BHD, Galaxy, Ngô Thanh Vân sẽ rất vui khi biết quy hoạch phát triển điện ảnh này của Chính phủ
Ngành điện ảnh với mục tiêu đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD) đến năm 2020 và đến năm 2030 tăng lên 250 triệu USD và phim Việt đạt khoảng 125 triệu USD.
Từ quan điểm các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, hồi đầu tháng 9, chính phủ phê duyệt quyết định số 1755/QĐ-TTg về chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.
Các ngành công nghiệp văn hóa được tập trung phát triển gồm: Quảng cáo, kiến trục, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa.
Theo quyết định này, 2 mốc quan trọng trong lộ trình phát triển gồm năm 2020 và 2030. Mục tiêu phấn đấu doanh thu của các ngành này đóng góp khoảng 3% GDP đến năm 2020 và 7% đến năm 2030.
Đối với từng ngành cụ thể, đáng chú ý nhất là ngành điện ảnh với mục tiêu đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD tương đương khoảng 1.000 tỉ đồng) đến năm 2020 và đến năm 2030 tăng lên 250 triệu USD và phim Việt đạt khoảng 125 triệu USD(khoảng 2.500 tỉ đồng).
Theo thống kê của Cục Điện ảnh, năm 2015, doanh thu điện ảnh Việt Nam đã đạt được trên 35 triệu USD (bao gồm cả doanh thu phim nước ngoài và phim Việt Nam). Trong dự thảo báo cáo quốc gia định kỳ 4 năm (2012 - 2016), có đưa ra con số doanh thu của ngành điện ảnh năm 2015 là 700 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh phim sản xuất trong nước và 1.590 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh phim nước ngoài.
Để hỗ trợ cho mục tiêu này, Chính phủ đưa ra những giải pháp cụ thể cho ngành điện ảnh như:
- Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy định của Luật điện ảnh và các văn bản pháp luật liên quan cũng như các hiệp định và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết để đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam.
- Xây dựng trung tâm chiếu phim hiện đại tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Xây dựng và hoàn thiện trường quay tại Hà Nội, Đà Nãng và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tăng dần tỷ trọng phim truyện Việt Nam chiếu tại các rạp; sản xuất phim hoạt hình gắn với các sản phẩm, dịch vụ đi kèm (truyện tranh, đồ chơi, đồ lưu niệm…) Xây dựng thương hiệu liên hoan phim quốc tế Hà Nội có uy tín trong khu vực và châu Á. Xây dựng và phổ biến các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật, đồng thời có tính thương mại cao, tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
- Tập trung đào tạo các ngành nghề: Đạo diễn, nhà sản xuất, nhà kinh doanh, biên kịch, lý luận phê bình, quay phim, thiết kế mỹ thuật, kỹ thuật- công nghệ, diễn viên. Khuyến khích các nhà biên kịch, đạo diễn phát huy tối đa tính sáng tạo trong quá trình xây dựng tác phẩm điện ảnh.
Rõ ràng Chính phủ đang ra sức hỗ trợ cho ngành điện ảnh, phim Việt Nam trước sự lấn át của phim nước ngoài tại Việt Nam. Hiện tại, phim Việt Nam dù chưa thể đạt được chất lượng ngang hàng với phim Mỹ hay phim Hàn, nhưng cũng đạt được một số thành công nhất định. Đặc biệt là một số tác phẩm như "Tôi thấy Hoa vàng trên cỏ xanh", "Em là bà nội của anh" hay "Tấm Cám: chuyện chưa kể" mang về doanh thu lớn không thua kém gì các phim bom tấn.