Bí mật ẩn sau Facebook - “quốc gia” lớn nhất thế giới

19/03/2021 09:16 AM | Công nghệ

Chúng ta đang làm chủ công nghệ hay công nghệ làm chủ chúng ta? Liệu chúng ta có quá dễ dãi khi để tư duy, sở thích và quan niệm sống bị chi phối bởi tâm lý đám đông, và một nhóm nhỏ tay chơi đang nắm trong tay sức mạnh đáng sợ của thời đại số?

Có lẽ khi ra mắt The facebook năm 2004, anh chàng Mark Zuckerberg – một nerd chính hiệu (mê lập trình và thích cả ngày ôm lấy chiếc máy tính) – không bao giờ nghĩ nó sẽ có lượng người dùng active lên tới 2,8 tỷ (số liệu tháng 12/2018), tức gần gấp đôi dân số Trung Quốc, cùng doanh thu tăng trưởng đều đặn (85 tỷ USD năm 2020).

Ra đời từ ký túc xá Harvard, ý tưởng khởi nghiệp của những cậu sinh viên thông minh: Mark Zuckerberg, Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz, Chris Hughes,… đã biến thành một công ty công nghệ thuộc nhóm Big Four sánh cùng Amazon, Apple và Google. Bản thân Mark cũng trở thành tỷ phú tự thân ở tuổi 23 và gia nhập câu lạc bộ 6 người giàu nhất hành tinh (tài sản có lúc vượt ngưỡng 100 tỷ USD).

Con đường mà Facebook đã đi cũng là mô-típ thường thấy ở thung lũng Silicon hay nhiều trung tâm khởi nghiệp khác trên khắp nước Mỹ: một hoặc vài anh chàng đam mê kỹ thuật có ý tưởng mới mang tính đột phá, bỏ học, tìm kiếm nhà đầu tư, được rót vốn, mở rộng, lên sàn (IPO), nổi danh toàn thế giới và kiếm bộn lợi nhuận.

Nhờ nắm bắt được xu thế của cuộc cách mạng di động (smartphone), chuyển đổi công nghệ kịp thời (hợp tác với Apple, Intel, viết ứng dụng thử nghiệm trên iOS của iPhone, tận dụng sức mạnh của nền tảng HTML5,…) cùng quyền phủ quyết của Mark (nắm giữ 56% cổ phần) mà Facebook đã tránh được vết xe đổ của những gã khổng lồ đi trước – IPO sớm, bị thổi giá quá nhanh để rồi xì hơi xẹp lép. Mark luôn giữ vững một niềm tin tuyệt đối, đôi lúc cực đoan, vào cái gọi là "sứ mệnh kết nối thế giới", và anh sẽ không bao giờ chịu nhượng bộ hay trao đứa con tinh thần của mình vào tay kẻ khác với bất cứ giá nào (Facebook từng được đề nghị mua lại với giá hấp dẫn 11 lần nhưng Mark đều kiên quyết từ chối).

Học theo hai đàn anh Larry Page và Sergey Brin (đồng sáng lập Google), Mark đã đích thân viết thư cho các cổ đông, tuyên bố rõ ràng: "Mục đích ban đầu của Facebook không phải là để kinh doanh. Facebook ra đời vì sứ mệnh xã hội – giúp kết nối và xây dựng một thế giới ngày càng cởi mở." Anh cũng gọi phương pháp vận hành của Facebook là "Phong cách Hacker", nhưng nhấn mạnh ý nghĩa tích cực (sáng tạo và muốn thay đổi thế giới).

Mặc dù không có thế mạnh về đối ngoại, tài chính hay kinh doanh, song Mark đã may mắn tập hợp được xung quanh mình một đội ngũ giúp việc tài giỏi, nhất là Giám đốc Vận hành (COO) Sheryl Sandberg – người bổ sung rất nhiều khiếm khuyết của anh. Nhờ tầm nhìn xa trông rộng, Mark đã kịp thời "thâu tóm tương lai" khi mua lại các nền tảng Instagram, Whatsapp, Oculus, GrokStyle,… cùng nhân sự xuất sắc của chúng, không để lọt vào tay đối thủ. Kết quả là Facebook đã tiến nhanh và liên tục phá vỡ mọi thứ."

Không chỉ là một cỗ máy in tiền "khổng lồ", Facebook còn là trung tâm của rất nhiều tranh cãi bởi tầm ảnh hưởng rộng lớn của nó. Facebook bị cáo buộc xâm phạm quyền riêng tư người dùng (bê bối Cambridge Analytica năm 2018 với án phạt kỷ lục: 5 tỷ USD), thao túng chính trị (can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 với thắng lợi của cựu Tổng thống Donald Trump), … bên cạnh những tác động xã hội tiêu cực do chứng nghiện Facebook, nội dung phản cảm, tin giả, thuyết âm mưu, tình trạng vi phạm bản quyền,… Chưa hết, Facebook còn bị điều tra chống độc quyền và hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Giống như Bill Gates, Mark bỏ học để thành lập công ty khi còn rất trẻ (19 tuổi) nên khó tránh khỏi sự nông nổi, bốc đồng. Cũng do phát triển quá nóng trên tinh thần "sẵn sàng mạo hiểm", Facebook thường xuyên vướng vào sự cố (mới đây nhất là cuộc chiến tin tức với Chính phủ Úc). Nhưng trải qua bao nhiêu sóng gió, Facebook vẫn đứng vững.

Người dùng trên khắp thế giới đang ngày ngày lướt Facebook. Họ say sưa với những đoạn post, nút like hay icon "mặt cười" mà chẳng mấy ai quan tâm tìm hiểu tường tận câu chuyện đằng sau chúng. Vì thế, Steven Levy – cây bút nổi tiếng hiện đang cộng tác cùng nhiều tờ báo và tạp chí uy tín ở Mỹ – đã dày công nghiên cứu và viết hơn 600 trang sách hé mở từng lớp của câu chuyện bí mật về Facebook. Viết tiểu sử của một người đã khó, viết tiểu sử một tổ chức gắn với nhiều con người lại càng khó hơn, nhưng tác giả đã khéo léo khắc họa nên một tượng đài "lý tưởng song cũng đầy mờ ám, bóc lột người dùng và ngày càng bị xem thường" (theo Publisher Weekly).

Những cư dân của "quốc gia đông dân nhất thế giới" có lẽ sẽ cảm thấy thích thú hoặc kinh sợ về các chi tiết liên quan đến lý do ra đời cùng mục đích của những tính năng và thuật toán đang âm thầm tác động đến cảm xúc lẫn hành vi của họ - Đó là những gì người ta nghĩ khi đọc cuốn sách "Facebook: Bí mật về quốc gia lớn nhất thế giới" mà Alpha Books tổ chức biên dịch và phát hành.

Cuối cùng, chúng ta đang làm chủ công nghệ hay công nghệ làm chủ chúng ta? Liệu chúng ta có quá dễ dãi khi để tư duy, sở thích và quan niệm sống bị chi phối bởi tâm lý đám đông, và một nhóm nhỏ tay chơi đang nắm trong tay sức mạnh đáng sợ của thời đại số?

PV

Cùng chuyên mục
XEM