Bị Lào, Myanmar ‘giật khách’, DN dệt may Việt Nam có thể ‘ngoi ngóp’ chờ TPP?
Mặc dù luôn được coi là ngành hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam gia nhập TPP, nhưng ngành dệt may Việt Nam đang chật vật khi các đơn hàng về tay Lào, Myanmar. Có doanh nghiệp không đủ việc làm đến tháng 8. Có doanh nghiệp chắt bóp tận dụng cả ánh sáng mặt trời. Liệu doanh nghiệp dệt may có thể “ngoi ngóp” chờ đến khi TPP có hiệu lực?
Dệt may có nhiều khâu, nhưng Việt Nam tham gia nhiều nhất vào khâu cắt may gia công, vốn là một khâu thâm dụng lao động. Lợi thế của Việt Nam trong ngành này trước giờ là nguồn lao động dồi dào với chi phí thấp.
Tuy nhiên, lương tối thiểu thấp, chi phí bảo hiểm xã hội thấp kéo theo chi phí lao động tại 3 nước còn lại trong nhóm CLMV - tên gọi tắt của nhóm 4 nước kém phát triển nhất khu vực ASEAN, gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam – thấp, các đơn hàng dệt may đã chảy về các quốc gia có chi phí thấp hơn.
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng đầu năm 2016 đạt gần 10,9 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2015. Tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may đang chậm lại, mục tiêu đạt 30 tỷ USD xuất khẩu đến cuối năm 2016 dự báo khó đạt.
Các đơn hàng dệt may đang đổ về Campuchia, Lào, và Myanmar – các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn Việt Nam, đồng thời vẫn có ưu đãi thuế xuất hàng đi Châu Âu và Mỹ.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang trải qua cơn bĩ cực khi doanh thu giảm, lợi nhuận giảm, đơn hàng không đủ. Những năm trước, thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm. Còn bây giờ, có đơn vị số lượng đơn hàng cũng không đủ việc làm đến tháng 8.
Được coi là ngành hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam gia nhập TPP, nhưng nay các doanh nghiệp dệt may phải xoay xở để tồn tại.
Trong khi đó, chủ các doanh nghiệp may lại khốn đốn khi muốn nhập khẩu máy in để in lên sản phẩm dệt may cũng buộc phải có… chứng chỉ in, theo quy định tại nghị định số 60/2014/NĐ-CP. Thời gian đào tạo để có chứng chỉ ngành in là 3 tháng.
Trong khi các đơn hàng dệt may rơi vào tay nước bạn do chi phí lao động không cạnh tranh được, Hội đồng tiền lương quốc gia mới đây đã có cuộc họp bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng 2017. Cộng thêm quy định tại Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) mới, mức đóng BHXH sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016 và 2018, các khoản chi cho lao động và BHXH của doanh nghiệp sẽ càng tăng lên đáng kể.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng cần phải giảm bớt các chi phí, ngay cả phí đường BOT cũng cần phải giảm để giúp đỡ ngành dệt may.
Trong khi đó, TPP – hiệp định được kỳ vọng sẽ khiến ngành dệt may khởi sắc với mức hưởng lợi tối thiểu 5,1 tỷ USD/năm (tính theo mức giảm thuế 17% về 0% và mức xuất khẩu kỳ vọng 2016 là 30 tỷ USD) nhanh nhất phải đến 2018 mới có hiệu lực.
Tuy nhiên, với 70% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài, và đến hơn 50% nhập khẩu từ Trung Quốc. Vấn đề nguồn gốc xuất xứ được đặt ra bao năm nay cho ngành dệt may vẫn chưa thể giải quyết khi 2 năm nữa TPP đã có thể có hiệu lực, tất nhiên, với điều kiện ông Donald Trump không trúng cử Tổng thống Mỹ.