Bị gây nhũng nhiễu, hạch sách, doanh nghiệp hãy phản ánh cho Chính phủ qua website doanhnghiep.chinhphu.vn
Thông qua website doanhnghiep.chinhphu.vn, nếu có thông tin doanh nghiệp phản ánh về tình trạng bị gây khó dễ, phải đút lót phong bì cho cán bộ hành chính, Văn phòng Chính phủ sẽ xem xét để xử lý nghiêm minh theo các cấp.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016 diễn ra chiều ngày 4/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 6/8/2016, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng website doanhnghiep.chinhphu.vn do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trực tiếp quản lý.
Bắt đầu vận hành từ ngày 1/10/2016 và chính thức tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp từ ngày 5/10, đây là kênh để Chính phủ lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, cơ chế chính sách giao dịch, thủ tục xây dựng, giao đất, thuê đất… với cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Trực tiếp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sẽ cùng các chuyên gia thu nhận, lắng nghe, điều chỉnh kịp thời, đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Các vướng mắc sẽ được các Bộ ngành, địa phương tiếp nhận và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ lập tổ công tác để đôn đốc trả lời.
Qua đây, các thông tin tiếp cận của doanh nghiệp với Chính phủ, các câu trả lời của Chính phủ giải đáp cho vướng mắc của doanh nghiệp sẽ được đăng tải công khai minh bạch để cho bất cứ ai quan tâm cũng có thể truy cập.
Thậm chí, kể cả trong trường hợp các doanh nghiệp phản ánh về chuyện phải đút lót phong bì tới một số cơ quan và gây khó dễ cho doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nếu như phản ánh của các doanh nghiệp, của báo chí có chứng cứ, căn cứ xác đáng, các cơ quan chức năng sẽ xem xét để đánh giá, nhất là cơ quan quản lý cán bộ của cấp đó. Nếu như tại địa phương sẽ chuyển về địa phương và yêu cầu cán bộ phải làm rõ, phải giải trình với lãnh đạo địa phương. Nếu như thuộc Bộ thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, yêu cầu cán bộ bị phản ảnh phải giải trình rõ với các doanh nghiệp, dư luận của người dân và báo chí.
Tại buổi họp báo, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ông Vi Quang Đạo cho hay hệ thống cho phép doanh nghiệp dễ dàng truy cập, phản ánh từ máy tính, thiết bị di động kết nối Internet, đồng thời theo dõi tiến trình xử lý kiến nghị, nhận kết quả trả lời nhanh nhất, công khai minh bạch.
Ông Đạo cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trực tiếp hỏi trên cơ sở tuân theo các quy định của pháp luật, quy định của Nhà nước đã ban hành.
Đây sẽ là kênh tương tác giữa chính phủ và doanh nghiệp trên lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử đáp ứng mục tiêu xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Qua quá trình tiếp nhận sẽ hình thành cơ sở dữ liệu cho phép tổng hợp, thống kê, phân tích tình hình phản ánh của doanh nghiệp để làm cơ sở cho công tác tham mưu, tổng hợp xây dựng chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước. Văn phòng Chính phủ sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế tiếp nhận theo dõi tổng hợp các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, làm cơ sở pháp lý để đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống này.
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, sau hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị doanh nghiệp doanhnghiep.chinhphu.vn, tới đây Văn phòng Chính phủ sẽ xây dựng website của Chính phủ với người dân.