS" tại Văn phòng sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu vào cuối tháng 5.

Cũng theo báo cáo mới trên Thời báo Chứng Khoán hôm 21/5, Richard Yu cho biết hệ điều hành tự phát triển của Huawei có thể hỗ trợ một loạt các sản phẩm trong hệ sinh thái của công ty bao gồm điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng, TV, ô tô và các thiết bị đeo. Đặc biệt, nó cũng tương thích với tất cả các ứng dụng Android và ứng dụng web hiện có.

Theo ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện trong nhóm WeChat của Yu, dự kiến sản phẩm này sẽ được tung ra thị trường sớm nhất trong mùa thu năm nay và muộn nhất trong mùa xuân sang năm. Tuy nhiên Huawei đã từ chối xác minh thông tin này.

Bí mật phía sau hệ điều hành được Huawei phát triển để thay thế Android của Google - Ảnh 2.

Năm ngoái, theo ước tính của Gartner, các ứng dụng độc quyền cho Android và iOS chiếm tới 99,9% ứng dụng toàn cầu. Điều đó đồng nghĩa là bất cứ hệ điều hành mới nào không tương thích được với các ứng dụng của một trong hai hệ điều hành nói trên, chắc chắn sẽ thất bại.

Nhưng Huawei vẫn có thể tự tin về triển vọng hệ điều hành của mình tại Trung Quốc. Bởi lâu nay các nhà phát triển và người tiêu dùng địa phương gần như vẫn chưa sử dụng dịch vụ của Google. Do đó, họ vẫn sẽ hỗ trợ và xây dựng một hệ sinh thái mới nhanh chóng. Nhưng cái khó ở chỗ, người tiêu dùng châu Âu đã bắt đầu sợ hãi và hạn chế mua điện thoại Huawei. Khi nhu cầu thiết bị giảm xuống, đây rõ ràng không phải là thời điểm tốt nhất để giới thiệu một hệ điều hành, bởi nhà sản xuất nào cũng sẽ muốn thử điều đó khi có trong tay thị phần lớn nhất. Cho dù phản ứng ở trong nước có thể ổn, công ty vẫn quan tâm đến phản ứng của thị trường quốc tế.

Do đó, Huawei chắc chắn cần một số biện pháp đối phó trước các đòn tấn công nhanh và mạnh từ phía Mỹ. Bởi dù đã chuẩn bị từ lâu cho trường hợp xấu nhất, vụ bắt giữ CFO Mạnh Vãn Chu Meng hồi cuối năm 2018 và các sự kiện liên tiếp sau đó đã khiến Huawei buộc phải đẩy nhanh kế hoạch của mình.

Các bằng chứng dù khả quan vẫn cho thấy công ty Trung Quốc này chưa chuẩn bị đầy đủ để khởi động hệ điều hành mới. Vì mặc dù giải pháp thay thế cho Android đã được thử nghiệm hàng nghìn lần trong phòng thí nghiệm, nó vẫn chưa được thử nghiệm rộng rãi trên các dòng sản phẩm tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là Huawei chưa thể có ngày phát hành phiên bản thương mại một cách vững chắc.

Theo Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM