Bị chê chỉ biết viết phần mềm, thanh niên “mọt sách” này bằng cách nào khởi nghiệp thành công và xây dựng được cả một “Đế quốc chim cánh cụt” Tencent?
Các thử thách trong những ngày đầu khởi nghiệp mà Tencent gặp phải, cũng tương tự như những vẫn đề mà rất nhiều nhà khởi nghiệp khác đang và sẽ phải đối mặt. Dưới đây là câu chuyện khởi nghiệp của nhà sáng lập Tencent Mã Hóa Đằng và các gợi ý cũng như bài học cho các bạn đã và muốn khởi nghiệp.
1. Những khó khăn khi khởi nghiệp
Năm 1998, tôi đăng ký kinh doanh cho công ty Tencent, khi đó đến cha mẹ tôi cũng không ngờ tới, họ nói: "Mọt sách như con mà cũng có thể mở công ty à." Thế nên, họ kiến nghị tôi nên tìm người hợp tác cùng làm, để có thể bù đắp được cho những khiếm khuyết của mình.
Khi đó người hiểu về máy tính lại không hiểu về truyền thông, người hiểu về truyền thông lại không hiểu về máy tính, tôi vừa hay ở giữa hai mảng này. Trương Chí Đông năng lực thực tiễn và kĩ thuật rất giỏi. Trần Nhất Đan từng làm ở văn phòng chính phủ nên rất hiểu về pháp luật, quản lý, cách tiếp khách và thủ tục hành chính. Tăng Lý Thanh thì bề ngoài trông rất giống ông chủ, nên khi đi ra ngoài ngoại giao người ta thường bắt tay anh ta trước.
Danh thiếp của tôi chỉ dám in là kỹ sư, không dám in là Tổng giám đốc vì sợ mọi người nghĩ rằng công ty của chúng tôi là công ty vớ vẩn.
Khi đó ở Thâm Quyến có đến hàng trăm công ty giống như Tencent. Chúng tôi chủ yếu làm dự án cho Thâm Quyến Telecom, Thâm Quyến Unicom và tổng đài của một số công ty, còn QQ là sản phẩm phụ. Tên ban đầu của QQ gọi là "Internet pager", còn biểu tượng là hình một chiếc máy nhắn tin. Chúng tôi phát triển sản phẩm này là để bán, thế nhưng mãi không bán được vì không được giá như mong muốn.
Sản phẩm nằm trong tay mình, người sử dụng QQ tăng nhanh chóng mặt, để vận hành nó cần một khoản đầu tư ngày càng lớn. Không có tiền để mua máy chủ, bắt buộc chúng tôi phải nghĩ cách kiếm tiền, chúng tôi sẵn sàng làm cả những việc vun vặt nhất cả ngày lẫn đêm chỉ để tích từng đồng nuôi QQ.
Ngoài ra, khi đó tôi cũng chạy vạy khắp nơi để vay tiền. Tìm đến ngân hàng, họ bảo chưa bao giờ có chuyện dùng "số lượng người đăng ký sử dụng" làm tài sản thế chấp cho vay. Đi đàm phán với các nhà đầu tư trong nước, họ chỉ quan tâm đến Tencent có bao nhiêu chiếc máy tính và bao nhiêu tài sản cố định.
Nửa cuối năm 1999, tôi cầm theo bản đã nâng cấp qua 6 lần và hơn 20 trang kế hoạch kinh doanh của mình tìm đến các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài, cuối cùng gặp được IDG và PCG Digital, họ đầu tư cho chúng tôi 4 triệu USD Mỹ. Với khoản tiền này, công ty đã mua một máy chủ IBM 200.000 MB, lúc mua được nó đặt ở trên bàn mà trong lòng ai cũng cảm thấy cực kì vui sướng.
Năm 2001, các nhà mạng nổi tiếng đã bắt đầu tung ra thị trường để kiếm tiền, người dùng QQ cũng lên đến 200 triệu người nhưng QQ lại thiếu các kênh thu phí khiến chúng tôi rất lo lắng. Đúng thời điểm này, China Mobile triển khai sản phẩm "Monternet" (Mobile + Internet) đã mở đường cho chúng tôi. Tôi nghĩ đến việc tăng trưởng kinh doanh thông qua hợp đồng hợp tác cùng các nhà khai thác (nhà khai thác 20%, Tencent 80%). Đến năm 2002, QQ Mobile chiếm 70% tổng doanh thu của Tencent.
Về sau, chúng tôi tiếp tục phát triển các dịch vụ mới với chi phí thấp hơn, đồng thời các dịch vụ và tính năng mới luôn cập nhật đúng lúc nhằm giữ chân khách hàng, và đó cũng là công cụ cạnh tranh của chúng tôi với các công ty nước ngoài khác.
Khi đó, MSN rất mạnh nên nhiều người cho rằng QQ sắp sập đến nơi rồi, vấn đề chỉ còn là thời gian. Thế nhưng, chúng tôi đã dựa vào các cấu trúc mạng trong nước để tối ưu hóa sản phẩm, như truyền tệp tin rất nhanh, có phòng chat, ảnh đại diện được phân theo giới tính, và đó cũng chính là cách xây dựng phương pháp marketing "truyền miệng".
Kể lại giai đoạn này là để mọi người thấy rằng, bước đầu khi khởi nghiệp là phải tìm cách để tồn tại, và đây cũng là bước khó khăn nhất. Muốn khởi nghiệp, suy nghĩ đầu tiên trong năm đầu của bạn là tiền lương làm thế nào, doanh thu có đủ khả năng chi trả tiền thuê địa điểm, tiền điện tiền nước không? Đây là những vấn đề cơ bản nhất.
Vì thế, tại thời điểm đó không có nhiều suy nghĩ về năng lực lãnh đạo gì cả, công ty có tồn tại được không còn chưa biết, bởi tỷ lệ thành công của các công ty nhỏ là rất thấp. Điều kiện để khởi nghiệp bây giờ tốt hơn nhiều so với ngày trước, nhưng vì phân ngưỡng thấp nên cạnh tranh càng khốc liệt.
Từ đó tôi đưa ra 2 gợi ý để các bạn tham khảo:
- Trong những ngày đầu khởi nghiệp, chúng ta cần phải tập trung nguồn lực để giải quyết nhu cầu của người dùng.
- Chú ý đến các cơ hội phát triển giữa các lĩnh vực.
2. Tư duy về sản phẩm
Sự ra đời của Wechat bắt nguồn từ nguy cơ của Tencent, đó là sự xuất hiện của mạng xã hội Weibo, đây cũng là đối thủ cạnh tranh rất mạnh của Tencent. Thành thật mà nói, nếu không có Wechat, Tencent khó mà trụ nổi.
Sau này, thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt khi thị trường trong nước xuất hiện thêm nhiều sản phẩm tương tự, lúc này tôi quyết định thêm vào Wechat danh bạ điện thoại, như vậy khi người dùng đăng nhập vào Wechat thì sẽ thấy được bạn bè trong danh bạ của mình xuất hiện, tương tác sẽ cao hơn.
Cũng vì sự thay đổi này mà áp lực đến từ phía Bộ thông tin rất lớn, tôi đã phải hỏi Bộ thông tin rằng, nếu bộ ban hành một lệnh cấm Wechat hoạt động cũng được, tôi vẫn còn có QQ nên tôi không sợ. Thế nhưng, phong tỏa Wechat là tạo điều kiện cho các phần mềm nước ngoài thâm nhập vào thị trường.
Trải qua những nguy cơ và chuyển đổi này, tôi lĩnh ngộ được rằng, đây là thời đại của mạng internet điện thoại, dù một công ty nhìn bề ngoài có vẻ rất vững chắc nhưng kỳ thực đầy rẫy những nguy cơ, chỉ cần không kịp nắm bắt một cơ hội nhỏ để chuyển mình thì mọi cố gắng mà tích lũy được sẽ tan thành mây khói.
Rất nhiều người hỏi tôi là khi trào lưu xuất hiện thì phải làm thế nào? Mọi người đều biết rằng phải thay đổi, nhưng dường như không thể làm được. Cách của tôi là luôn có sự chuẩn bị trước cho mình, ví dụ như mở rộng thêm phòng ban, hay chi nhánh, điều một số đội làm những gì mâu thuẫn với những thứ mình đang sở hữu , bởi nếu như chúng tôi không chủ động làm thì đối thủ cạnh tranh trên thị trường sẽ làm, vì thế thà chúng tôi thử làm nó trước còn hơn.
Kỳ thực, nắm bắt cơ hội chỉ là sự khởi đầu, đối với các công ty phần mềm mạng, sản phẩm mới là cốt lõi. Đây là một con đường cô độc, bạn luôn phải sử dụng những phương pháp ngốc nghếch nhất mới có thể chạy được nhanh nhất. Cần phải đưa mình vào vị trí của một người sử dụng ngốc nghếch để tư duy, đồng thời mỗi ngày phải sử dụng sản phẩm với tần suất lớn để liên tục tìm ra những thiếu sót, và một khi phát hiện ra thiết sót phải giải quyết ngay, như vậy mới luôn tạo được hiệu ứng "truyền miệng".
Ngoài ra, người sáng lập cần truy cập dưới hình thức là người sử dụng để cập nhật những phản hồi khác nhau. Ngày nào tôi cũng trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ của công ty, cũng thích bắt lỗi của các bộ phận phòng ban. Cuối cùng khi nhìn thấy thành phẩm hoàn chỉnh, tôi có thể biết được rằng người viết code có lười biếng trốn việc hay không.
Ở Tencent, có một quy tắc đó là "quy tắc 10/100/1000", người quản lý sản phẩm mỗi tháng phải thực hiện 10 cuộc khảo sát người dùng, chú ý đến 100 blog người dùng, và thu thập phản hổi của 1000 người dùng. Hàng ngày, họ phải vào các diễn đàn của các sản phẩm khác nhau để thu thập thông tin, không những thế họ còn phải tìm kiếm trên Weibo, blog, đăng ký RSS, bởi vì những người dùng mà giỏi chuyên môn họ không thích vào các diễn đàn để đặt câu hỏi.
Những người làm sản phẩm nên chủ động tìm kiếm, tìm hiểu để chủ động tiếp cận người dùng và giải quyết vấn đề, có như vậy, chỉ sau 3 tháng sản phẩm sẽ dần dần được "truyền miệng" rộng rãi hơn.
3. Sự lo lắng nhất của tôi
Sống trong ngành công nghiệp Internet, ai cũng có một cảm giác về nguy cơ rất lớn, bởi sản phẩm và nhu cầu người sử dụng luôn thay đổi rất nhanh, chỉ cần người sử dụng không còn hứng thú nữa là sản phẩm sẽ bị đào thải, không có gì là may mắn, là vĩnh cửu, là đúng hoặc sai cả.
Đôi khi, các nhà sản xuất còn không biết chính xác sản phẩm nào sẽ đột nhiên xuất hiện, rồi càng ngày càng không biết giới trẻ thích gì, đó chính là mối lo lắng nhất ở tôi. Dù tôi làm trong lĩnh vực này, nhưng tôi cũng không dự đoán được thói quen sử dụng của người dùng mạng trong tương lai là gì.
Hơn nữa, nhu cầu và sở thích của người dùng thay đổi liên tục, tôi ngày nào cũng nghiên cứu những người hậu 95 và hậu 00 họ cần cái gì? Không ai có thể đảm bảo rằng cái gì là mãi mãi không thay đổi cả, bởi vì con người cần sự đổi mới, có thể bạn không có gì sai, chỉ sai ở chỗ bạn quá già quá cũ kỹ rồi. Vậy làm thế nào để thuận theo trào lưu? Phải chăng thi thoảng lại đổi tên sản phẩm của mình một lần?
Ở đây, tôi có 2 ý kiến:
- Nếu như bạn không hiểu, thì bạn nên tìm một người hiểu về nó để làm, để cho anh ta tiếp xúc nhiều với người dùng trẻ tuổi, tìm hiểu những nhu cầu của họ. Giống như tôi bây giờ thỉnh thoảng hỏi những cháu bé có thích sản phẩm này không? Rồi hỏi bạn bè cháu có thích không? Đôi khi họ có cái nhìn còn chính xác hơn cả chúng ta.
- Đầu tư vào một số công ty và sản phẩm tương tự của mình. Trong những khoản đầu tư này, có những sự nuối tiếc khiến tôi khó quên. Tôi nhớ hồi Facebook mới ra thị trường, tôi mua được một ít cổ phiếu của nó thông qua một ngân hàng tư nhân, nhưng càng ngày nó càng mất giá, nó gần như giảm dưới cả giá tôi mua vào, mãi sau này nó lên được một ít tôi không trụ được nữa nên bán luôn với giá 25 đồng.
Khi đó tôi nghĩ Facebook rất khó thương mại hóa, thế nhưng cuối cùng nó đã làm được, hơn nữa mức độ quảng cáo trên mạng xã hội của nó đứng đầu thế giới, dù lượng lớn quảng cáo của nó đến từ APP. Cho nên, thật khó nói trước được điều gì, ngay cả người trong ngành như tôi còn nhìn nhận sai về nó.
Một ví dụ khác là Instagram, nói ra lại thấy tiếc, khi đó cổ phiếu của nó chưa đến 1 đô la Mỹ tôi lại không đầu tư. Nhớ hồi đó, công ty của họ chỉ có vài người, phó chủ tịch của chúng tôi còn bảo công ty đấy không đáng tin cậy, làm việc trong một nhà kính gần bờ biển, bên ngoài nhìn thấy hết, ném cho một viên gạch là có thể bê hết được máy tính của họ đi. Thế nhưng về sau, họ tăng trưởng khá tốt, và chúng tôi đầu tư vào nó khi đã đạt giá trị thương hiệu 800 triệu đô la Mỹ.
Tôi đã thử nghiên cứu nó "hot" do đâu? Thì phát hiện ra rằng các bạn nữ tuổi từ 12 đến 18 rất thích sản phẩm này. Nó hỗ trợ giống như Wechat nhưng không thể gửi tin nhắn mà toàn bộ là ảnh chụp, nhấn vào là có thể xem, bạn muốn tải về thì đối phương sẽ biết bạn đang tải ảnh. Người dùng ứng dụng này cảm thấy không có áp lực, dùng nó đăng ảnh mua bán, ảnh vui chơi,… chú yếu là thể hiện sự tồn tại của bản thân.
Tôi tin rằng, rất nhiều nhà khởi nghiệp sẽ hỏi rằng: Tại sao tôi không nói gì đến vấn đề tiền bạc? Bởi ngành công nghiệp truyền thồng sẽ có cơ hội nhận nhiều nguồn vốn để đảo ngược tình thế, nhưng phần mềm trên mạng di động là không thể. Thị trường này không phải là đọ tiền bạc mà là đọ lưu lượng, nhiều hơn nữa là đọ tập thể, đọ sứ mệnh và đọ cảm giác nguy cơ, tất cả quyết định ở chỗ bạn có khả năng làm ra sản phẩm tinh tế và tốt nhất hay không.