Bí ẩn lớn của COVID-19: Cùng nhiễm bệnh, vì sao có người tử vong có người lại hoàn toàn không triệu chứng?

07/04/2020 10:15 AM | Khoa học

Các nhà khoa học vẫn chưa thể lí giải tại sao có những bệnh nhân dương tính với virus nhưng chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có bất kì triệu chứng gì.

Hiện tại, số ca dương tính với virus corona đã vượt qua mốc 1 triệu và con số này tiếp tục tăng với tốc độ đáng báo động. Tuy nhiên, không phải tất cả người nhiễm bệnh đều có phản ứng như nhau với virus corona.

Theo các dữ liệu thống kê, các bệnh nhân có hàng loạt triệu chứng khác nhau và lí do chính xác cho hiện tượng này vẫn còn là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã xác định được một số yếu tố có ảnh hưởng nhất định tới triệu chứng của bệnh trên con người.

Mặc dù triệu chứng phổ biến nhất là sốt, ho và khó thở, có nhiều trường hợp bệnh nhân không trải qua bất kì triệu chứng nào kể trên. Một nghiên cứu với 204 bệnh nhân tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc được đăng trên tạp chí Chuyên ngành Tiêu hóa của Mỹ cho thấy chỉ hơn một nửa số bệnh nhân trải qua các triệu chứng về tiêu hóa, ví dụ như mất vị giác, buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

Tờ New York Times cho biết virus corona đôi lúc có thể gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh và gây co giật. Một số trường hợp khác cho thấy người nhiễm COVID-19 cũng bị đau cơ và kiệt sức.

Ngược lại, có những bệnh nhân dương tính với virus nhưng chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có bất kì triệu chứng gì.

Vậy tại sao virus corona lại ảnh hưởng tới mọi người khác nhau đến vậy?

Kathryn Jacobsen, chuyên gia về y tế của Yahoo News, nhận định: "Có thể đặt giả thuyết rằng con người không phải là những cỗ máy. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc cơ thể phản ứng với các mầm bệnh. Đối với virus corona, hai yếu tố quan trọng nhất dường như là độ tuổi và tình trạng sức khỏe".

Ảnh hưởng của tuổi tác đối với các triệu chứng do virus corona gây ra dường như khá dễ nhận thấy. "Cách cơ thể phản ứng với sự lây nhiễm thay đổi theo độ tuổi. Bất kì ai cũng có thể bị ốm nặng và tử vong vì virus corona, nhưng tỉ lệ tử vong cao nhất ở người lớn tuổi".

Những người có nhiều bệnh lí nền cũng dễ bị mắc các triệu chứng liên quan. "Những người bị bệnh tim, phổi, tiểu đường hoặc các bệnh khác thường bị ảnh hưởng nặng hơn," Jacobsen nói. Tuy nhiên, sự liên hệ trực tiếp của một số vấn đề sức khỏe và triệu chứng do COVID-19 gây ra vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể.

Một lí do khả thi khác là mức độ nhiễm virus corona ở người bệnh. Viết trên tờ New York Times, Tiến sĩ Joshua D. Rabinowitz và Caroline R. Bartman - hai nhà nghiên cứu về gen - cho rằng: "Cũng giống như độc dược, virus sẽ nguy hiểm hơn khi số lượng nhiều hơn. Ví dụ, bước vào một văn phòng từng có người dương tính với COVID-19 đi qua không nguy hiểm bằng việc ngồi cạnh một người nhiễm bệnh trong 1 giờ đồng hồ."

Đối với virus corona, hiện tại vẫn còn quá sớm để biết chính xác những yếu tố nào ảnh hưởng tới sức khỏe của một cá nhân cụ thể. Theo Jacobsen, việc hút thuốc, mức độ dinh dưỡng và các chất hóa học trong cơ thể, việc sử dụng thuốc và gen đều là những yếu tố có thể cân nhắc.

Những người có nguy cơ cao phải nhập viện do virus corona đã được yêu cầu tăng cường cảnh giác để đề phòng nhiễm bệnh. "Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng những người không thuộc nhóm rủi ro cao không cần bảo vệ bản thân. Rủi ro thấp không có nghĩa là không có rủi ro".

"Vì không thể nào biết chắc chắn ai sẽ có triệu chứng nhẹ khi nhiễm và ai sẽ có triệu chứng nặng hoặc tử vong, lựa chọn an toàn nhất là mọi người tuân thủ chỉ đạo của địa phương, bang và chính phủ các nước để tự bảo vệ mình trước virus corona".


Theo Tất Đạt

Cùng chuyên mục
XEM