Bị đánh giá "quá phũ", shark Nguyễn Hòa Bình nhắn nhủ: Thương cho roi cho vọt! Shark Tank mồ hôi rơi, thương trường bớt đổ lệ!

30/08/2019 08:43 AM | Kinh doanh

Ông Bình không ít lần đưa ra những bình luận gay gắt khi thẳng thừng chê các startup Việt Nam "ngáo giá", hay "em là người của hành tinh khác".

Sáng 28/8, ngay giữa mùa phát sóng, chương trình Shark Tank mùa 3 bất ngờ công bố chương trình hợp tác chiến lược cùng NextTech Group đồng thời nhà sáng lập kiêm chủ tịch NextTech Nguyễn Hòa Bình chính thức gia nhập "bể cá mập" mùa 3. Ngay tối hôm 28/8, tập 6 mùa 3 Shark Tank khép lại với nhiều bất ngờ kịch tích với tâm điểm xoay quanh phong thái của shark mới.


Quan điểm "Shark Tank mồ hôi rơi, thương trường bớt đổ lệ"

Trong buổi giới thiệu của Shark Tank, Chủ tịch Nguyễn Hòa Bình bày tỏ mong muốn là vị "shark tri kỷ" cùng các startup. Tuy nhiên sau khi tập 6 kết thúc, nhiều người đặt cho doanh nhân này cái tên hoàn toàn đối lập: "Shark phũ phàng". Ông Bình không ít lần đưa ra những bình luận gay gắt khi thẳng thừng chê các startup Việt Nam "ngáo giá", hay "em là người của hành tinh khác".

Điển hình nhất là trường hợp founder Lê Nguyễn Khánh Trình đã gọi vốn 5 triệu USD cho 10% cổ phần công ty chuyên xuất khẩu khung xếp đa năng tự lực. Tự định giá startup 50 triệu USD dù mới xuất khẩu được khoảng 1.000 đơn hàng, không chỉ Shark Bình, mà các Shark còn lại đều từ chối đầu tư, do starup này đã định giá công ty quá cao so với thực tế.

Câu chuyện của Lê Nguyễn Khánh Trình không chỉ đúng với chương trình Shark Tank mùa 3, mà còn là thực trạng của nhiều startup Việt Nam hiện nay. Việc tự định giá công ty quá cao so với năng lực thực tế đang khiến các startup không chỉ "lao đao" trong giai đoạn gọi vốn mà còn ảnh hưởng tới cả hoạt động kinh doanh sau này.

Ngay sau tập 6, dư luận đặt vấn đề cho rằng Shark có quá phũ phàng, vùi dập startup, shark Bình đã chia sẻ trên Facebook cá nhân cho biết những nhận xét của ông "xuất phát từ 20 năm kinh nghiệm khởi nghiệp, rất yêu startup và không muốn startup vấp ngã".

"Quân đội có câu "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu" nhắc nhở chiến sỹ phải biết sợ chết mà chăm chỉ rèn luyện cho tốt thì lúc thực chiến mới đỡ mất máu, thậm chí mất mạng!

Qua Show này mình "sáng tác" câu ăn theo "Shark Tank mồ hôi rơi, thương trường bớt đổ lệ", vì Startup có bị mắng bị chê (một cách vô tư và hợp lý) thì mới tỉnh ra và trở nên thực tế mà tránh thất bại được. Vì vậy hãy coi Shark Tank như một "thao trường" về kinh doanh, ở đó có các vị "sỹ quan huấn luyện" nghiêm khắc chửi mắng rất gắt nhưng "thương lính như con" giống trên phim vậy.

Xét cho cùng nếu thất bại thì các bạn sẽ phải chịu đựng vô vàn bi kịch và mất mát như: tiền bạc, thời gian và cơ hội, và mất lớn nhất chính là niềm tin! Chứ Shark đã không đầu tư rồi thì có mất gì đâu mà phải mắng cho mang tiếng", Chủ tịch NextTech chia sẻ.

Với 20 năm kinh nghiệm khởi nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, Shark Bình khẳng định, ông thấu cảm sự cô đơn và thiếu thốn trong giai đoạn khởi nghiệp của các startup Việt. Đó cũng là lý do ông sáng lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn sớm Next100 với mong muốn đồng hành và tri kỷ với các startup trên con đường đi đến thành công.

Bị đánh giá quá phũ, shark Nguyễn Hòa Bình nhắn nhủ: Thương cho roi cho vọt! Shark Tank mồ hôi rơi, thương trường bớt đổ lệ! - Ảnh 1.


Lý do thất bại lớn nhất của startup

Ước tính mỗi năm thế giới có 50 triệu dự án startup công nghệ ra đời, còn Việt Nam là khoảng 1.000 dự án. Trong 3 năm đầu khởi nghiệp, có đến 92% startup sẽ thất bại và phải giải thể, vì không tìm ra được chiến lược phù hợp cho thị trường, cũng như thiếu một hệ sinh thái làm bệ phóng.

Có nhiều lý do dẫn đến thất bại của startup tuy nhiên khi chọn ra một lý do thì shark Dzung và shark Hưng đều cho rằng xuất phát từ: Sự cứng đầu và quá tự tin. Trong buổi gặp gỡ giữa mùa Shark Tank mới đây, shark Dzung cũng cho rằng thế giới công nghệ đang thay đổi từng ngày, đây là khó khăn chung của các startup, đặc biệt là các startup công nghệ.

"Chỉ cần startup đi vào hoạt động 6 tháng là biết được sản phẩm thất bại hay không, còn thành công ở đây chưa bàn đến. Hơn bao giờ hết, người sáng lập startup cần một cái đầu lạnh và biết phân tích, lắng nghe", Shark Dũng nói.

"Vì quá tự tin, nên nhiều startup ngay khi nhận được tiền đã sớm đạp ga tăng tốc, dù họ mới còn đang tập lái. Họ chi quá nhiều tiền và tin rằng doanh thu sẽ đến. Nhưng thực tế, sai làm nối tiếp sai lầm", Shark Hưng nhận xét.

Đồng tình với nhận định trên, Shark Nguyễn Thanh Việt cho hay, các startup hiện nay hầu như chưa biết tự lượng sức mình. Bản thân các nhà sáng lập chưa biết mình đang ở đâu, thì khó có thể định giá được một công ty startup.

Với shark Nguyễn Hòa Bình lý do khiến startup thất bại là làm cái xã hội không cần. Chủ tịch NextTech cho biết, thường đánh giá một ý tưởng startup dựa trên nhiều tiêu chí như:

"Nỗi đau" của thị trường có đủ lớn không?

Thị trường tăng trưởng nhanh không?

Khách hàng có phải trả giá đắt cho "nỗi đau" đó không?

Tần suất sử dụng của khách hàng có thường xuyên không?

Trong đó, quan trọng nhất vẫn là việc startup tìm ra công thức giải quyết "nỗi đau" của thị trường. Bởi theo ông Bình, nếu startup làm ra một sản phẩm mà thị trường không cần, hoặc có cũng được, không có cũng chẳng sao, thì đồng nghĩa họ đã thất bại.

Tất nhiên, ngay cả khi startup đã tìm ra công thức thành công, nhưng việc thiếu tệp khách hàng - hệ sinh thái cũng khiến họ gặp khó khăn trong kinh doanh. Do đó, cần xây dựng hệ sinh thái gồm mạng lưới khách hàng, cơ sở hạ tầng và sản phẩm dịch vụ tương hỗ.

Đặc biệt, cùng với hai yêu cầu trên, startup công nghệ "đói" vốn hoặc "đốt" vốn cũng dễ dẫn đến sai lầm và thất bại.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM