Bên trong Nhà Trắng sau khi ông Trump từ chối nhận thua

11/11/2020 20:29 PM | Xã hội

Đằng sau bầu không khí yên ắng của Nhà Trắng những ngày này là sự căng thẳng giữa một bên ủng hộ Tổng thống Trump, một bên không ủng hộ ông và những người “nằm im chờ thời” trước khi sẵn sàng lên tiếng.

Những tín hiệu khác nhau

Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump đã kín đáo gửi đi những dấu hiệu khác nhau trước việc ông Trump từ chối công nhận chiến thắng của ông Biden.

Các thành viên đảng Cộng Hòa và một số thành viên trong gia đình của Tổng thống Trump công khai ủng hộ các tuyên bố chưa có bằng chứng của ông rằng, việc gian lận phiếu bầu trên quy mô lớn là nguyên nhân khiến ông bị đối thủ dẫn trước tại những bang dao động quan trọng như Michigan, Georgia và Pennsylvania.

 Bên trong Nhà Trắng sau khi ông Trump từ chối nhận thua  - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là một trong những người ủng hộ Tổng thống Trump mạnh mẽ nhất khi ông tuyên bố với báo giới hôm 10/11 rằng: "Sẽ có một sự chuyển giao quyền lực êm đềm", nhưng đó là sự chuyển giao sang "nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Tổng thống Trump".

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Chris Coons cho biết một số thành viên đảng Cộng Hòa đã đề nghị ông kín đáo gửi lời chúc mừng của họ tới ông Biden như một sự thừa nhận rằng, những tuyên bố công khai của họ chỉ mang tính an ủi Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông.

Cánh Tây Nhà Trắng, nơi có văn phòng tổng thống, những ngày này vắng vẻ hơn thường lệ khi Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows và một vài nhân viên khác đang trong quá trình hồi phục sau khi mắc Covid-19.

Một cựu quan chức Nhà Trắng cho biết quyết định của ông Trump khi thách thức kết quả bầu cử có thể sẽ không hiệu quả và có nguy cơ gây ra "sự phá hủy lâu dài" với danh tiếng của đảng Cộng Hòa về dài hạn mặc dù người này thừa nhận nếu bằng chứng về việc gian lận bầu cử được tìm ra, việc này sẽ là bài học cho những cuộc bầu cử trong tương lai.

Một số người trong đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông Trump dường như đang sắp xếp các kế hoạch của mình sau nhiệm kỳ của Tổng thống ở Nhà Trắng kết thúc.

Tuần này, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng Hòa đã thông báo các kế hoạch phác thảo trong một động thái nhằm thể hiện rằng cuộc bầu cử đã đi đến hồi kết. Chiến dịch của ông Trump cho biết, Tổng thống có kế hoạch thành lập một ủy ban hành động chính trị nhằm giúp tổng thống tiếp tục duy trì ảnh hưởng trong đảng Cộng Hòa sau khi ông rời nhiệm sở.

Sự đối lập giữa những điều mà những người ủng hộ Tổng thống Trump công khai tuyên bố với những gì được thảo luận kín đáo trong chính quyền của ông đã tạo nên một tình huống căng thẳng mà các chuyên gia và một số nhà lập pháp lo ngại có thể gây ra sự tổn hại dài hạn với nước Mỹ, thậm chí cả khi Tổng thống Trump thừa nhận thất bại.

"Các kẻ thù của chúng ta đang không ngừng ra sức chống lại chúng ta bởi vì Nhà Trắng từ chối chuyển giao quyền lực hòa bình", Chris Whipple, tác giả của một cuốn sách về các chánh văn phòng Nhà Trắng và một cuốn sách về CIA mang tên "The Spymasters" (tạm dịch “Những bậc thầy gián điệp”) nhận định.

"Sự chuyển giao có ý nghĩa quan trọng và đây có thể là quãng thời gian nguy hiểm. Tôi không nghĩ chúng ta có nhiều thời gian để ông Donald Trump tiếp tục kéo dài điều này lâu hơn nữa".

Đến nay một số người đại diện đã từ chối ủng hộ các cáo buộc của ông Trump về gian lận bầu cử trên diện rộng, đồng thời cho rằng các thách thức pháp lý của Tổng thống Trump sẽ không thay đổi kết quả bầu cử thậm chí cả khi chúng thành công. Các chuyên gia pháp lý nhận định đơn kiện ở Pennsylvania được gửi lên hôm 9/11 đã không thành công trong khi các đơn kiện khác cũng đã bị bác bỏ.

Dù vậy, một cựu quan chức Nhà Trắng khác lập luận rằng hiện mới chỉ 1 tuần sau Ngày Bầu cử nên Tổng thống Trump có quyền có thêm thời gian để tiến hành các thánh thức pháp lý, đồng thời dẫn ra việc ứng viên đảng Dân Chủ Al Gore cũng không chấp nhận thất bại cho tới vài tuần sau Ngày Bầu cử năm 2000.

Đội ngũ của ông Biden gặp khó?

Cố vấn pháp lý cấp cao của ông Biden là Bob Bauer đã miêu tả các vụ kiện trên là "ồn ào" và chẳng khác nào "những vở kịch" trong một cuộc họp báo với phóng viên ngày 10/11.

Các nguồn tin thân cận với chính quyền Tổng thống Trump tin rằng cuối cùng các thành viên trong gia đình cũng là các cố vấn của ông như Ivanka Trump, Jared Kushner, Melania Trump và Chánh Văn Phòng Meadows sẽ trao đổi ý kiến với Tổng thống và thuyết phục ông chấp nhận kết quả bầu cử.

Trong thời gian đó, quá trình chuyển giao chính thức vẫn chưa thể diễn ra. Nhiều cơ quan liên bang đã chỉ rõ rằng họ sẽ không hợp tác với các quan chức của ông Biden như một phần trong quá trình chuyển giao cho tới khi Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (General Services Administration - GSA) xác nhận ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden là Tổng thống đắc cử.

Ngày 10/11, chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa ký các giấy tờ cho phép ông Biden và đội ngũ của ông tiếp cận các nguồn quỹ liên bang và một số địa điểm trong quá trình chuyển giao.

Ông Biden khẳng định rằng động thái trên sẽ không ảnh hưởng đến khả năng lên kế hoạch của đội ngũ của ông.

"Tôi tự tin rằng việc họ không thừa nhận chúng tôi đã chiến thắng vào thời điểm này không ảnh hưởng nhiều đến việc lên kế hoạch và những việc chúng tôi có thể làm từ giờ đến ngày 20/1", ông Biden nhận định với báo giới ở Delaware.

Các cựu quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết tình hình hiện nay sẽ gây ra các bất lợi cho đội ngũ của ông Biden, mặc dù điều này sẽ không ngăn cản được việc chính quyền mới thực hiện các kế hoạch với nguồn lực riêng của họ.

Tuy nhiên, Anita McBride, cựu chánh văn phòng của Đệ nhất phu nhân Laura Bush cho rằng, nhiều cá nhân, những người có thể sẽ phục vụ chính quyền ông Biden từng có kinh nghiệm làm việc trong chính quyền trước đó sẽ hữu ích trong quá trình chuyển giao.

"Họ biết điều gì quan trọng, biết cách mọi thứ cần được hoàn thành như thế nào hoặc được tổ chức ra sao. Họ có lẽ sẽ gặp ít bất lợi hơn so với những người phục vụ trong chính quyền mới lần đầu tiên", McBride nhận định./.

Kiều Anh

Cùng chuyên mục
XEM