BCG: Nhiều quốc gia thèm muốn tốc độ tăng trưởng 30% của du lịch Việt Nam

05/12/2018 16:39 PM | Kinh doanh

3 năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm. Từ 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, nội địa 72 lần. Năm 2017, Việt Nam đã đón 13 triệu khách du lịch quốc tế, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2020...

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2018 chiều 5/12, bà Tuyết Vũ - Quản lý dự án cao cấp của Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) cho biết Việt Nam đến nay đã thấy sự tăng trưởng ấn tượng trong ngành du lịch và đạt nhiều thành tựu tự hào.

Đơn cử, tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế hàng năm là 30% trong 3 năm qua - con số rất nhiều quốc gia mong muốn. Du lịch Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới trong năm 2017.

Việt Nam đồng thời thu hút 15 tỷ USD dòng FDI đầu tư vào du lịch tại thời điểm cuối năm 2017, tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho trên 2 triệu người...

"Có thể nói, Việt Nam đã rất thành công, ít nhất trong thập kỷ vừa qua. Mặt khác, ngành Du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển mà quốc gia này vẫn chưa khai thác hết. Vì thế chúng tôi nhờ đến nhiều đối tác công nghệ lớn để tìm hiểu những tìm kiếm về Việt Nam và thấy có sự tăng trưởng lớn nhưng vẫn có một khoảng trống thiếu hụt cần khoả lấp", bà nói.

Bà Tuyết Vũ tin rằng, đối với ngành du lịch, trong tương lai gần, chúng ta cần hiểu nhu cầu tiêu dùng của họ.

Tỷ lệ chi tiêu cho trải nghiệm trong kỳ nghỉ ở Việt Nam đang thấp hơn so với khu vực

Một trong những vấn đề quan trọng tác động đến du lịch là nhu cầu chi tiêu của khách hàng. Theo khảo sát, bà Tuyết Vũ cho biết, ngày nay, khách hàng chia ra thành nhiều nhóm khác nhau và các sự thay đổi về cách tiêu tiền. Bên cạnh giá vé máy bay, khách sạn, du khách sẵn sàng trả tiền nhiều hơn cho những tiện ích mang lại cho họ, hiểu nhiều hơn về văn hoá địa phương, điểm đến mới...

Theo khảo sát của BCG, tỷ lệ chi tiêu cho ăn uống, hoạt động và mua sắm trong doanh thu từ khách quốc tế cũng tăng mạnh và vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng, vì hiện tại tỷ lệ chi tiêu cho trải nghiệm trong kỳ nghỉ ở Việt Nam đang thấp hơn so với khu vực.

BCG: Nhiều quốc gia thèm muốn tốc độ tăng trưởng 30% của du lịch Việt Nam - Ảnh 1.

Hiện nay, khách du lịch ngày càng tìm kiếm sự chân thực, tính bản địa. Họ thích trải nghiệm văn hóa, trải nghiệm thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực, thăm bảo tàng... Hai phần ba người trả lời khảo sát đồng ý rằng "Khi đi du lịch, điều quan trọng nhất với tôi là trải nghiệm văn hóa đích thực của nơi đó...".

Tiêu biểu là khách du lịch Trung Quốc. Họ là yếu tố tác động mạnh đến du lịch bởi 10% dân số có hộ chiếu, thường đi du lịch theo nhóm đồng thời thích trải nghiệm chân thực hơn là đến nhiều địa điểm du lịch.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch. Đây là ngành góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, nhất là từ sau năm 1986. Từ năm 1990 đến 2017, ngành du lịch nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu. Năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế, năm 2017 đón trên 13 triệu khách quốc tế, 73 triệu khách nội địa. Từ 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, nội địa 72 lần.

Đối với mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến 2025, Thứ trưởng cho biết, dự kiến tổng thu sẽ là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM