Bầu Đức làm điện sinh khối: Thấy gì từ “thắng lớn” của Vua sữa đậu nành?

15/08/2021 19:55 PM | Kinh doanh

Bầu Đức làm điện sinh khối song song với dự án trồng rừng cây gỗ lớn với diện tích 2.000ha. Nhà máy điện sẽ sử dụng nguyên liệu chính là gỗ trồng rừng, gỗ còn thừa sau khi chế biến và các phế phẩm nông nghiệp để phát điện.

Đầu tháng 7/2021, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã có nghị quyết về việc góp vốn thành lập công ty con trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện, mang tên Công ty TNHH Một thành viên Bờ Y (Công ty Bờ Y), được xây dựng tại tỉnh Kon Tum. Theo đó, Công ty Bờ Y có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực chính là sản xuất điện sinh khối .

Trước đó theo trang thông tin điện tử Ban quản lý kinh tế tỉnh Kon Tum đăng tải ngày 10/6, HAGL dự kiến triển khai dự án: Trồng rừng cây gỗ lớn với tổng diện tích khoảng 2.000 ha; xây dựng nhà máy điện sinh khối công suất 100 MW (nhà máy này sử dụng nguyên liệu chính là gỗ trồng rừng, gỗ còn thừa sau khi chế biến và các phế phẩm nông nghiệp để phát điện); xây dựng nhà máy chế biến gỗ, sản xuất viên nén... tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng.

HAGL từng làm thủy điện từ năm 2008 và chính thức rút lui vào năm 2019 để tập trung cho nông nghiệp. Việc thành lập công ty Bờ Y đánh dấu sự trở lại của bầu Đức với mảng kinh doanh này.

 Bầu Đức làm điện sinh khối: Thấy gì từ “thắng lớn” của Vua sữa đậu nành? - Ảnh 1.

Bầu Đức làm điện sinh khối song song với dự án trồng rừng cây gỗ lớn với diện tích 2.000ha

Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), điện sinh khối là việc sử dụng sinh khối để sản xuất điện năng. Đây là dạng năng lượng tái tạo và có trữ lượng không nhỏ nên được nhiều nước quan tâm đầu tư và phát triển. Trong tự nhiên, sinh khối bao gồm cây cối, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, hoặc là những bã nông nghiệp và lâm nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ...), giấy vụn, mêtan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm…

Nhiều công ty hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp đã tận dụng nguồn phế thải sau chế biến để kết hợp làm điện sinh khối đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn, một trong số đó là "Vua" sữa đậu nành Việt: CTCP Đường Quảng Ngãi, chủ thương hiệu Fami và Vinasoy chiếm 86% thị phần sữa đậu nành tại Việt Nam.

Với lượng bã mía thải sau khi phục vụ cho chế biến đường, Đường Quãng Ngãi đã tận dụng và đi vào đầu tư điện sinh khối. Tháng 1/2018, nhà máy điện Sinh khối An Khê được công ty đầu tư gần 2000 tỷ đồng chính thức đi vào hoạt động tại tỉnh Gia Lai.

 Bầu Đức làm điện sinh khối: Thấy gì từ “thắng lớn” của Vua sữa đậu nành? - Ảnh 2.

Nhà máy điện sinh khối An Khê của "vua" sữa đậu nành

Theo số liệu của CTCK Thành Công, doanh thu từ điện sinh khối của Đường Quảng Ngãi vào 2018 là 148 tỷ đồng với sản lượng điện phát trên điện lưới quốc gia là gần 111 triệu kwh, con số này đã tăng lên 167 tỷ đồng và 125 triệu kwh vào năm 2019. Năm 2020 có xu hướng giảm nhẹ khi sản lượng điện bán qua EVN chỉ đạt 71 triệu kwh, tuy nhiên Thành Công vẫn cho rằng lĩnh vực này đang có dấu hiệu khởi sắc tốt trong tương lai.

Cụ thể, sản lượng điện của doanh nghiệp này sẽ phục hồi và đạt mức 129 triệu kwh vào năm nay và dự báo sẽ giữ đà tăng đến năm 2025 đạt mức 149 kwh.

Quan trọng hơn, đi kèm với đó là dự đoán về giá của loại năng lượng này cũng có xu hướng tăng trong tương lai, đặc biệt là sau Quyết định 08/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Một vài dự án điện sinh khối tại Việt Nam có thể kể đến như: Dự án xây dựng nhà máy điện sinh khối Biomass tại khu Rừng Xanh, Phú Thọ đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động từ năm 2013 với công suất 40MW và sản lượng điện là 331,5 triệu kWh/năm. Tại Cần Thơ, nhà máy điện sinh khối đốt trấu tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 2, do Công ty Cổ phần nhiệt điện Đinh Hải đầu tư cũng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với công suất 20 tấn hơi/giờ.

Năm 2020, Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN cho biết, công suất điện sinh khối nối lưới của Việt Nam nửa đầu năm 2020 khoảng 350MW, mới đạt 50% mục tiêu Quy hoạch điện VII đến năm 2020. Có thể thấy việc khai thác nguồn năng lượng hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

 Bầu Đức làm điện sinh khối: Thấy gì từ “thắng lớn” của Vua sữa đậu nành? - Ảnh 3.

Việc khai thác nguồn năng lượng sinh khối tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 08/2020/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.

Theo đó, giá điện tại các dự án sinh khối đồng phát nhiệt - điện là 1.634 đồng/kWh, tương đương 7,03 UScents/kWh (quy định cũ 1.220 đồng/kWh, tương đương 5,8 UScents/kWh). Giá điện cho các loại dự án sinh khối khác là 1.968 đồng/kWh, tương đương 8,47 UScents/kWh. Giá này chưa bao gồm thuế GTGT.

Quyết định này của Chính phủ được kỳ vọng thu hút hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực điện sinh khối.

Nguyễn Ánh

Cùng chuyên mục
XEM