Bên cạnh quả chuối hôm trước, đây là 8 tác phẩm nghệ thuật khiến bạn phải đặt câu hỏi "Tại sao?"
Một bức điện tín, một cái toa-lét bằng vàng hay một trái táo đơn điệu cũng có thể gọi là tác phẩm nghệ thuật sao?
Khi Maurizio Cattelan dán một quả chuối vào tường và khẳng định nó là một tác phẩm đáng giá 120.000 USD (hơn 2,7 tỷ VNĐ), cuộc tranh luận về giá trị thật sự của nghệ thuật bắt đầu nổi lên.
Mặc dù tràn đầy vô lý, tác phẩm "Diễn viên hài" (tên của quả chuối dính vào tường) đã đặt ra một câu hỏi đối với khái niệm nghệ thuật và định nghĩa của sự sáng tạo. Có thể giá trị của một tác phẩm nghệ thuật không phụ thuộc vào vật liệu làm ra nó mà là sự chú ý nó giành được từ thế giới.
Dưới đây là tám tác phẩm mà tùy thuộc vào góc nhìn, vừa có thể là rác rưởi vô giá trị, lại vừa có thể là kiệt tác đầy ý nghĩa.
"Thác nước" của Marcel Duchamp
Tác phẩm "Thác nước" bao gồm một bồn tiểu mua từ cửa hàng dụng cụ được đặt lên trên một cái khay trưng bày. Từ khi xuất hiện vào năm 1917, nó đã gây nên làn sóng tranh cãi về quan niệm của giá trị nghệ thuật. Vào thời điểm đó, "Thác nước" được Marcel Duchamp, vốn dùng tên giả là R. Mutt, gửi vào một cuộc triển lãm thấp kém ở New York, một nơi không cần thẩm định mà chỉ cần trả một khoản phí là có thể trưng bày bất kỳ "tác phẩm" nào.
Tác phẩm đã bị giấu đi trong buổi triển lãm, tuy vậy các cuộc tranh luận về nó vẫn xảy ra cho tới tận bây giờ. Đáng ngạc nhiên hơn, vào 2004, một cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng "Thác nước" là tác phẩm nghệ thuật mang tầm vóc ảnh hưởng lớn nhất hiện đại.
Trong số những tác phẩm để đời của Duchamp, "Thác nước" là một trong những vật dụng hàng ngày mà ông khẳng định là một tác phẩm nghệ thuật chính cống. Số phận phiên bản gốc của tác phẩm hiện nay không được xác định, nhưng người nghệ sĩ này đã tạo ra nhiều bản sao của "Thác nước" trên con đường nghệ thuật của ông. Trong đó, một bản đã được bán với giá hơn 1,7 triệu USD (40 tỷ VNĐ) vào năm 1999.
"Táo" của Yoko Ono
Trước khi Maurizio Cattelan dán chuối vào tường, một nghệ sĩ người Nhật khác đã có một ý tưởng kỳ lạ không kém, đó là trưng bày một quả táo. Tên của tác phẩm này đơn giản y như bản thân nó: "Táo".
Tác phẩm xuất hiện vào năm 1966, được biết đến nhờ vai trò quan trọng trong đám cưới đình đám của chàng ca sĩ John Lennon (The Beatles) và Yoko Ono, chủ nhân của tác phẩm kì lạ này. Vào trước ngày khai trương cuộc triển lãm, John Lennon đã cầm trái táo này lên và cắn một miếng, khiến cho cô vợ tương lai Yoko Ono phẫn nộ tột cùng.
"Giường tôi" của Tracey Emin
Tác phẩm "khét tiếng" nhất từng xuất hiện trong danh sách đề cử giải Turner, giải thưởng nhắm đến những nghệ sĩ trong giới nghệ thuật trực quan.
Tác phẩm bao gồm một chiếc giường bê bối, phủ đầy dịch nhờn và các loại rác rưởi như bao cao su, đồ lót đã sử dụng. Nó được tạo ra sau khoảng thời gian Tracy Emin chán chường và nghiện rượu, khiến cô không rời chiếc giường nhiều ngày liền.
Giá trị nghệ thuật của tác phẩm cho đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi trái chiều, nhưng giá trị vật chất của nó thì đã tăng cao kể từ khi xuất hiện vào năm 1998. Năm 2003, tác phẩm được mua bởi nhà sưu tập Charles Saatchi với cái giá 150.000 Bảng Anh (4,5 tỷ VNĐ). Năm 2014, "Giường tôi" lại xuất hiện và được bán đấu giá lên đến tận 2,5 triệu Bảng Anh (75 tỷ VNĐ) tại Luân Đôn.
"Tình yêu trong sọt rác" của Banksy
Trong năm 2018, chỉ vài giây sau khi bức "Cô gái với trái bóng bay" được bán ra, tác phẩm đã "tự hủy" ngay trong buổi đấu giá do Sotheby tổ chức tại Luân Đôn. Sự kiện này đã khiến cho khán giả đương trường và toàn giới nghệ thuật phải bỡ ngỡ.
Người nghệ sĩ giấu mặt với cái tên Banksy đã lắp đặt một chiếc máy cắt giấy phía sau khung tác phẩm, khi chiếc búa đấu giá được đánh xuống, chiếc máy đã tự khởi động và cắt mất một nửa bức tranh. Đối với người đã đấu giá được tác phẩm, mặc dù nó đã không còn nguyên vẹn, họ vẫn đồng ý mua với cái giá ban đầu là 1,04 triệu Bảng Anh (30 tỷ VNĐ). Dù sao, họ cũng đã đoán được rằng giá trị của bức tranh chỉ tăng lên sau sự bất ngờ này.
Về sau, Banksy đặt lại tên bức tranh thành "Tình yêu trong sọt rác".
Bốn tháng trôi qua, sau khi bị nhiều phe giành giật, tác phẩm được trưng bày lần đầu tại bảo tàng Frieder Burdar ở Đức.
Bức chân dung Iris Clert của Robert Rauschenberg
Iris Clert là chủ nhân người Hy Lạp của một phòng triển lãm văn hóa Paris. Trong những năm hoạt động, nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng đã xuất hiện trong phòng triển lãm của cô. Vào năm 1961, Iris đã kêu gọi một số nghệ sĩ vẽ tranh chân dung của bản thân nhằm mục đích trưng bày.
Đáp lại lời kêu gọi đó, người nghệ sĩ đa tài Robert Rauschenberg, được biết đến với sự ảnh hưởng to lớn đến nền nghệ thuật Mỹ, đã gửi một cú điện tín tinh nghịch, nói rằng: "Đây là một bức chân dung của Iris Clert vì tôi nói thế -- Robert Rauschenberg".
"Tác phẩm" không những thách thức tất cả định nghĩa về chân dung mà còn mang đến nhiều tầng ý sâu hơn về góc nhìn. "Tôi" ở đây không chỉ chính tác giả mà còn là những khán giả, người xem và tùy thuộc vào góc nhìn của họ mà bức điện tín này sẽ được hiểu theo nhiều cách khác nhau.
"Nước Mỹ" của Maurizio Cattelan
Tác phẩm này, bao gồm hơn 100 kí lô vàng 18-karat, đã được đúc tại thành phố Florence và có hình dạng của một toa-lét kiểu mẫu ở Guggenheim. "Nước Mỹ" xuất hiện lần đầu vào năm 2016 tại bảo tàng Guggenheim ở New York và đã có hơn 100.000 người xếp hàng chỉ để được sử dụng nó.
Năm 2019, tác phẩm bỗng trở nên nổi tiếng vì bị lấy cắp khỏi cung điện Blenheim, nơi nó đang được trưng bày tạm thời. Từ khi mất tích, ba vụ bắt giữ đã xảy ra nhưng dấu tích của tác phẩm thì ngay cả một chút cũng không thấy.
"Thành phố tâm hồn (Kim tự tháp trái cam)" của Roelof Louw
Bức điêu khắc của Roelof Louw, nhà họa sĩ người Châu Phi, được trưng bày lần đầu vào năm 1967. Tác phẩm được làm hoàn toàn từ cam tươi chất thành kim tự giác bên trong một khung đỡ bằng gỗ. Có tới 6.000 trái cam bên trong bức điêu khắc và mỗi khách thăm quan được khuyến khích tham gia vào việc xây dựng tác phẩm bằng cách lấy đi một trái cam. Sau mỗi lần trưng bày, bức điêu khắc sẽ lại được bổ sung cam để bằng với số lượng ban đầu.
Bức điêu khác đã được trưng bày nhiều lần. Lần gần đây nhất là ở Phòng triển lãm Tate vào năm 2016 tại Luân Đôn.
"Cây cầu số 114" của Nat Tate
Năm 2011, bức tranh này được bán tại một buổi đấu giá do Sotheby tổ chức với cái giá 7.250 Bảng Anh (200 triệu VNĐ). Nó là một trong 18 tác phẩm còn tồn tại của Nat Tate, người nghệ sĩ đã tự tử năm 1960. Nhưng thật ra, anh ta đã không chết, vì vốn ngay từ đầu, anh ta đã không có thật.
Nat Tate là một nghệ danh được đặt từ tên của hai bảo tàng lớn ở Luân Đôn, Phòng triển lãm Quốc Gia (National Gallery) và Phòng triển lãm Tate (Tate Gallery). Vào năm 1998, nhà văn kiêm biên kịch người Anh William Boyd đã sáng tạo nên nhân vật hư cấu này và xuất bản quyển sách "Nat Tate: Nghệ Sĩ Mỹ 1928-1960".
Để tô đậm thêm sắc màu câu chuyện về người nghệ sĩ hư cấu, Boyd đã vẽ ra rất nhiều bức tranh dưới nghệ danh Nat Tate, có bức trong số đó bán được với số tiền cao hơn 50% giá nguyên bản của nó. Khi quyển sách về Nat Tate xuất bản, Boyd vẫn không tiết lộ rằng Tate chỉ là hư cấu, nhưng sự thật đã được nói ra tại buổi bán đấu giá các bức tranh.