Bị can Lê Đức Thọ đã can thiệp như thế nào để một ngân hàng thuộc Big 4 “ưu ái” cho Xuyên Việt Oil vay vốn với tỷ lệ tín chấp cao?

20/09/2024 14:22 PM | Kinh doanh

Chiếc Rolls-Royce màu xanh dương biển số 51G - 657.93 là một trong những tài sản vẫn đang được Xuyên Việt Oil thế chấp cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).

Bị can Lê Đức Thọ đã can thiệp như thế nào để một ngân hàng thuộc Big 4 “ưu ái” cho Xuyên Việt Oil vay vốn với tỷ lệ tín chấp cao?- Ảnh 1.

Xe ô tô Rolls-Royce màu xanh dương biển số 51G - 657.93 đang được Xuyên Việt Oil thế chấp tại Vietinbank CN4 TP. HCM. Ảnh: Auto Pro

Ngày 16/8/2022, Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi Nhánh 4 Thành Phố Hồ Chí Minh đã đăng ký giao dịch bảo đảm cho Hợp đồng 01/2022/HĐBĐ/NHCT908 – XUYEN VIET OIL, bên bảo đảm là Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (MST: 0303830539).

Tài sản bảo đảm là một loạt phương tiện ô tô thuộc sở hữu của Xuyên Việt Oil, trong đó đáng chú ý nhất là xe ô tô Rolls-Royce màu xanh dương biển số 51G - 657.93.

Chiếc xe này từng xuất hiện tại TP. HCM từ đầu năm 2019 và là điểm nhấn thu hút đông đảo sự chú ý mỗi khi xuất hiện trên đường phố.

Đáng chú ý, chiếc xe ô tô Rolls-Royce màu xanh dương hiếm có và đắt giá nói trên chỉ là một phần nhỏ trong mối quan hệ tín dụng của Công ty Xuyên Việt Oil cũng như cá nhân bà Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil đối với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).

Cụ thể, ngoài chiếc siêu xe Roll Royce Ghost, còn lại 5 chiếc xe xitec chở xăng dầu nhãn hiệu Huyndai được làm tài sản thế chấp cho khoản vay này tại Vietinbank.

Tại Vietinbank, cá nhân bà Mai Thị Hồng Hạnh cũng thế chấp xe ô tô Lexus biển kiểm soát 51F-216.70 đi thế chấp vào tháng 8/2022.

Ngoài việc Công ty Xuyên Việt Oil và cá nhân bà Mai Thị Hồng Hạnh thế chấp tài sản là các phương tiện, theo cáo trạng vừa ban hành mới đây của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Công ty Xuyên Việt Oil và Vietinbank cũng có nhiều quan hệ tín dụng khác liên quan đến các cáo buộc đối với ông Lê Đức Thọ, cựu Chủ tịch HĐQT Vietinbank, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Cụ thể, theo Báo điện tử Chính phủ đưa tin sáng ngày 20/9, VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 15 bị can trong vụ án Xuyên Việt Oil về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Bị can Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Theo cáo trạng, quá trình điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Xuyên Việt Oil, bị can Hạnh có vi phạm trong việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) và nhiệm vụ thu hộ, chuyển nộp tiền thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước, gây thiệt hại tổng cộng 1.463 tỷ đồng.

Từ năm 2018, Mai Thị Hồng Hạnh quen biết bị can Lê Đức Thọ do Công ty Xuyên Việt Oil có quan hệ tín dụng với ngân hàng nơi ông Thọ làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietinbank.

Bị can Hạnh nhờ Thọ giúp cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng cho Xuyên Việt Oil tại Vietinbank và đưa hối lộ cho bị can này 2 lần, tổng cộng 600.000 USD.

Với hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, cáo trạng xác định, năm 2021, Lê Đức Thọ được điều động, phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Để nâng cao uy tín bản thân, bị can Lê Đức Thọ đề nghị Mai Thị Hồng Hạnh thành lập chi nhánh hoặc công ty con của Xuyên Việt Oil tại Bến Tre để nộp thuế nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Đổi lại, công ty này sẽ được tạo điều kiện về thực hiện các dự án bất động sản, cảng biển, du lịch tại địa phương.

Với thỏa thuận trên, bị can Hạnh thành lập Công ty CP Việt Oil tại Bến Tre và xin vay vốn tại ngân hàng, nơi Thọ từng giữ chức vụ quản lý.

Bí thư Thọ vì thế nhiều lần gặp, gọi điện thoại cho giám đốc chi nhánh ngân hàng ở Bến Tre tác động, tạo điều kiện cho bà “trùm” xăng dầu.

Khi biết thông tin Chi nhánh ngân hàng Vietinbank tại Bến Tre dự kiến thu phí 100 triệu đồng với tài khoản số đẹp cấp cho Công ty Việt Oil, Lê Đức Thọ yêu cầu lãnh đạo chi nhánh ngân hàng Vietinbank miễn khoản này.

Quá trình xin vay vốn tại Vietinbank, ngân hàng phê duyệt cấp giới hạn tín dụng 400 tỷ đồng cho Công ty Việt Oil với tỷ lệ tài sản đảm bảo 50%, tín chấp 50%, nhưng không được phê duyệt.

Lý do là vì Công ty Xuyên Việt Oil (Công ty mẹ của Công ty Việt Oil) đang được cấp tín dụng với tỷ lệ tài sản đảm bảo là 80%, tín chấp là 20%.

Chi nhánh ngân hàng Vietinbank đã thông báo cho Mai Thị Hồng Hạnh nhưng bị can này yêu cầu tỷ lệ tín chấp từ 40% trở lên thì Hạnh mới đồng ý vay vốn.

Biết việc này, bị can Lê Đức Thọ yêu cầu chi nhánh ngân hàng Vietinbank khẩn trương thẩm định, lập hồ sơ trình hội sở ngân hàng phê duyệt giới hạn tín dụng theo đề nghị của Mai Thị Hồng Hạnh.

Sau đó, Chi nhánh ngân hàng Vietinbank ở Bến Tre đã 20 lần giải ngân vốn vay cho Công ty Việt Oil với tổng số tiền 892 tỷ đồng.

Theo Lê Sáng

Cùng chuyên mục
XEM