Bernie Ecclestone đã tạo ra đế chế tỷ đô F1 như thế nào?

23/11/2016 20:33 PM | Xã hội

Đã bước sang tuổi 86, nhưng Bernie Ecclestone vẫn không ngừng tạo ra hàng tỷ USD cho đế chế xe đua F1.

Vào năm 1977, bộ phim khoa học viễn tưởng kinh điển Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) của đạo diễn George Lucas được công chiếu và trở thành siêu phẩm “đốt cháy” mọi rạp phim. Cho đến nay, loạt 7 phim Star Wars đã mang về tổng doanh thu lên đến 6,4 tỷ USD.

Thời điểm Star Wars được phát hành, Jimmy Carter đang là Tổng thống Mỹ và ông vua nhạc Rock and Roll Elvis vẫn còn sống. Lúc ấy, những trường đua F1 vẫn còn thiếu rào chắn giữa khán giả và đường đua, và môn thể thao này vẫn còn chưa thu hút được nhiều người theo dõi. Liệu có ai có thể nghĩ rằng giải đua F1 sẽ có ngày trở thành một cái tên còn có giá trị hơn cả Star Wars?

Chỉ có duy nhất một người đàn ông đã nhìn ra điều đó, và tên ông là Bernie Ecclestone.

Từ F0 đến F1

Cuộc đua F1 ngày nay đã khác rất nhiều so với những năm 1970. Những chiếc xe đã được thiết kế lại hoàn toàn, những tay đua cũng đổi khác, đường đua bây giờ an toàn hơn rất nhiều, và chi phí đầu tư cũng theo đó tăng chóng mặt. Tuy nhiên, có một yếu tố không bao giờ đổi trong suốt 40 năm qua, đó là ở chỗ chìa khóa lãnh đạo vẫn nằm trong tay Bernie.

Giải đua xe F1 năm 1976 tại Nhật. Ảnh: Getty
Giải đua xe F1 năm 1976 tại Nhật. Ảnh: Getty

Năm 1972, doanh nhân người Anh Bernie Ecclestone mua lại đội đua xe F1 Brabham, sau khi ông xây dựng thành công chuỗi cửa hàng xe cũ hàng đầu nước Anh. Khoản đầu tư này xem ra khá hợp lý khi sau đó tay đua Nelson Piquet của đội Brabham có tới 2 lần giành được chức vô địch thế giới. Nhưng Bernie còn nhìn thấy một cơ hội lớn hơn nữa từ môn đua xe F1: Bán bản quyền truyền hình.

Vào thời điểm đó, các cuộc đua F1 diễn ra một cách rất nghiệp dư. Mỗi đội đua đều có những thỏa thuận riêng biệt với những nhà tổ chức sự kiện và kênh truyền hình. Các cuộc đua luôn ở trong tình trạng có thể bị hủy bỏ vào phút cuối nếu không có đủ xe tham gia.

Bernie đã nắm lấy cơ hội thay đổi giải đua này vào năm 1981, khi ông thuyết phục các đội đua ký một bản hợp đồng mang tên Concorde Agreement (Thỏa thuận Concorde). Theo đó, thỏa thuận này yêu cầu các đội đã ký phải cam kết tham dự giải đua.

Đồng thời, ông còn ký hợp đồng với những công ty truyền hình có khả năng đảm bảo việc phát sóng giải đua. Các đội đua kiểm soát quyền thương mại của giải F1, nhưng công ty của Bernie là Formula One Promotions and Administration (FOPA) sẽ đứng ra thay mặt họ đàm phán và nhận lấy một phần lợi nhuận. Phần lợi nhuận còn lại sẽ được chuyển về các đội đua và cơ quan chủ quản của giải đua F1 là Fédération Internationale de l’Automobile (FIA).

Bernie Ecclestone nói chuyện với Nelson Piquet trước giờ đua vào năm 1982. Ảnh: f1.imgci.com
Bernie Ecclestone nói chuyện với Nelson Piquet trước giờ đua vào năm 1982. Ảnh: f1.imgci.com

Vào năm 1982, Bernie đã ký một bản hợp đồng thời hạn ba năm với European Broadcasting Union (EBU), qua đó có được sự đảm bảo phủ sóng toàn diện của giải đua F1 ở các thị trường truyền hình lớn nhất của châu Âu.

Với sự đảm bảo về mặt truyền thông, các nhà tài trợ ngày càng quan tâm đến giải đua F1. Điều này đã giúp cho các đội đua có điều kiện đầu tư, nâng cấp kỹ thuật, công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh trên từng chặng đua. Đổi lại, điều này đã thu hút những tay đua giỏi nhất tập trung về giải đua F1, khiến cho môn thể thao này trở thành một miếng bánh hấp dẫn đối với các nhà tài trợ.

Vào năm 1988, để tập trung vào việc điều hành FOPA, Bernie đã bán đội Brabham. Những tay đua đỉnh cao lúc bấy giờ nhận được mức lương từ 10 đến 12 triệu USD, gấp 5 - 6 lần số tiền họ nhận được vào 10 năm trước. Các nhà tài trợ đã sẵn sàng chi ra hàng trăm triệu USD mỗi mùa giải. Những hãng xe hơi lớn như Honda, Renault, Porsche và Lamborghini đã bắt đầu tham gia vào giải F1 thông qua hình thức cung cấp động cơ xe cho mỗi đội đua.

Hoạt động thương mại của giải F1 đã tăng tốc nhanh chóng đúng như Bernie dự đoán. Thế nhưng mọi thứ có vẻ đi chệch hướng, sau khi ngôi sao sáng giá của giải là tay đua người Brazil Ayrton Senna tử nạn trên đường đua San Marino Grand Prix vào năm 1994. Đã có vài người cho rằng điều này sẽ kìm hãm sự phát triển của giải đua F1, tuy nhiên hóa ra mọi thứ lại diễn ra theo hướng khác.

Cái chết của Senna đã thu hút sự chú ý của cả thế giới vào giải đua F1. Sự kịch tính ngày một tăng của cuộc đua đã khiến các nhà tài trợ trở nên phấn khích hơn và gia tăng đáng kể số tiền tài trợ. Và từ đó trở đi, không có ai còn hoài nghi gì về tương lai của môn thể thao này nữa.

Ayrton Senna luôn được xem là tượng đài của môn F1. Ảnh: independent.co.uk
Ayrton Senna luôn được xem là tượng đài của môn F1. Ảnh: independent.co.uk

Hồi năm 1990, doanh thu của FOPA mới còn ở mức 12,5 triệu USD nhưng đến năm 1996 thì đã là 127,6 triệu USD. Với mức lương khi đó là 83,7 triệu USD, Bernie đã trở thành vị CEO được trả lương cao nhất thế giới. Tuy nhiên, ông vẫn chưa hài lòng về những con số đó.

Thống soái trường đua

Vào thời điểm ấy, mặc dù quyền thương mại của giải đua F1 được kiểm soát bởi các đội đua, nhưng thực ra chủ sở hữu quyền này vẫn là FIA. Khi thỏa thuận giữa FIA và các đội đua tới hạn đàm phán lại, Bernie đã đưa ra đề nghị FIA giao luôn quyền kiểm soát này cho một công ty của ông là FOCAAdministration. Tới ngày 19/12/1995, FIA đã tuyên bố rằng FOCA đã thắng thầu quyền thương mại của giải đua F1 trong vòng 14 năm kể từ ngày 01/01/1997. Ông Bernie sở hữu 100% vốn của FOCA, bây giờ mang tên Formula One Management (FOM), mang lại cho ông quyền kiểm soát hoàn toàn giải đua F1.

Đổi lại, FOCA chỉ phải trả 10 triệu USD mỗi năm cho FIA. Điều này đem về cho công ty mức lợi nhuận 800%, khi thu về tới 90,7 triệu USD lợi nhuận ròng chỉ trong năm 1997. Mua được bản quyền của giải đua F1 chính là thương vụ hoàn hảo nhất trong sự nghiệp của Bernie và trao cho ông chìa khóa để bước vào câu lạc bộ của những nhà tỷ phú. Đã có một vài chỉ trích cho rằng Bernie không nên có quá nhiều quyền kiểm soát với giải đua F1, nhưng công bằng mà nói nếu không có Bernie thì đã không có giải đua F1 như ngày hôm nay. Những quyết định mang tính đột phá của Bernie đã khiến cho giải đua F1 đạt được những thành tựu vô cùng to lớn.

Bernie tại văn phòng của F1 Group. Ảnh: formula1.com
Bernie tại văn phòng của F1 Group. Ảnh: formula1.com

Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 86, Bernie vẫn đang là CEO của F1 Group, công ty mẹ của FOM. Ông vẫn làm việc 5 ngày mỗi tuần, từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối. Trong hơn 40 năm qua, ông đã đích thân ký tất cả các hợp đồng quan trọng có ý nghĩa đối với sự phát triển của giải đua F1 ngày nay.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí GQ vào năm 2013, Bernie cho biết: “Quyết định quan trọng nhất mà tôi từng đưa ra chính là thực hiện đàm phán với từng kênh truyền hình một cách trực tiếp, chứ không để giải đua F1 tiếp tục được phát sóng độc quyền bởi EBU. Mọi người đều nói rằng không có cách nào tôi có thể thỏa thuận với từng công ty được. Tất cả các công ty đó đều thuộc EBU, do đó bạn phải thỏa thuận với EBU. Nhưng nhà đài đầu tiên mà tôi ký hợp đồng lại là BBC. Tôi nghĩ rằng đó là một bước khởi đầu lớn cho giải đua F1”.

“Một điều khác nữa không đơn giản đó chính là việc thuyết phục các kênh truyền hình áp dụng công nghệ camera gắn trên xe. Tuy khó khăn, nhưng chúng tôi đã vượt qua được điều này và đạt được thành công như hôm nay. Tốt nhất, bạn hãy luôn nắm chặt lấy những gì bạn tin tưởng.”

Vào năm 1985, những thước phim trực tiếp đầu tiên từ một camera được gắn cố định trên xe đua F1 đã bắt đầu lên sóng. Đây cũng là một quyết định của ông Bernie và kể từ đó, hình thức quay phim này được hầu hết các giải đua ô tô lớn khác sao chép lại. Tương tự như vậy, vào năm 1996, ông đã đầu tư khoảng 80 triệu USD cho hệ thống truyền hình kỹ thuật số vượt trội với nhiều góc quay đa dạng, kỹ thuật này về sau cũng bị các đối thủ cạnh tranh khác làm theo.

Góc quay đầy ấn tượng từ camera gắn trên xe F1. Ảnh: ferrari.com
Góc quay đầy ấn tượng từ camera gắn trên xe F1. Ảnh: ferrari.com

Việc trao quyền lãnh đạo cho Bernie, người có nhiều kinh nghiệm và tầm nhìn hơn bất cứ ai khác, đã giúp cho giải đua F1 luôn tiến về phía trước với tốc độ nhanh chóng, nhất là trong việc đưa ra những quyết định quan trọng. Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất của việc này là sự mở rộng của giải đua F1. Trong khi hầu hết các thương hiệu thể thao quốc tế chỉ mới bắt đầu tiến vào thị trường Trung Quốc trong 5 năm qua, F1 đã tổ chức giải Grand Prix ở đó từ năm 2004.

Trên con đường kinh doanh đầy khó khăn, người điều hành công ty phải luôn biết tiến về phía trước, và càng ra quyết định càng nhanh càng tốt. Việc sở hữu quyền thương mại của giải đua F1 đã đem về hơn 6,7 tỷ USD cho FOCA trong suốt 14 năm ký kết hợp đồng với FIA.

Đế chế tỷ đô

Tới năm 2006, quỹ đầu tư vốn tư nhân CVC đã mua lại F1 Group theo hình thức đòn bẩy (leverage buyout), với cái giá 2 tỷ USD. Số tiền này bao gồm một khoản vay trị giá 1,1 tỷ USD từ Royal Bank of Scotland (RBS), và 965,6 triệu USD từ Quỹ IV của CVC.

Bernie tay bắt mặt mừng với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty
Bernie "tay bắt mặt mừng" với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty

Sang năm 2012, CVC tìm cách đưa F1 Group ra niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore, nhưng tình trạng khủng hoảng ở châu Âu đã khiến kế hoạch này phải chững lại. Tuy nhiên, CVC vẫn kiếm được 2,1 tỷ USD trong năm đó bằng cách bán lại 28,3 % cổ phần của F1 Group cho quỹ Norges của chính phủ Na Uy, cũng như các quỹ Waddell & Reed và Blackrock. Cũng trong cùng năm, những người quản lý khối tài sản để lại của ngân hàng Lehman Brothers (phá sản năm 2008), nơi sở hữu 15,3% cổ phần F1 Group, đã bán lại 3% cho Quỹ hưu trí giáo viên Texas với giá 200 triệu USD. Như vậy trong năm đó, F1 Group đã được định giá khoảng 6,7-7,4 tỷ USD.

Tới tháng 9-2016, CVC đồng ý bán F1 Group cho tập đoàn đầu tư Liberty Media với giá trị 8 tỷ. Tuy thương vụ này vẫn còn phải chờ đợi sự chấp thuận của một số cơ quan chính phủ cấp cao, nhưng đã có thời hạn dự kiến hoàn tất là quý 1/2017.

Để hiểu được con số 8 tỷ USD lớn như thế nào, hãy thử so sánh với hãng phim Lucasfilm, chủ sở hữu 2 thương hiệu nổi tiếng mà cả thế giới đều biết là Indiana Jones và Star Wars. Năm 2012, Lucasfilm đã được bán cho Disney với giá 4 tỷ USD. Bản thân ông chủ George Lucas của Lucasfilm cũng là một trong những nhà kinh doanh sắc sảo nhất, và có tài thương thuyết giỏi nhất của ngành công nghiệp điện ảnh. Việc Bernie Ecclestone tạo ra được một công ty có trị giá gấp đôi Lucasfilm là một minh chứng không thể chối cãi về khả năng kinh doanh của ông.

Thực vậy, chỉ trong một thập kỷ vừa qua, tập đoàn F1 đã tạo ra giá trị 7,4 tỷ USD cho các cổ đông, thông qua việc thanh toán cổ tức, trả nợ và bán lại cổ phần trong các công ty con. Con số này cao hơn đúng 1 tỷ USD so với tổng doanh thu của tất cả 7 bộ phim Star Wars (theo số liệu từ Box Office Mojo). Và đó là vẫn còn chưa tính đến kết quả kinh doanh của F1 Group trong 10 năm qua: tổng doanh thu đạt 14,8 tỷ USD, tổng lợi nhuận đạt 4 tỷ USD.

Hiện tại, thương vụ bán lại F1 Group cho Liberty Media vẫn chưa được ngã ngũ hoàn toàn, và vẫn còn có thể có bất kỳ phút chót. Giống như bất một cuộc đua F1 hấp dẫn nào, “30 vẫn chưa phải là Tết”. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, miễn khi nào Bernie Ecclestone vẫn còn điều hành giải đua F1, giá trị của giải này chỉ có thể tăng tốc không ngừng mà thôi.

Theo Ý Nhi

Cùng chuyên mục
XEM