Bệ đỡ nào cho thị trường bất động sản 2022 trong bối cảnh nhiều biến động?

15/03/2022 15:35 PM | Kinh doanh

Sự phục hồi của nền kinh tế, gói hỗ trợ quy mô 350.000 tỷ đồng cùng chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản... là bệ đỡ cho thị trường bất động sản 2022 trong bối cảnh có nhiều biến động.

Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần II diễn ra tại Hà Nội do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng từ chiến sự Nga – Ukraine. Theo vị chuyên gia này, chiến sự Nga – Ukraine có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm 1,1 - 1,3 điểm %, lạm phát (CPI) tăng 0,8 - 1 điểm % ghi nhận hơn 4%.

 Bệ đỡ nào cho thị trường bất động sản 2022 trong bối cảnh nhiều biến động?  - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực.

Nhận định về cơ hội cho thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực phân tích những bệ đỡ nổi bật bao gồm sự phục hồi nền kinh tế, gói hỗ trợ phát triển nền kinh tế,…

Cụ thể, theo ông Lực, nền kinh tế phục hồi khá nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023; quy hoạch được quan tâm; đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược; đầu tư công được thúc đẩy; thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở 2021 - 2023 (ban hành tháng 12/2021).

Trong khi đó, gói hỗ trợ phát triển nền kinh tế với quy mô 350.000 tỷ đồng tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao gồm: Đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng và các giải pháp khác. Đáng chú ý, chương trình phục hồi lần này có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, giải quyết các vấn đề cấp bách, kịp thời, hấp thụ, có thời hạn.

Bên cạnh đó, các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; tăng chi đầu tư phát triển; hỗ trợ lãi suất các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Cũng theo TS. Lực, các vấn đề về pháp lý đã và đang được tháo gỡ như Nghị định 148 năm 2020 về đất đai, Nghị định 69 năm 2021 về cải tạo chung cư cũ, Nghị định 30 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở….; 1 Luật sửa 9 Luật vừa được thông qua, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản dự kiến sửa đổi năm 2022 - 2023, ban hành sửa đổi Nghị định về khu công nghiệp…

Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa đang ngày càng tăng lên, nếu năm 2020 là 40% thì dự kiến đến năm 2025 tăng lên 45% và đạt 50% năm 2030; chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, các quỹ REITs được thành lập, thị hiếu khách hàng thay đổi sau đại dịch.

Ông Lực phân tích thêm, về đầu tư hạ tầng giao thông 2021 - 2025, các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có tổng mức đầu tư là 147.000 tỷ đồng (120.000 tỷ đồng cân đối từ kế hoạch đầu tư công 2021 - 2025, còn lại từ Chương trình phục hồi) đang được đẩy mạnh triển khai; đầu tư cơ sở hạ tầng từ Chương trình phục hồi 2022 - 2023 (113.550 tỷ đồng); các chương trình đầu tư công khác (sân bay, cầu cảng, nông thôn mới...).

Trong năm 2021, nguồn vốn tín dụng bất động sản tăng khoảng 12% với tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ của nền kinh tế. Vốn tư nhân và vốn FDI đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt; lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành gấp 3 lần năm 2020.

Đánh giá về thách thức đối với thị trường bất động sản, ông Lực chỉ ra một loạt vấn đề, cụ thể: nguồn cung chưa dồi dào ngay; giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng nhanh (trong 2 tháng đầu năm tăng 2%); Chính phủ chỉ đạo kiểm soát, rà soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp (sửa đổi Nghị định 153); các cuộc đấu giá đất đã tạo ra một mặt bằng không lành mạnh; giá bất động sản vẫn tăng, đặt ra câu hỏi liệu có điều chỉnh; Thông tư 16/TT-NHNN kiểm soát đầu tư của tổ chức tín dụng vào trái phiếu bất động sản; chương trình đánh thuế bất động sản.

Trên cơ sở đó, TS. Cấn Văn Lực đề ra 4 giải pháp đối với doanh nghiệp bao gồm: tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữa lao động, tăng năng suất, sử dụng mô hình 5Rs (Respond: Thích ứng, linh hoạt; Recover: Phục hồi càng nhanh càng tốt; Restructure: Tái cấu trúc; Re-invent: Đổi mới, sáng tạo; Resilience: Tăng sức đề kháng (khả năng chống chịu các cú sốc, gồm cả quản lý rủi ro).

"Các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận Chương trình phục hồi; phục hồi xanh, tăng trưởng xanh bởi bất động sản xanh đang là xu thế, chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới liên quan đến thay đổi hành vi của khách hàng; thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro… là tất yếu", ông Lực nhấn mạnh.

Theo Việt Khoa

Cùng chuyên mục
XEM