Bệnh nghiến răng: Đừng xem thường!

22/03/2017 20:47 PM | Sống

Tật nghiến răng thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, tưởng chừng không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại có thể dẫn đến những biến chứng kéo dài ảnh hưởng đến cả người bệnh và những người xung quanh. Hiểu đúng về tật nghiến răng sẽ giúp bạn có những phương án điều trị kịp thời, hiệu quả, đề phòng bệnh lý trở nên nghiêm trọng hơn.

Nghiến răng là hiện tượng răng bị siết một cách quá mức gây ra tiếng kêu khi ngủ. Hiện tượng này nếu xảy ra ở tần suất thấp thì hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng nếu thường xuyên có thể khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, ê buốt răng, thậm chí có thể mòn răng, lộ ngà răng. Dưới đây là những nguyên nhân gây ra bệnh lý bị nghiến răng khi ngủ:

Do căng thẳng, stress kéo dài: môi trường làm việc căng thẳng, thường xuyên lo lắng, hồi hộp, hay chịu nhiều áp lực trong công việc có thể khiến thần kinh bị căng thẳng. Đến đêm, cơ thể sẽ gây ra phản ứng để "giải tỏa" sự dồn nén này, nên có hiện tượng nghiến răng. Tuy nhiên, việc này chỉ xảy ra thỉnh thoảng, không thường xuyên.

Do sử dụng chất kích thích: sử dụng nhiều thức uống có cồn, rượu bia, cà phê, hút thuốc lá... hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc chống trầm cảm cũng có thể là nguyên nhân của bệnh nghiến răng.

Các bệnh lý về răng: kích thước răng không đồng đều, răng mọc sai vị trí hay khớp cắn không trùng khớp khiến cho chỗ tiếp xúc giữa hai hàm răng không được tốt. Chính điều này kích thích não bộ tạo nên những phản ứng nhằm loại bỏ các "chướng ngại vật", như lời nha sĩ Matthew Messina - phát ngôn viên cố vấn tiêu dùng cho Hiệp hội Nha khoa Mỹ: "Vì một số lý do, răng chúng ta có thể không vừa vặn với cơ thể hoặc răng mọc nhầm chỗ - nơi mà các cơ bị chèn ép. Vì vậy, cơ thể sẽ cố loại bỏ những chiếc răng "khó ưa" này bằng cách nghiến để bào mòn chúng". Đây là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nghiến răng kéo dài.

Nghiến răng lâu ngày có thể gây xói mòn men răng và lộ ngà

Theo ThS - BS. Nguyễn Quang Tiến - Giám đốc Nha khoa Đăng Lưu: "Tật nghiến răng nếu không được điều trị kịp thời sẽ rất có hại cho răng và cơ hàm. Nghiêm trọng hơn, nó có thể làm thay đổi hình dạng khuôn mặt, khiến bạn trở nên già trước tuổi". Cũng theo bác sĩ Tiến thì thời gian qua, Nha khoa Đăng Lưu tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân bị nghiến răng trong tình trạng răng bị hỏng nặng, bị lộ ngà bởi bệnh nhân chủ quan, nghĩ đây chỉ là tật thông thường nên không chủ động điều trị. Các trường hợp này bắt buộc phải bọc sứ toàn hàm để phục hình răng, rất tốn kém. Vì vậy, khi bạn hay người thân mắc phải tật nghiến răng nên gặp bác sĩ ngay để được hướng dẫn cách điều trị thích hợp.

Điều trị tâm lý khi bị nghiến răng: nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố tâm lý cần áp dụng các phương pháp làm giảm căng thẳng như massage cơ mặt, tập thể dục, đi ngủ đúng giờ, tránh xa các đồ uống có chứa cafein, các chất kích thích... đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Can thiệp nha khoa để điều trị tật nghiến răng: đa số các trường hợp nghiến răng do tâm lý thường sẽ tự chấm dứt trong thời gian ngắn, nhưng nếu bị nghiến răng kéo dài, bạn nên nghĩ đến việc can thiệp nha khoa như: nắn chỉnh răng để điều chỉnh khớp cắn phù hợp hay phục hình răng sứ trong trường hợp răng bị ê buốt, nhạy cảm.

Để điều trị bệnh nghiến răng đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên ngành trong y khoa cũng như ý thức chăm sóc sức khỏe răng miệng của bệnh nhân.

Theo GIANG THỤY HUỲNH

Cùng chuyên mục
XEM