Bất mãn với sếp, kiệt sức,... nhưng vẫn chày cối đến sau Tết mới nghỉ: Thưởng Tết là nhờ cống hiến, chẳng ơn huệ gì tầm này!

17/02/2022 08:55 AM | Sống

Không khó để nhận thấy nhiều công ty, doanh nghiệp đang phải đối mặt với khủng hoảng nhân sự khi hội làm công ăn lương ồ ạt nghỉ việc sau Tết.

Trong 2 năm vừa qua, dịch bệnh khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhưng cùng với đó, có một nghịch lý xuất hiện: hội làm công ăn lương ồ ạt nghỉ việc. Ở thời điểm sau Tết, làn sóng này lại càng bùng lên mạnh mẽ khiến nhiều công ty, doanh nghiệp phải đối mặt với khủng hoảng nhân sự.

Về phía những người nghỉ việc sau Tết, họ cũng phải đối mặt với vấn đề của mình như quan điểm gây tranh cãi "Nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết là vô ơn" hay drama công sở vì chuyện nghỉ việc. Đôi bên cùng mệt mỏi vậy hà cớ gì người ta vẫn rủ nhau nghỉ việc sau Tết ? Câu trả lời sẽ được chính những người trong cuộc hé lộ dưới đây.

Nghỉ việc vì bất mãn với leader

Dù đang có công việc khá ổn định nhưng Minh Đức (24 tuổi) - một nhân viên văn phòng lại sắp nghỉ việc trong tâm thế không mấy vui vẻ. Lý do chính là bởi không đồng tình với cách xử lý công việc của sếp trực tiếp và những quy định ngặt nghèo của công ty.

"Thẳng thắn mà nói thì nguyên nhân khiến mình quyết định nghỉ việc là vì leader. Không biết vô tình hay cố ý nhưng leader của mình có thái độ khá trịch thượng với nhân viên, tạo cảm giác khó chịu khi giao tiếp và làm việc. Khi gặp vấn đề, anh này cũng không phải kiểu sếp muốn lắng nghe và cùng nhân viên giải quyết. Ngoài ra vì không được trao cơ hội hay định hướng trong công việc nên mình cảm giác mọi thứ cứ giậm chân tại chỗ, mình không phát huy được khả năng, sự sáng tạo của bản thân như mong đợi.

Một lý do nữa là chế độ đãi ngộ của công ty mình hơi chán, OT (over time - làm thêm giờ) thì nhiều mà lương thấp, chính sách thưởng lẫn quà cáp cũng không ổn thoả. Kết quả là mình nghỉ việc sau Tết.

 Bất mãn với sếp, kiệt sức,... nhưng vẫn chày cối đến sau Tết mới nghỉ: Thưởng Tết là nhờ cống hiến, chẳng ơn huệ gì tầm này!  - Ảnh 1.

Mình biết phát biểu 'Nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết là vô ơn' và hoàn toàn không đồng tình. Thưởng Tết là của công ty thưởng cho nhân viên vì đã làm việc suốt 1 năm trước đó chứ chả ai cho không mình một tháng lương cả. Hơn nữa thưởng Tết mới chính là cái giúp mọi người có động lực trụ lại.

Trái ngược trong mối quan hệ với sếp cũ thì mình và đồng nghiệp cũ khá ổn thoả, mình vẫn sẽ chơi cùng sau khi nghỉ việc. Bản thân mình cũng có nhiều tình bạn, thậm chí là bạn thân xuất phát từ tình đồng nghiệp".

Làm trong năm được bao nhiêu thì thưởng Tết bấy nhiêu, chả nợ nần gì

Sau vài năm gắn bó với một startup nhỏ ở Hà Nội, Anh Tuấn (29 tuổi) đã quyết định dừng lại và chuyển về quê làm việc.

"Theo quan điểm của mình, người lao động nghỉ việc sau Tết thì cả họ lẫn phía doanh nghiệp đều chẳng nợ nần hay ơn huệ gì với nhau. Nghỉ Tết chỉ là 1 thời điểm như nhiều đợt nghỉ khác, việc nó dài hơn không ảnh hưởng nhiều tới tình hình doanh nghiệp vì không mang tính đột biến. Tuy nhiên việc doanh nghiệp vừa ngừng hoạt động 1 thời gian dài mà nhân viên lại nghỉ ngay sau đó dễ khiến người ta nghĩ nhân viên 'nợ' doanh nghiệp. Thực tế thì không phải thế, cả nước đều nghỉ cơ mà.

Tiền thưởng Tết cũng là 1 lý do tạo nên từ 'nợ'. Tiền này thực ra là nỗ lực của người lao động trong năm. Nhiều doanh nghiệp tính tiền thưởng theo công thức: (Lương tháng x số tháng làm)/12. Điều này chứng tỏ nhân viên làm trong năm được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, chả nợ nần gì cả.

Dưới góc nhìn của phía doanh nghiệp hoặc tuyển dụng, nhân viên nghỉ việc sau Tết cũng không nợ họ. Thứ nhất, trước khi tuyển dụng, doanh nghiệp thường đã tính toán về chi phí, lương thưởng rồi, chắc chắn trong đó có cả yếu tố thưởng Tết. Thứ 2 là chuyện nhân viên ồ ạt nghỉ sau Tết không mới, năm nào cũng gặp nên doanh nghiệp phải lường trước đước bài toán nhân sự này và có phương án đối phó.

Khi xin nghỉ, mình có thể trao đổi với sếp hoặc HR (bộ phận Quản trị nhân sự) nhưng nên nói với sếp để tạo cảm giác người ta được tôn trọng. Về chữ 'xin' khi nghỉ việc, theo logic là không cần vì 2 bên trong hợp đồng lao động là ngang bằng nhau nhưng có vẻ như ở Việt Nam chưa có cụm từ nào thay thế phù hợp hơn 'Đơn xin nghỉ việc'.

 Bất mãn với sếp, kiệt sức,... nhưng vẫn chày cối đến sau Tết mới nghỉ: Thưởng Tết là nhờ cống hiến, chẳng ơn huệ gì tầm này!  - Ảnh 2.

Trong mối quan hệ với sếp cũ và đồng nghiệp cũ thì nên duy trì vì network (mạng lưới mối quan hệ) là cái cực kỳ quan trọng. Thế nhưng mình nhận thấy cũng có sếp không thoải mái với nhân viên cũ. Lý do thì mình không rõ lắm nhưng có thể vì mâu thuẫn trong quá trình làm việc, vì cảm giác bị quay lưng kiểu team đang chạy ổn bỗng mất thêm thời gian tuyển dụng, training các thứ,...".

Sếp cũ đưa ra những lời khuyên quý báu khi xin nghỉ việc sau Tết

Do một vài hoạt động bị hoãn lại sau Tết mà không muốn "đem con bỏ chợ" nên Ái Quyên (23 tuổi) - account executive (nhân viên quản lý quan hệ khách hàng) dự tính sẽ nghỉ việc vào giữa tháng 3.

"Mình đã làm công việc này được nửa năm. Nhìn chung, đây đúng là gu của mình nhưng tính chất công việc hơi nặng, cảm giác theo lâu dài sẽ bị mòn về cả tinh thần lẫn sức khoẻ nên mình quyết định nghỉ việc. Sau Tết, tình hình đã khấm khá hơn, là thời gian tốt nhất để mình bắt đầu lại công việc mà mình thực sự muốn theo đuổi. Lúc xin nghỉ, mình trao đổi khá thẳng thắn với sếp và không gặp bất cứ khó khăn hay nhọc nhằn gì, thậm chí mình còn nhận được vài lời khuyên quý báu từ sếp cho dự định sắp tới nữa.

 Bất mãn với sếp, kiệt sức,... nhưng vẫn chày cối đến sau Tết mới nghỉ: Thưởng Tết là nhờ cống hiến, chẳng ơn huệ gì tầm này!  - Ảnh 3.

Với quan điểm 'Nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết là vô ơn', mình thấy khá khắc nghiệt. Mỗi công ty sẽ có quy cách tính thưởng Tết xứng đáng mức độ hoàn thành công việc của mỗi người trong thời gian cống hiến. Vì vậy việc nhận lương thưởng (nếu có) với tư cách một nhân viên chân chính, chúng ta không cần phải e sợ, dè dặt trước những lời khó nghe như thế.

Khá may mắn cho mình, cả 3 nơi từng làm việc đều là môi trường thân thiện, mối quan hệ với sếp cũ và đồng nghiệp cũ cũng rất okilah. Mình giữ những mối quan hệ này bằng tình cảm thật sự, thường thăm hỏi, trò chuyện và gặp gỡ sếp cũ cũng như đồng nghiệp cũ. Suy cho cùng sếp cũ hay đồng nghiệp cũ cũng là người. Mà giữa người với người khi đối đãi một cách chân thành với nhau thì đối phương sẽ cảm nhận được thôi".

 Bất mãn với sếp, kiệt sức,... nhưng vẫn chày cối đến sau Tết mới nghỉ: Thưởng Tết là nhờ cống hiến, chẳng ơn huệ gì tầm này!  - Ảnh 4.

Ơn huệ gì tầm này! Nghỉ là được!

Vừa nghỉ việc được 5 ngày, Đỗ Hoàng (24 tuổi) - nhân viên văn phòng cũng đang trong tâm trạng vô cùng sung sướng và thoải mái.

"Mình nghỉ việc vì cảm thấy kiệt sức. Chuỗi deadline nối tiếp nhau một cách bất tận, làm ngoài giờ thì nhiều mà lương chẳng xứng đáng, thậm chí mình còn không được ngủ đủ giấc suốt một thời gian dài. Hơn nữa mình còn trẻ và không hề thiếu cơ hội kiếm tiền nên chẳng có lý do gì để mình ép bản thân tiếp tục chịu cảnh mệt mỏi triền miên như vậy.

Tất nhiên mình cũng không quan tâm đến quan điểm vô ơn với công ty vì nghỉ việc sau Tết như người ta nói. Lúc mình đổ mồ hôi sôi nước mắt để làm việc sao không thấy ai nói chuyện ơn huệ gì? Thế nên mình kệ, nghỉ là được.

 Bất mãn với sếp, kiệt sức,... nhưng vẫn chày cối đến sau Tết mới nghỉ: Thưởng Tết là nhờ cống hiến, chẳng ơn huệ gì tầm này!  - Ảnh 5.

Mối quan hệ của mình với sếp cũ lẫn đồng nghiệp cũ vẫn khá ổn áp. Mà không chỉ đồng nghiệp cũ ở công ty vừa nghỉ đâu, mình vẫn chơi với đồng nghiệp từ trước đó nữa. Chỉ cần lúc làm việc không đấu đá nhau, không thù hằn hay có kỉ niệm xấu về nhau thì sau này sẽ dễ thân thiết. Nói gì thì nói, đồng nghiệp chính là những người đã cùng nhau vượt khó, cùng đối mặt với 'kẻ thù' chung là công việc mà nhỉ?".

Theo Huyền Trang - Mai Linh

Cùng chuyên mục
XEM