Bí mật đằng sau 'chân ái' của CEO Tim Cook ở một quốc gia châu Á

15/04/2024 14:40 PM | Công nghệ

Trung Quốc đóng vai trò quá quan trọng với Apple cả về doanh số lẫn sản xuất.

Apple đang cần Trung Quốc hơn bao giờ hết, liệu CEO Tim Cook có dám dịch chuyển sản xuất khỏi quốc gia tỷ dân? - Ảnh 1.

"Đây là thời điểm quan trọng với Apple để bắt lấy cành ô liu từ chính quyền Bắc Kinh và không nhìn lại. Trung Quốc quá quan trọng với Apple", chuyên gia Dan Ives của Wedbush nói với tờ Fortune.

Thật vậy, trong bối cảnh doanh số iPhone đã giảm kỷ lục 10% trong quý I/2024, CEO Tim Cook đã phải tích cực có các chuyến thăm đến Trung Quốc nhằm củng cố vị thế của Apple tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Tờ Financial Times (FT) cho hay hơn 95% số sản phẩm iPhone, AirPods, Macs và iPads của Apple được sản xuất ở Trung Quốc. Đây cũng là thị trường chiếm đến 1/5 tổng doanh thu của nhà táo khuyết, vào khoảng 74 tỷ USD năm 2022. Điều này hầu như trái ngược hoàn toàn với đối thủ Samsung khi hãng này đã và đang cắt giảm mạnh hoạt động sản xuất ở Trung Quốc.

Thậm chí trong thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng, Apple vẫn tiếp tục đầu tư thêm vào thị trường này.

Apple đang cần Trung Quốc hơn bao giờ hết, liệu CEO Tim Cook có dám dịch chuyển sản xuất khỏi quốc gia tỷ dân? - Ảnh 2.

Chính điều này đã tạo áo lực từ phía Mỹ lên Apple nhưng nguồn tin của FT cho hay nhà táo khuyết sẽ không dễ dàng từ bỏ chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khi nơi đây đóng vai trò quá thiết yếu cả về doanh số lẫn sản xuất.

Thêm vào đó, CEO Tim Cook đã đổ quá nhiều tâm huyết, nguồn lực vào Trung Quốc để có thể từ bỏ. Nhà táo khuyết đã xây dựng được một chuỗi cung ứng, nhân lực đồ sộ tại đây mà khó có thể lặp lại một lần nữa ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Đó là chưa kể Apple đang gặp rắc rối với những vụ kiện chống độc quyền ở Châu Âu và Mỹ, khiến thị trường Trung Quốc trở nên ngày càng quan trọng hơn.

Theo Dan Ives, Apple sẽ chỉ dịch chuyển một phần nhỏ sản xuất những thiết bị không quan trọng sang những nơi khác và vẫn giữ nguồn cung chủ lực tại Trung Quốc, nhưng với tình hình doanh số iPhone lao dốc như hiện nay thì CEO Tim Cook sẽ phải đắn đo rất nhiều trước quyết định dịch chuyển này.

Không lối thoát

Mặc dù phía Mỹ gây áp lực để Apple từ bỏ Trung Quốc, nhưng việc CEO Tim Cook phải vội vàng có chuyến thăm đến thị trường này khi doanh số iPhone sụt giảm cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang và vẫn sẽ là chuỗi cung ứng hàng đầu cho nhà táo khuyết.

Câu chuyện ở đây không chỉ nằm ở doanh số và thị trường 1,4 tỷ dân đầy hấp dẫn mà còn liên quan đến khả năng cung ứng mà không một nơi nào có thể bắt chiếc.

Tờ FT cho biết tổng giá trị các thiết bị dùng cho sản xuất sản phẩm của Apple tại Trung Quốc đã tăng từ 370 triệu USD năm 2009 lên 7,3 tỷ USD năm 2012. Con số mới nhất sau đó không được tiết lộ nhưng chắc chắn Apple đã phải đổ hàng tỷ USD mỗi năm để sản xuất, thiết kế và tận dụng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Apple đang cần Trung Quốc hơn bao giờ hết, liệu CEO Tim Cook có dám dịch chuyển sản xuất khỏi quốc gia tỷ dân? - Ảnh 3.

Thêm vào đó, nguồn nhân lực tại đây không chỉ rẻ mà còn được đào tạo chuyên sâu, vốn là điểm yếu cho bất kỳ nước nào muốn thay thế Trung Quốc như Ấn Độ.

Chính bản thân Apple cũng đã từng ước tính kể từ năm 2008 đến nay, họ đã đào tạo ít nhất 23,6 triệu lao động lành nghề Trung Quốc.

Không dừng lại ở đó, các hãng hợp đồng như Foxconn còn cung ứng chi phí nhân công giá rẻ cùng với lượng lao động dồi dào, được đào tạo tốt và có thể hoàn thành đơn hàng bất kỳ khi nào Apple muốn.

CEO Tim Cook từng ví von rằng Apple chẳng thể sản xuất tại Mỹ cũng chỉ bởi thiếu chuỗi cung ứng cần thiết.

"Tất cả những nhà cung ứng linh kiện tại Mỹ chắc sẽ chẳng đủ để lấp đầy khán phòng mà tôi đang phát biểu. Thế nhưng tại Trung Quốc, bạn sẽ cần diện tích tương đương vài thành phố để lấp đầy những nhà cung ứng", Tim Cook thừa nhận.

Số liệu của Bloomberg Intelligence cho thấy tính đến hiện tại, Trung Quốc chiếm đến 70% sản xuất smartphone trên thế giới. Đặc biệt hơn là hệ thống chuỗi cung ứng của nền kinh tế này ở một mức độ mà rất khó để bất kỳ thị trường nào sao chép được trong ngắn hạn.

"Đây là một hệ sinh thái cung ứng cực kỳ hoàn thiện và hiệu quả ở Trung Quốc", nhà sáng lập Jay Goldberg của D/D Advisors thừa nhận.

Để so sánh trực quan, vào năm 2021, số doanh nghiệp đạt chứng chỉ chất lượng ISO 9001 tại Trung Quốc là 426.716 tổ chức, chiếm 42% tổng số trên toàn cầu. Con số này tại Mỹ chỉ vào khoảng 25.561 còn tại Ấn Độ là 36.505.

"Việc thay đổi cả một hệ thống cung ứng là điều chẳng hề dễ với Apple. Bạn không thể chỉ chuyển nhà máy sản xuất sang nơi khác khi không có chuỗi cung ứng với tiêu chuẩn được xây dựng nhiều năm tại Trung Quốc", chuyên gia Goldberg nhận định.

Apple đang cần Trung Quốc hơn bao giờ hết, liệu CEO Tim Cook có dám dịch chuyển sản xuất khỏi quốc gia tỷ dân? - Ảnh 4.

Ví dụ như ở nhà máy Foxconn, nếu họ muốn lắp đặt máy hàn siêu âm (Sonic Welder) thì chỉ cần gọi bất kỳ công ty vận hành nào để xây dựng dây chuyền cũng như thuê lao động tại Trung Quốc. Tuy nhiên điều này không thể làm được dễ dàng ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

"Trung Quốc có rất nhiều những công ty cung ứng, đặc biệt là những hãng làm trong thị trường ngách mà không một thị trường nào khác trên thế giới có được khả năng như vậy", ông Goldberg nhấn mạnh.

"Apple đã phát triển tại Trung Quốc hết mức có thể và hậu quả là họ đang không thể tách ra được...Sự thật là sẽ chẳng có lối thoát nào đâu", tác giả Aaron Friedberg của "Getting China Wrong" nhận định.

Chân ái của Tim Cook

Tờ Financial Times (FT) nhận định Apple đã dính quá sâu vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và rất khó để "gỡ" ra. Đơn cử như cuộc hợp tác thành công với Foxconn trong ¼ thế kỷ không thể đơn thuần muốn bỏ là bỏ.

"Chẳng ai có thể hình dung được độ lớn mức độ sản xuất của Foxconn cả trừ phi bạn chứng kiến chúng tận mắt. Điều này cứ như thể miêu tả độ phồn hoa của thành phố New York với một người nhà quê vậy", cựu chuyên gia phân tích Brian Blair, người đã nhiều lần thăm quan các cơ sở của Apple tại Trung Quốc nhận định.

Apple đã đặt nền tảng cho sự phát triển công nghệ của Trung Quốc trong hơn 20 năm qua, nhưng điều này với CEO Tim Cook thì còn hơn thế. Chính ông là tổng công trình sư của mọi việc tại Trung Quốc và câu chuyện bắt vị CEO này thừa nhận sai lầm để dịch chuyển nhà máy sang nơi khác là điều gần như không thể.

"Apple chẳng thể dịch chuyển đi đâu được đâu. Cho dù chi phí nhân công Trung Quốc lên cao thì Apple cũng sẽ tìm cách tự động hóa mà thôi. Họ đã cố gắng dịch chuyển khỏi Trung Quốc từ năm 2014 nhưng chẳng thành công mấy. Nền kinh tế này vẫn sẽ thống trị trong mảng lao động giá rẻ chất lượng cao và sản lượng công nghệ trong vòng 20 năm tới mà thôi", một cựu kỹ sư của Apple cho biết.

Tờ FT cho hay không một Big Tech nào trên thế giới có mối quan hệ sâu rộng với Trung Quốc được như Apple. Hầu như mọi linh kiện sản phẩm của Apple hiện vẫn được sản xuất tại Trung Quốc. Nhà táo khuyết chỉ có 14.000 nhân viên ở đây nhưng họ lại điều hành 1,5 triệu nhân công trong toàn chuỗi cung ứng.

Chính chuỗi cung ứng này đã cung ứng đến 250 triệu chiếc iPhone mỗi năm cho toàn cầu. Với tình hình này, Apple hầu như rất khó để tìm được một thị trường cung ứng thay thế được Trung Quốc.

Thậm chí với Ấn Độ, nơi được cho là đang có tham vọng thay thế Trung Quốc cũng bị đánh giá là khó thực hiện thành công.

Tờ FT nhận định tham vọng này mang tính kỳ vọng hơn là thực tế khi phần lớn những nhà cung ứng của Apple tại Ấn Độ chỉ lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói thiết bị là chính (FATP-Final Assembly, Test and Pack).

Đây là công việc đòi hỏi ít kỹ thuật, cần nhiều lao động là chính và phần lớn thiết bị đã được sản xuất sẵn từ Trung Quốc. Thậm chí nơi lắp ráp cũng là các công ty Đài Loan mở nhà máy ở Ấn Độ.

"Pegatron và Foxconn có thể mở nhà máy tại Ấn Độ nhưng chuỗi cung ứng của họ thì không, bởi ở đó chẳng có mạng lưới cung ứng mạnh được như Trung Quốc. Họ vẫn phải nhập khẩu phần lớn các linh kiện từ Trung Quốc để lắp ráp là chính", chuyên gia phân tích Steven Tseng của Bloomberg Intelligence nhận định.

Apple đang cần Trung Quốc hơn bao giờ hết, liệu CEO Tim Cook có dám dịch chuyển sản xuất khỏi quốc gia tỷ dân? - Ảnh 6.

Mặc dù Ấn Độ sản xuất đến 200 triệu chiếc điện thoại năm vừa qua nhưng phân khúc của chúng không thể bằng Apple. Phần lớn những sản phẩm này được bán với giá chưa đến 250 USD trong khi mỗi chiếc iPhone có giá bình quân gần 1.000 USD, đồng thời yêu cầu nhiều tiêu chuẩn về tự động hóa, trình độ, công nghệ cũng như chuỗi cung ứng hơn.

"Cứ như chúng ta đang so sánh một con siêu xe Ferrari với ô tô giá rẻ Kia Sorento vậy. Sản phẩm của Apple sẽ đòi hỏi trình độ công nghệ cao hơn rất nhiều", một cựu giám đốc của Microsoft nói với FT.

Đồng quan điểm, chuyên gia Tseng nhận định vấn đề về cơ sở hạ tầng, khả năng giao tiếp, chất lượng lao động... đều là những trở ngại tại Ấn Độ khi Apple cần phải tốn thêm tiền bạc và thời gian để xây lại mọi thứ từ đầu trước khi đạt được chuỗi cung ứng như Trung Quốc.

Bên cạnh Ấn Độ, Việt Nam cũng được coi là một lựa chọn khả dĩ khi chi phí nhân công bình quân chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc. JP Morgan ước tính vào năm 2025, Việt Nam sẽ sản xuất phần lớn AirPods, 20% iPads và Apple Watches, 5% MacBooks cho Apple.

*Nguồn: FT

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM