Bị chê trình độ và ý thức kém hơn nước khác, người Việt phải trả phí xuất khẩu lao động sang Đài Loan cao hơn 2.000 USD/người

20/03/2017 08:00 AM | Xã hội

Trình độ và ý thức kém dẫn đến chi phí quản lý tốn kém là một trong những nguyên nhân khiến người lao động Việt sang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) phải trả phí môi giới cao hơn thông thường.

Mới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trước thông tin phản ánh doanh nghiệp thu phí “vượt rào” khi môi giới xuất khẩu lao động đi Đài Loan (Trung Quốc).

Theo quy định, tổng chí phí người lao động Việt phải chi bao gồm cả tiền ký quỹ theo ngành nghề, hợp đồng 3 năm, cụ thể:

Xấp xỉ 5.000 USD với lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; Xấp xỉ 4.100 USD với lao động làm việc trong bệnh viện, trung tâm chăm sóc người già, người tàn tật,; 2.800 USD với lao động chăm sóc người già, người bệnh trong gia đình; 2.500 USD với lao động thuyền viên tàu cá.

Tuy nhiên, có thời điểm người lao động bị thu đến 6.000 USD, thậm chí có trường hợp trên 6.000 USD.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc lao động bị thu phí cao có nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất: Luật pháp Đài Loan (Trung Quốc) không cho phép công ty dịch vụ việc làm Đài Loan thu phí môi giới, nhưng do cạnh tranh giữa các công ty nên nhiều đơn vị phía Đài Loan thường yêu cầu một khoản phí môi giới rất cao mới tiếp nhận lao động đối với tất cả các nước: Lao động Phi-líp-pin, Thái Lan: 1.000-2.000 USD, In-đô-nê-xia 2.000 -3000 USD, Việt Nam: 3.000 – 4.000 đối với lao động làm việc trong nhà máy. Do vậy, phần lớn chi phí của người lao động rơi vào tay các công ty dịch vụ việc làm Đài Loan.

Thứ hai: Theo giải thích của các công ty dịch vụ việc làm của Đài Loan, là do trình độ và ý thức của lao động Việt Nam kém hơn lao động các nước khác. Tỉ lệ lao động phá bỏ hợp đồng cao mang lại nhiều rủi ra cho bên sử dụng lao động, việc tuân thủ nội quy làm việc và ý thức trong sinh hoạt chưa tốt dẫn đến chi phí quản lý lao động Việt Nam tốn kém hơn.

Nhiều nhà máy tại Đài Loan tuyển dụng nhiều lao động nước ngoài vào làm việc với chi phí xuất cảnh thấp thường không chọn lao động Việt Nam một phần vì trình độ tay nghề không đáp ứng, nhưng phần nhiều vì quản lý phức tạp và chi phí quản lý cao hơn.

Thứ ba: Việc cạnh tranh với các nước cùng đưa lao động vào Đài Loan để lấy thị phần, đồng thời nội bộ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam cũng cạnh tranh với nhau theo cách không lành mạnh, chấp nhận trả mức phí môi giới cao hơn, đẩy gánh nặng tài chính cho người lao động.

Thứ tư: Nhu cầu đi làm việc tại Đài Loan của lao động Việt Nam cao nên nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động cũng thực hiện các hoạt động cò mồi, môi giới, lừa đảo, thu tiền của người lao động.

Lao động bỏ trốn: Nỗi nhức nhối của ngành Xuất khẩu lao động

Lao động Việt tự đánh mất cơ hội do quá manh động

Theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH, hiện nay xấp xỉ 25.900 lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan, chiếm 48,5% tổng số lao động nước ngoài bỏ hợp đồng và chiếm 14% số lao động lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan.

Nguyên nhân của tình trạng lao động Việt Nam bỏ hợp đồng do:

- Một bộ phận không nhỏ lao động có ý thức tuân thủ pháp luật kém, manh động, dễ bị rủ rê lôi kéo ra ngoài làm việc bất hợp pháp; hoặc khi phát sinh khúc mắc trong quan hệ nơi làm việc cũng có thể gây tâm lý chán nản, muốn bỏ việc tìm môi trường khác; hoặc khi làm việc, thu nhập không ổn định, người lao động có tâm lý muốn bỏ hợp đồng, tìm việc làm có thu nhập tốt hơn để mau chóng thu lại khoản chi phí trước xuất cảnh.

- Công tác tuyển chọn lao động chưa tốt, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi xuất cảnh chưa đảm bảo cả về thời lượng và chất lượng.

- Một số công ty dịch vụ Đài Loan thiếu quan tâm khúc mắc của người lao động, hỗ trợ không kịp thời người lao động khi họ cần.

- Khi sắp hết hạn phải về nước, người lao động bỏ ra ngoài tìm việc bất hợp pháp để kiếm thêm thu nhập.

- Cộng đồng người Việt Nam sang kết hôn với người Đài Loan và học tập tại Đài Loan đông đảo, trong đó có người đã tham gia lôi kéo, giới thiệu cho người lao động ta ra ngoài làm việc bất hợp pháp.

- Phía Đài Loan chưa thực hiện các biện pháp đủ mạnh để giảm tình trạng chủ sử dụng phi pháp sử dụng lao động bỏ hợp đồng vào làm việc.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam được phép thu của người lao động các khoản: tiền dịch vụ, tiền môi giới, tiền đào tạo, tiền ký quỹ bảo đảm hợp đồng.

Ngoài ra, người lao động phải tự chi trả lệ phí cấp hộ chiếu, visa, vé máy bay (một chiều), khám sức khỏe, lý lịch tư pháp, đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM