Bí ẩn loại cua chuyên làm quà biếu, đẳng cấp hơn cua Hoàng đế, chân cua đông lạnh giá xấp xỉ 1 triệu đồng/kg

08/12/2022 08:14 AM | Kinh doanh

Phần thịt chân cua Tuyết được đánh giá là đẳng cấp hơn cua Hoàng đế, với thớ thịt dày, dai chắc bên ngoài và mềm ẩm bên trong, có thể tách thịt ra khỏi vỏ một cách dễ dàng. Hiện sản lượng cua Tuyết nhập vào Việt Nam tương đối hạn chế, chủ yếu là đông lạnh. Chân cua Tuyết đông lạnh được bán với giá xấp xỉ 1 triệu đồng/kg.

Cua Tuyết – "Dân nhập cư" chính hiệu

Cua Tuyết là loài tương đối mới, được phát hiện lần đầu tiên ở vùng biển Barents vào năm 1996. Loài này vốn di cư từ vùng biển của Nga sang vùng biển của Na Uy.

Cua Tuyết ưa sống ở nhiệt độ dưới 4 độ C, dưới độ sâu 200–300m.

Na Uy bắt đầu đánh bắt cua Tuyết thương mại vào năm 2013. Năm 2015, thu hoạch cua Tuyết Na Uy đạt sản lượng kỷ lục, 18.000 tấn nhưng đã giảm xuống còn khoảng 13.000 tấn vào năm 2019.

Kể từ thời điểm đó, khối lượng cua được khai thác đã thấp hơn đáng kể. Do tỷ lệ sinh sản thấp nên năm 2017 và 2018, chính quyền Na Uy ra quyết định không khai thác cua Tuyết. Sau đó, các cơ quan quản lý của Na Uy đã mở cửa lại hoạt động đánh bắt cua Tuyết, sản lượng thu hoạch cũng tăng lên.

Năm 2022, hạn ngạch khai thác cua Tuyết được đặt ở mức 6.725 tấn, tăng từ 6.500 tấn vào năm 2021.

Ông Asbjorn Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Hải sản Na Uy, nhận xét nhờ có nguồn nước lạnh và sạch ở vùng Bắc Cực nên động vật giáp xác của Na Uy, bao gồm cua Tuyết có kết cấu đặc trưng và hương vị hấp dẫn, được nhiều người tiêu dùng trên thế giới yêu thích.

Hội đồng Hải sản Na Uy cho hay, cua Tuyết được thu hoạch bền vững để đảm bảo tuổi thọ của loài. Hội đồng này cũng làm việc với Hội đồng Quốc tế về Thăm dò Biển (ICES) để giám sát trữ lượng cua Tuyết trước khi đặt ra hạn ngạch đánh bắt nhằm ngăn chặn sự cạn kiệt loài.

Với tư cách là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, sang hơn 150 quốc gia, Na Uy đang thực hiện rất nghiêm ngặt các quy định khắt khe trong quy trình khai thác và tiêu thụ cua Tuyết.

Quy định đánh bắt nghiêm ngặt

Hiện nay, hoạt động đánh bắt cua Tuyết diễn ra quanh năm ở phía Đông Bắc biển Barents phía đông bắc và vùng Svalbard. Chúng được đánh bắt bằng cách sử dụng các bẫy đặt dưới đáy biển trong vài ngày.

Bẫy cua Tuyết thường có đường kính tối thiểu 10cm, nhằm đảm bảo rằng chỉ những con cua lớn nhất mới được bắt vào bẫy và bảo vệ những con cua cái và con nhỏ.

Bẫy dùng để đánh bắt cua Tuyết thường được ngư dân thả cá trích hoặc cá mực bên trong. Thông thường, mỗi khu vực đánh bắt, ngư dân sẽ đặt 200–400 bẫy, mỗi bẫy cách nhau 25m. Một tàu đánh bắt có thể sử dụng 1.200 bẫy.

Cua Tuyết đạt tiêu chuẩn tiêu thụ là cua có màu nâu đỏ đồng đều ở mặt trên và trắng kem ở mặt dưới, còn đầy đủ chân càng, không được trầy xước.

Do tỷ lệ hao hụt lớn trong quá trình bảo quản nên cua Tuyết thường được xử lý, sơ chế thông qua một quy trình tự động.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn thực phẩm, Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy luôn tiến hành kiểm tra, sàng lọc nồng độ kim loại nặng trong thịt cua trước khi xuất khẩu.

Theo Hội đồng Hải sản Na Uy, nước này đã xuất khẩu 463 tấn cua Tuyết trị giá 66 triệu NOK (tương đương 6,6 triệu USD) trong quý III năm 2022.

Cua Tuyết được săn lùng tại Việt Nam

Bí ẩn loại cua chuyên làm quà biếu, đẳng cấp hơn cua Hoàng đế, chân cua đông lạnh giá xấp xỉ 1 triệu đồng/kg - Ảnh 1.

Cua Tuyết vào thị trường Việt Nam chưa lâu nhưng nhanh chóng trở thành mặt hàng gây sốt. Do hương vị ngon khác biệt và độ ngọt của thịt cao, cua Tuyết được săn lùng cho những bữa tiệc gia đình và làm quà biếu.

Hiện tại sản lượng cua Tuyết nhập vào Việt Nam tương đối hạn chế. Sự khan hiếm càng làm cho mặt hàng này trở nên nổi tiếng trong giới nhà giàu sành ăn.

Cua Tuyết Na Uy nhập khẩu Việt Nam chủ yếu là đông lạnh. Chân cua Tuyết đông lạnh được bán với giá khá cao trên thị trường, xấp xỉ 1 triệu đồng/kg. Các thượng đế Việt rất chuộng món cua Tuyết sốt me, rang muối hay hấp chấm muối tiêu.

Phần thịt chân cua Tuyết được đánh giá là đẳng cấp hơn cua Hoàng đế, thớ thịt dày, dai chắc bên ngoài và mềm ẩm bên trong, có thể tách thịt ra khỏi vỏ một cách dễ dàng. Nhờ quy trình cấp đông tiên tiến nhất thế giới, thịt chân cua Tuyết đông lạnh giữ được hương vị và chất lượng tương đương với đồ tươi sống.

Do thành phần dinh dưỡng cao, chân cua Tuyết còn được người Việt mua để bồi bổ sức khỏe, tăng cường trí nhớ, giảm căng thẳng lo âu.

Thương hiệu hải sản Na Uy Arctic Seafood Norway AS cho biết, họ có kế hoạch xuất khẩu một lượng cua Tuyết Na Uy lớn vào thị trường Việt Nam trong năm tới thông qua các đối tác. Những hợp đồng này sẽ cung cấp cho thị trường Việt dòng cua tuyết Na Uy cao cấp nhất bao gồm cua tuyết tươi sống và cua tuyết cấp đông nguyên con, phục vụ các bữa tiệc hạng sang của người Việt và nhu cầu quà biếu xa xỉ.

Bình An

Từ khóa:  cua tuyết
Cùng chuyên mục
XEM