Bất động sản hiện tại tương tự thời điểm khó khăn 2013: “Ngòi nổ” nào để thị trường "đảo chiều”?

16/02/2023 14:36 PM | Kinh doanh

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng: “Hiện tại, thị trường cần chính sách cụ thể, tác động trực tiếp vào người mua, bán bất động sản, ví dụ như gói hỗ trợ 70.000 đến 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 15-16% hoặc cao hơn”.

Bất động sản hiện tại tương tự thời điểm khó khăn 2013: “Ngòi nổ” nào để thị trường "đảo chiều”? - Ảnh 1.

Theo báo cáo tháng 1/2023 của Batdongsan.com.vn, có khoảng 456 doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới trong tháng đầu năm nay, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này dừng hoạt động có thời hạn lên đến 1448, tăng 54%, số doanh nghiệp giải thế là 153, tăng 18%.

Thị trường bất động sản bán đầu năm 2023 chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Lượt tìm mua (đại diện cho nhu cầu) và lượng tin đăng (phần nào phản ánh nguồn cung) của nhiều loại hình bất động sản từ nhà riêng, nhà mặt phố cho đến đất nền, đất dự án đều ghi nhận mức giảm đáng kể. Trong đó, đất nền và đất dự án có mức giảm sâu nhất, cụ thể, trong tháng 1/2023, lượng tìm kiếm đất giảm từ 56% đến 66%, số tin đăng giảm từ 66% đến 76% so với tháng 1/2022.

Bất động sản hiện tại tương tự thời điểm khó khăn 2013: “Ngòi nổ” nào để thị trường "đảo chiều”? - Ảnh 2.

Đánh giá về tình trạng thị trường bất động sản, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng thị trường hiện tại tương tự như thời điểm khó khăn năm 2013 và cần “ngòi nổ” để giúp thị trường đảo chiều. Vào năm 2013, khi ngành bất động sản khủng hoảng, giao dịch đình trệ, Chính phủ đã thông qua Luật đất đai sửa đổi, đồng thời ban hành gói kích thích 30.000 tỷ đồng với lãi suất 5-6%/năm dành cho phân khúc nhà ở xã hội. Những chính sách này đã giúp tạo lại thói quen giao dịch trên thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh: “Hiện tại, thị trường cũng cần chính sách cụ thể, tác động trực tiếp vào người mua, bán bất động sản, ví dụ như gói hỗ trợ 70.000 đến 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 15-16% hoặc cao hơn”.

Ông cũng nhắc đến bài học từ Trung Quốc, sau thời gian thị trường địa ốc trầm lắng kéo dài, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đưa ra chính sách 16+ hay gói hỗ trợ 5 tỷ USD nhưng rất khó để kích thích thị trường khi người dân đã có tâm lý và thói quen e ngại giao dịch bất động sản.

Chia sẻ về những nhân tố có thể giúp cho thị trường bất động sản sôi động trở lại thời gian tới, PGS.TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia Kinh tế - Vĩ mô, Giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh đến việc phải giải quyết ngay các vấn đề liên quan đến pháp lý cho các dự án bất động sản.

Trong một thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) công bố thì có tới 70% khó khăn của doanh nghiệp đến từ pháp lý. Vì vậy, việc tập trung vào giải pháp pháp lý chính là điểm mấu chốt giúp thị trường bất động sản tháo gỡ khó khăn ở thời điểm hiện tại.

"Đây là vấn đề quan trọng nhất, vì trong môi trường rủi ro như hiện nay, các hoạt động, dù bán lẻ hay các hoạt động M&A bán buôn bất động sản chỉ được thực hiện khi nhà đầu tư an tâm về tính pháp lý của dự án. Điều này nằm trong tay của các nhà điều hành và phải xử lý đầu tiên", ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo FiinGroup, giải pháp thứ hai kỳ vọng tạo cú hích cho thị trường bất động sản là hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp bất động sản bằng chính sách tín dụng cho người mua nhà (giảm lãi suất cho vay người mua nhà) và chính sách tái cơ cấu nợ (cho phép giãn nợ, hoãn nợ vay đến hạn phải trả trái phiếu doanh nghiệp và nợ vay ngân hàng).

Theo Phương Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM