Bí mật chẳng ông chủ nào nói thẳng với bạn: Người ta sẵn lòng trả bạn lương 32 triệu, nhưng sẽ đòi bạn làm cho xứng với mức 64 triệu, đi làm chẳng qua là bán sức lao động và trí tuệ thôi!

19/01/2020 08:10 AM | Kinh doanh

Xuyên suốt 16 tập Whose Chance – Cơ hội cho ai, một trong những câu nói "thấm" nhất với nhân sự là sự thừa nhận vô cùng thẳng thắn của vị sếp đến từ trang thương mại điện tử Shopee: Khi một ông chủ đưa ra một con số về mức lương thì họ sẽ muốn GẤP ĐÔI trở lại. Tức khi offer mức lương 32 triệu đồng, ông chủ kỳ vọng công sức nhân sự này bỏ ra phải sinh lời cho công ty 64 triệu đồng, hoặc hơn.

16 tập phát sóng của chương trình Whose Chance - Cơ hội cho ai, bên cạnh việc kết nối giữa các ứng viên với doanh nghiệp, còn đưa ra những quan điểm trong tuyển dụng rất thẳng thắn của các sếp doanh nghiệp.

Trong tập 14, khi 4 vị sếp khác tranh giành ứng viên Hoàng Thị Huyên với mức lương offer từ 15,5 – 20 triệu đồng, ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam – đã đưa ra mức lương 32 triệu đồng/tháng cho cử nhân Ngôn ngữ Bồ Đào Nha mới 27 tuổi này.

Đi cùng với mức đề xuất lương khủng ấy, vị sếp của trang thương mại điện tử lớn nhất nhì Việt Nam thẳng thắn thừa nhận rằng: Khi một ông chủ đưa ra một con số về mức lương thì họ sẽ muốn GẤP ĐÔI trở lại.

"Tôi chia sẻ thẳng với bạn. Một khi mình đã đưa ra một con số nào đó thì mình muốn gấp đôi trở lại, tức công sức bạn bỏ ra phải bằng 64 triệu đồng, hoặc hơn", ông Trần Tuấn Anh nói.

Bí mật chẳng ông chủ nào nói thẳng với bạn: Người ta sẵn lòng trả bạn lương 32 triệu, nhưng sẽ đòi bạn làm cho xứng với mức 64 triệu, đi làm chẳng qua là bán sức lao động và trí tuệ thôi! - Ảnh 1.

Ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam

Vị sếp này cũng nêu quan điểm trong ngành nhân sự ở một tập khác: "Cách tôi nhìn một nhân sự là một định giá. Cái giá đó đem lại cho mình cái gì, và bình thường tôi không cố gắng tiết kiệm với các bạn, tôi nghĩ là giá trị của bạn vào thời điểm này như vậy, và tôi nói thẳng như vậy. Bạn đồng ý thì chúng ta đến với nhau. Còn nếu không thì chúng ta đường ai nấy đi".

"Tuyển dụng là câu chuyện mua bán. Một bên mua sức lực, trí tuệ, kinh nghiệm, một bên bán cái mình có" - Shark Hưng

"Còn trong tương lai, bạn chứng minh được giá trị của mình cao hơn thế thì đương nhiên chúng ta lại có đánh giá lại. Tôi nghĩ thế là công bằng. Khi bạn làm rồi, bạn sẽ không còn lăn tăn đến vấn đề lương bổng nữa, vì bạn biết đó là công bằng. Và một khi đã công bằng rồi thì hai ta cùng chiến đấu thôi".

Nói về câu chuyện tuyển dụng, ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group – cho rằng đó là câu chuyện mua bán. Một bên mua sức lực, trí tuệ, kinh nghiệm, một bên bán cái mình có.

Trong công cuộc "mua bán" đó, liệu có ông chủ nào chịu phần thiệt về mình?

Lấy trường hợp ứng viên Phạm Thị Nhung – cô gái deal được mức lương cao nhất trong chương trình – làm ví dụ. Nhung chốt được deal với Shark Hưng vị trí Giám đốc Kinh doanh, lương hơn 45 triệu đồng/tháng.

Kỳ vọng của Shark Hưng khi offer mức lương này là gì? Trong vòng 1 năm, ông muốn doanh thu bán sản phẩm (pin Mopo) ít nhất đạt 15 triệu USD, tức khoảng 300 tỷ. Sau 3 năm phải đạt 50 triệu USD, khoảng 1.000 tỷ đồng.

Bí mật chẳng ông chủ nào nói thẳng với bạn: Người ta sẵn lòng trả bạn lương 32 triệu, nhưng sẽ đòi bạn làm cho xứng với mức 64 triệu, đi làm chẳng qua là bán sức lao động và trí tuệ thôi! - Ảnh 3.

Các sếp ngồi "ghế nóng" chương trình Cơ hội cho ai.

Câu chuyện "mua bán" này thể hiện rõ nhất trong một sự kiện cách đây ít năm, khi một sinh viên năm thứ ba mạnh dạn lên tiếng hỏi phải học tập và làm việc như thế nào để nhận được lương khởi điểm 2.000 USD/tháng.

Thay vì giải đáp trực diện câu hỏi này, ông Khổng Huy Hùng - Tổng giám đốc CTCP Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS) đã đặt câu hỏi ngược lại: "Nếu anh trả cho em 2.000 USD/tháng thì em mang lại được cho anh bao nhiêu tiền?"

"Việc em đưa ra con số 2.000 USD không quan trọng, mà quan trọng là em làm lại được cho anh bao nhiêu. Mà với một bạn sinh viên mới ra trường thì thông thường anh không nghĩ rằng bạn ấy sẽ mang lại được cho anh 10.000 - 15.000 USD/ tháng để anh có thể trả lại cho bạn ấy 2.000 USD/tháng".

Ông Hùng chia sẻ: "Bản thân ứng viên phải biết mình có thể mang lại được giá trị gì cho công ty. Thông thường mình phải trả lời câu hỏi đó trước cho doanh nghiệp. Tôi mang lại cho anh từng này và tôi muốn nhận được từ anh chừng này. Thông thường thì logic đấy sẽ dễ chấp nhận hơn".

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM