Bất động sản đang giảm giá bằng nhiều cách

17/10/2022 09:35 AM | Kinh doanh

Hiện nay, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng. Tình hình thanh khoản sụt giảm đột ngột. Thay vì giảm giá, các chủ đầu tư đã tung ra các mức khuyến mãi, chiết khấu sâu để kích cầu.

Sau động thái từ ngân hàng kiểm soát chặt nguồn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao, trong đó có bất động sản, cộng thêm các vấn đề liên quan đến trái phiếu khiến nhiều chủ đầu tư trở nên “khát vốn”. Theo đó, cách tối ưu nhất để có nguồn vốn chính là tận dụng khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang gặp khó khăn về thanh khoản nên nhiều chủ đầu tư tung những chính sách ưu đãi khủng nhằm kích cầu mua sắm.

Đơn cử, dự án Moonlight Avenue (TP. Thủ Đức) mạnh tay chiết khấu tổng 40% khi người mua thanh toán vượt tiến độ đến 98%. Hay dự án HaNoi Melody Residences tại Linh Đàm (Hà Nội), tổng chiết khấu có thể lên tới 34 - 35% khi người mua thanh toán vượt tiến độ 95% giá trị căn hộ. Dự án nhà phố Bcons Plaza ở Dĩ An (Bình Dương) cam kết mua lại lô đất của khách hàng với mức lợi nhuận 40% sau 3 năm kể từ khi ký hợp đồng, tương đương lợi nhuận 13,3%/năm, đây được cho là mức cam kết lợi nhuận cao nhất thị trường.

Thực tế, việc các chủ đầu tư cam kết lợi nhuận, chiết khấu không xa lạ. Tuy nhiên, trước đó, mức chiết khấu cao nhất cũng chỉ khoảng 9 - 10%. Chưa bao giờ thị trường bất động sản lại có những mức chiết khấu sâu từ 30 - 40% như hiện nay, khi các chủ đầu tư đang khát tiền mặt. Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư còn tung ra những gói kích cầu khác nhau.

 Bất động sản đang giảm giá bằng nhiều cách  - Ảnh 1.

Trong bối cảnh, vốn tín dụng của ngân hàng chảy vào bất động sản bị hạn chế bởi room tín dụng và dòng chảy từ kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng bị siết chặt. Kéo theo là sức mua của thị trường ngày càng đi xuống.

Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia bất động sản cho biết, sức mua của thị trường đang yếu dần, tình hình thanh khoản trên thị trường thứ cấp giảm rõ rệt. “Nếu trước đây một dự án mở bán, số lượng khách đặt cọc có thể lên tới 90 - 100% trong vài tháng, nhưng nay chỉ có khoảng 50 - 60%, số còn lại có thể rất lâu mới bán được”, ông Hoàng nói.

Ông Hoàng dự báo, từ nay đến cuối năm kịch bản nhiều khả năng nhất là mức giá giữ nguyên và các chủ đầu tư tăng cường ưu đãi cho khách mua. Hiện các ngân hàng vừa được nới room tín dụng, nếu chịu tăng chiết khấu, kéo dài thời gian thanh toán thì chủ đầu tư vẫn có khách.

Bà Trang Bùi, Tổng Giám Đốc, Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, thị trường có dòng người mua thật và người mua đầu tư. Bất động sản là một sản phẩm đặc thù có giá trị rất cao, không phải kích là người ta sẽ mua được.

“Việc một số chủ đầu tư đưa ra chính sách bán hàng mới là một chính sách kích cầu nhưng không đóng góp vào việc giúp thanh khoản thị trường tốt hơn bởi thanh khoản nằm ở khả năng tài chính của đối tượng người mua”, bà Trang nói.

Còn theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, việc các chủ đầu tư tung khuyến mãi để kích cầu bán hàng không phải mới. Nhưng đây là lần đầu tiên thị trường có những mức chiết khấu sâu như vậy.

“Nhiều chủ đầu tư đang khát vốn khi tín dụng ngân hàng và trái phiếu đều thắt chặt, nên họ tìm tới dòng vốn từ khách hàng. Nhưng chủ đầu tư không muốn giảm giá bán đã công bố nên kích cầu bằng cách chiết khấu dành cho những khách hàng sẵn tiền mặt chi trả”, ông Điệp nói.

Ông Điệp cho rằng, khi các chủ đầu tư “đói vốn” để phát triển dự án, mạnh tay tung các khuyến mại, chiết khấu thì người mua được hưởng lợi vì có mức giá tốt. Tuy nhiên, người mua phải cân nhắc, xem xét uy tín của chủ đầu tư cũng như tiềm lực của họ. Trong trường hợp họ không còn khả năng tiếp tục phát triển dự án sẽ dẫn tới việc không đạt tiến độ bàn giao như cam kết. Thậm chí, trường hợp xấu nhất dự án bị đắp chiếu nhiều năm.

Theo Minh Tâm

Cùng chuyên mục
XEM