Bên bờ vực phá sản, hàng loạt công ty Mỹ vẫn cho các giám đốc ‘ngập trong tiền thưởng’

18/07/2020 10:56 AM | Kinh doanh

Gần 1/3 trong số hơn 40 công ty lớn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ giữa đại dịch Covid-19 vẫn thưởng “đậm” cho giám đốc điều hành ngay trước ngày đệ đơn lên tòa án.

Theo luật phá sản năm 2005 của Mỹ, doanh nghiệp bị cấm, ngoại trừ một số ngoại lệ, trả thưởng cho giám đốc điều hành khi phá sản. Tuy nhiên, luật vẫn có kẽ hở, được các doanh nghiệp tận dụng bằng cách trả thưởng trước lúc đệ đơn lên tòa án.

Reuters xem xét báo cáo tài chính và hồ sơ tòa án của 45 công ty đệ đơn xin phá sản trong thời gian từ ngày 11/5, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch, đến 15/7. Sử dụng dữ liệu do BankruptcyData, chi nhánh của công ty nghiên cứu New Generation Research, các công ty được Reuters chọn đều đã phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu, có nợ phải trả hơn 50 triệu USD.

2/3 trong số 45 công ty thông qua kế hoạch trả thưởng khoảng nửa năm trước khi nộp đơn xin phá sản, gần nửa số này chi trong vòng 2 tháng.

6 trong số 14 công ty thông qua trả thưởng trong vòng một tháng trước ngày nộp đơn, lý giải là đền bù giám đốc điều hành vì những thách thức kinh doanh họ phải đối mặt trong đại dịch Covid-19.

8 công ty, bao gồm J.C. Penney Co và Hertz Global Holdings, duyệt trả thưởng chỉ 5 ngày trước khi xin bảo hộ phá sản. Với Hi-Crush Inc, nhà cung cấp cát cho hoạt động khoan phá dầu khí, thời gian này chỉ là 2 ngày.

J.C. Penney buộc phải đóng cửa tạm thời 846 cửa hàng và cho nghỉ phép 78.000 trong tổng số 85.000 nhân viên khi đại dịch Covid-19 lan rộng. Ngày 10/5, công ty duyệt chi gần 10 triệu USD cho các giám đốc cấp cao, bao gồm CEO Jill Soltau. Ngày 13/5, Soltau nhận hơn 6 triệu USD, bao gồm 4,5 triệu USD tiền thưởng. J.C. Penney đệ đơn phá sản hôm 15/5.

Trong phiên điều trần ngày 16/5, luật sư đại diện cho các chủ nợ lập luận rằng J.C. Penney đã tính toán để tránh bị tòa án đòi giải trình. Cổ đông Dennis Marten, từng làm việc tại một cửa hàng J.C. Penney, cũng có mặt và kêu gọi điều tra đội ngũ lãnh đạo công ty.

“Bà ấy nên thấy xấu hổ khi nhận số tiền đó”, Marten nói, ý nhắc đến Soltau.

Ngày 15/7, J.C. Penney thông báo đóng cửa vĩnh viễn 152 cửa hàng và sa thải 1.000 nhân viên. J.C. Penney từ chối bình luận về phân tích của Reuters nhưng trong thông báo trước đó, công ty cho biết các khoản thưởng nhằm giữ lại “một nhóm lãnh đạo có tài”.

Những công ty khác cũng từ chối hoặc không phản hồi đề nghị bình luận. Trong đơn xin phá sản, nhiều công ty nói biến động kinh tế khiến kế hoạch đền bù truyền thống trở nên lỗi thời hoặc giám đốc điều hành nhận thưởng đã từ chối những khoản đền bù khác.

Hãng bán lẻ cao cấp Neiman Marcus Group hồi tháng 3 tạm thời đóng cửa toàn bộ 67 cửa hàng và cho nghỉ phép hơn 11.000 nhân viên trong tháng 4. Công ty trả 4 triệu USD tiền thưởng cho chủ tịch kiêm CEO Geoffroy van Raemdonck trong tháng 2, hơn 4 triệu USD cho các giám đốc khác vài tuần trước khi đệ đơn phá sản hôm 7/5, theo hồ sơ tòa án.

Những khoản thưởng nêu trên bị phản đối từ lâu với lý do công ty chỉ làm giàu cho các giám đốc trong khi cắt giảm việc làm, không quan tâm đến chủ nợ và cổ đông. Hồi tháng 6, nghị sĩ phe Dân chủ đưa ra dự luật giúp củng cố quyền của chủ nợ để thu hồi khoản trả thưởng, trong bối cảnh xuất hiện làn sóng phá sản vì Covid-19. Dự luật không có nhiều khả năng được Thượng viện, do phe Cộng hòa kiểm soát, thông qua.

Các công ty lập luận những khoản chi thưởng là quan trọng để giữ chân giám đốc điều hành bởi nếu họ rời đi sớm hơn, hoạt động kinh doanh càng sụp đổ mạnh hơn, dẫn đến có ít tiền để thanh toán cho chủ nợ, trả lương nhân viên hơn.

Như Tâm

Cùng chuyên mục
XEM