'Bật mí' những điều thú vị về kinh thành Huế
Kinh thành Huế là công trình quan trọng bậc nhất của triều đình nhà Nguyễn, nơi lưu giữ ký ức về một thời phong kiến uy quyền của Việt Nam.
Kinh thành Huế là địa điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn nhất ở Huế. Khi đi du lịch Huế, du khách không chỉ chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh mộng mơ, cổ kính mà còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc nơi quyền lực vang bóng một thời.
Kinh thành Huế nằm ở đâu?
Nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, di tích kinh thành Huế là một toà thành cổ, thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Di tích tọa lạc ngay vị trí trung tâm thành phố Huế, được xây dựng với lối kiến trúc độc đáo.
Diện tích mặt bằng của kinh thành Huế là 520ha. Trong suốt 143 năm kể từ năm 1802, đây là nơi đóng đô của triều đình nhà Nguyễn. Trải qua 2 thế kỷ với sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, kinh thành Huế vẫn giữ được diện mạo ban đầu.
Lịch sử kinh thành Huế
Kinh thành Huế bắt đầu được xây dựng từ mùa hè năm 1805, dưới thời vua Gia Long. Trước đó, từ năm 1803 việc quy hoạch kinh thành đã được diễn ra. Toàn bộ quá trình khảo sát thực địa do chính vua Gia Long và các đại thần triều Nguyễn đảm nhận.
So với Cố đô thành Phú Xuân, kinh thành Huế xưa được mở rộng hơn rất nhiều. Đợt thi công vào năm 1805, triều đình phải huy động khoảng 30 nghìn dân và lính phục vụ cho việc ngăn sông, đào hào. 10 cửa xung quanh kinh thành bắt đầu được xây dựng từ năm 1809.
Đến năm 1818, số người được huy động để xây dựng thành lên đến 80 nghìn người, tập trung xây gạch ốp ở 4 mặt Đông - Tây - Nam - Bắc. Đến năm 1831-1832, vua Minh Mạng cho xây dựng thêm tường bắn ở mặt ngoài của vòng thành, hoàn thiện kiến trúc của kinh thành.
Kiến trúc kinh thành Huế
Nơi đây có mặt bằng gần hình vuông, mặt trước hơi khum như hình cánh cung do phải chạy theo đường uốn nhẹ của sông Hương chảy qua. Chu vi thành rộng hơn 10km, được xây dựng theo kiểu thành lũy của Vauban - Pháp (kỹ thuật bố phòng quân sự với 24 pháo đài nhô ra bên ngoài) kết hợp với nguyên tắc kiến trúc của phương Đông.
Dưới sự áp dụng khéo léo, phù hợp với địa hình thực tế, kinh thành Huế trở thành một công trình kiến trúc nghệ thuật quân sự độc đáo. Đặc điểm kiến trúc kinh thành Huế có sự khác biệt so với nhiều cố đô trước đó.
Kinh thành Huế có tất cả 13 cửa thành. Trong đó, 10 cửa thành sẽ thông ra bên ngoài, 1 cửa thành nội bộ, 2 cửa thành đường thủy.
Kinh thành Huế có gì thú vị?
- Ngọ Môn: Đây là công trình được xây dựng như cổng ra vào của Hoàng Thành, với Lầu Ngũ Phụng làm điểm nhấn. Bên cạnh đó, Ngọ Môn còn có những bức tường đá hoặc mái được chạm trổ vô cùng tinh xảo, mang đậm bản sắc của văn hóa vùng đất cố đô xưa. Hơn nữa, đây là một không gian mang đến trải nghiệm vô cùng thoáng đãng và thư giãn nhưng cũng không kém phần choáng ngợp.
- Hoàng Thành: Đây là nơi đánh dấu hơn 100 công trình mang nét kiến trúc cổ của kinh thành Huế, nổi bật trong đó là Điện Thái Hòa - một biểu tượng mỗi khi nhắc đến Huế. Đây là tên gọi cho vòng thành thứ hai của kinh thành Huế. Hoàng Thành là nơi ở chính của vua và những người khác trong gia đình Hoàng tộc. Ngoài ra, đây còn là nơi để thờ tự tổ tiên của các vị vua thời Nguyễn.
- Điện Thái Hòa: Đặc biệt, Điện Thái Hòa trong Hoàng Thành Huế có kiến trúc vô cùng độc đáo với những màu sắc đẹp mắt và sang trọng thời xưa, điện lấy màu đỏ và màu vàng làm hai tông màu chủ đạo để làm nổi bật lên vẻ quý phái.
Bên ngoài Điện Thái Hòa còn có một khoảng sân vườn với ao cá và nhiều loại cây quý hiếm được cắt tỉa, chăm sóc vô cùng cẩn thận.
Khi tham quan kinh thành Huế, ngoài chụp được những kiểu ảnh đẹp thơ mộng, bạn sẽ còn được hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của vua chúa thời xưa cũng như hiểu thêm về những phong tục của Hoàng gia thời bấy giờ.