Bất động sản Thủ Đức chưa hết “nóng”

17/10/2020 08:31 AM | Kinh doanh

Những thông tin tích cực từ việc thành lập TP Thủ Đức (TP HCM) đang tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp. Điều này góp phần đẩy thị trường địa ốc TP ...

Điểm nhấn hạ tầng

Đề án TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại ba quận ở phía Đông TP HCM gồm quận 2, 9 và Thủ Đức. TP Thủ Đức mới sẽ có diện tích hơn 211 km2, dân số khoảng hơn một triệu người, bằng 10% diện tích và chiếm khoảng 10% dân số toàn TP HCM. Việc sắp xếp lại các quận này dựa trên tiềm năng, lợi thế chung của cả ba quận.

Tại kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP HCM khóa IX, tất cả đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại thành phố giai đoạn 2019-2021, trong đó có việc thành lập thành phố Thủ Đức. Qua ý kiến đóng góp của người dân cùng các đại biểu, UBND TP HCM sẽ tiếp tục hoàn chỉnh đề án và đưa ra những phương án tốt nhất để tránh những vấn đề phát sinh.

Với vị trí là cửa ngõ phía đông của TP HCM, TP Thủ Đức có nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông, kết nối trực tiếp với các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đặc biệt là khu vực kết nối trực tiếp tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, Cao tốc Long Thành - Dầu Giây, các các đường giao thông huyết mạch như quốc lộ 1, Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng…

Đây cũng là vùng kinh tế năng động, phát triển nhất cả nước với hàng trăm khu công nghiệp lớn hàng đầu được tập trung về đây. Đồng thời với đó là sự gắn liền với các tuyến hàng hải quốc tế như cửa sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Vải và Cụm cảng biển số V, chiếm hơn 50% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của cả nước.

Ngoài ra, một trong những điểm đặc biệt được các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ là lợi thế rất lớn để thành phố Thủ Đức có thể phát triển và đạt được những kỳ vọng với ba trục chủ lực về công nghệ, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính lớn hàng đầu thế giới.

Đó là khu công nghệ cao - SHTP (quận 9) rộng 913ha, hiện đã lấp đầy khoảng 90% với 156 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, tổng vốn đầu tư khoảng 7,1 tỉ USD. Nơi này còn có Đại học Quốc gia TP HCM với diện tích khoảng 643ha, có hơn 10.000 giảng viên và khoảng 100.000 sinh viên. Các trục chủ lực này sẽ tạo nên một TP Thủ Đức là đô thị thông minh, sáng tạo, có tính tương tác cao.

Bất động sản Thủ Đức chưa hết “nóng” - Ảnh 1.

Bến xe Miền Đông mới vừa đi vào hoạt động sẽ giúp thành phố phía Đông thêm sôi động.

Bên cạnh đó, điểm mấu chốt là giao thông của TP Thủ Đức kết nối với trung tâm TP HCM đã dần thành hiện thực khi những chiếc tàu metro đầu tiên của tuyến Suối Tiên – Bến Thành đã bắt đầu chạy thử kỹ thuật để đưa vào vận hành.

Ngoài ra, bệnh viên Ung bướu 2, bến xe miền Đông mới chính thức hoạt động làm cho bộ mặt hạ tầng của TP Thủ Đức ngày càng hoàn thiện.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết sức hấp dẫn của TP Thủ Đức đến từ tốc độ phát triển hạ tầng và quy hoạch tương lai. Nổi bật là quận 9 đang được đầu tư rất mạnh, kết nối nhanh chóng với trung tâm thành phố cũng như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Môi trường sống tại đây trong lành, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới rót vốn đầu tư, kéo theo lượng người nhập cư, chuyên gia, công nhân liên tục gia tăng.

"Một điều dễ nhận thấy là khu vực này hiện vẫn thiếu những trung tâm tài chính, trung tâm hành chính tập trung có quy mô lớn. Chắc chắn việc hình thành các trung tâm tài chính, hành chính, công nghệ cao, sinh thái trong tương lai... sẽ biến khu vực này trở thành một điểm sáng mới mẻ trong bức tranh thị trường bất động sản TP HCM. Điều đó sẽ mang đến lợi ích thiết thực cho người dân và khu vực", ông Châu nói.

Bất động sản sẽ hưởng lợi

Khi thông tin thành lập TP Thủ Đức được công bố, thị trường bất động sản lập tức đã gia tăng sức hút, của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này góp phần đẩy thị trường khu vực quận 2, 9, Thủ Đức và các vùng giáp ranh vốn đã rất sôi động nhờ vị trí đắc địa, nay càng trở nên hấp dẫn.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hưng Thịnh, cho rằng việc xây dựng thành phố phía Đông có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng. Điều này vừa giúp giảm áp lực về giao thông, dân số, vừa cung cấp cho thành phố một bộ máy làm việc chuyên nghiệp. Đây sẽ là cơ hội cho tất cả, kể cả doanh nghiệp và người dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bất động sản Thủ Đức chưa hết “nóng” - Ảnh 2.

Bệnh viện Ung bứu cơ sở 2 mới khánh thành làm cho bộ mặt hạ tầng của TP Thủ Đức ngày càng hoàn thiện.

Theo bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Eximrs, thị trường bất động sản thuộc thành phố mới Thủ Đức và các vùng liền kề sẽ trở nên sôi động trong quý cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021. "Với quy hoạch của thành phố mới, những cư dân nơi đây là người hưởng lợi đầu tiên. Họ thừa hưởng một nền tảng hạ tầng quá quy chuẩn, bài bản được quy hoạch dựa sự phát triển kinh tế của thành phố mới Thủ Đức trong tương lai" - bà Tú nói.

Cũng theo bà Tú, nếu chọn nơi đây làm chốn an cư, những cư dân này là người có tầm nhìn xa khi thấy được bức tranh phát triển toàn diện của hạ tầng kinh tế-xã hội nơi đây.

Tổng giám đốc Phú Đông Group, Ngô Quang Phúc cũng cho rằng khu Đông từ lâu đã rất hấp dẫn, bởi đây là khu vực có vị trí tiếp giáp với 3 tỉnh nằm trong vùng tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam và cũng là địa phương có vị trí kết nối với các tỉnh phía Bắc.

"Khi 3 quận này được sáp nhập thành một thành phố phía Đông, sẽ tạo ra cú huých rất lớn, là thành phố đối trọng với khu trung tâm hiện nay của TP HCM, tạo sức hấp dẫn bởi có lợi thế về vị trí chiến lược và lợi thế về hành chính", ông Phúc nhận định.

Ông Phúc cũng cho biết với việc định hướng thành phố phía Đông là đô thị thông minh, nên thành phố này sẽ gắn liền với xu hướng hiện đại, số hóa. Vì vậy, trong tương lai, khu Đông sẽ là miền đất hứa cho giới trẻ, chuyên gia, những phân khúc như nhà ở thông minh sẽ là hướng ưu tiên của các chủ đầu tư bất động sản khu vực này.

Phạm Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM