Bất chấp suy thoái, người tiêu dùng vẫn vung tiền ‘thả phanh’ khiến doanh số bán hàng của một tập đoàn xa xỉ phẩm tăng vèo vèo

29/01/2023 12:34 PM | Kinh doanh

Suy thoái cũng không ngăn cản được đam mê mua sắm đồ hiệu của mọi người.

Ảnh: Reuters

Doanh số bán hàng của tập đoàn hàng xa xỉ LVMH đă tăng 9% trong quý IV khi người tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ chi mạnh tay trong kỳ nghỉ lễ quan trọng, giúp bù đắp một phần sự gián đoạn do Covid gây ra.

Doanh thu của tập đoàn xa xỉ phẩm lớn nhất thế giới đạt 22,7 tỷ euro (24,65 tỷ USD) trong ba tháng cuối năm, với mức tăng 9%, cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích khi họ chỉ dự đoán mức tăng sẽ là 7%.

LVMH là một tập đoàn kinh doanh rượu mạnh, đồ trang sức, mỹ phẩm và thời trang và được coi là đầu tàu cho ngành công nghiệp xa xỉ phẩm rộng lớn hơn.

Người ta nói rằng vào năm 2022, chỉ riêng nhãn hiệu thiết kế nổi tiếng Louis Vuitton – nhãn hiệu lớn nhất thế giới cho đến nay – đã lần đầu tiên vượt qua doanh thu 20 tỷ euro (21,74 tỷ USD). Con số ấy chiếm khoảng ¼ tổng doanh thu của tập đoàn trong năm và tăng gấp đôi doanh thu của năm 2018.

Bernard Arnault là ông chủ của LVMH và cũng là người giàu nhất thế giới cho biết rằng LVMH đã tăng thị phần mỗi năm kể từ năm 2019. Ông nói nếu cứ theo đà này thì hẳn năm 2023 sẽ là một năm rất tốt.

“Sản phẩm của chúng tôi tiếp tục bán rất chạy mặc dù chúng rất khó tìm,” ông nói, nhấn mạnh tính độc quyền của thời trang và phụ kiện xa xỉ của tập đoàn.

Tập đoàn đã đề xuất mức giá cổ tức là 12 euro cho mỗi cổ phiếu, tăng từ 10 euro vào một năm trước.

"Louis Vuitton, Christian Dior, Celine, Fendi, Loro Piana, Loewe và Marc Jacobs đều đang giành thị phần trên toàn cầu và đạt mức doanh thu và thu nhập kỷ lục", nhà phân tích các mặt hàng xa xỉ phẩm là Luca Solca nói.

Cổ phiếu của LVMH đã đạt mức cao mới trong tháng này, lần đầu tiên mang lại cho tập đoàn hàng xa xỉ này giá trị vốn hóa thị trường là 400 tỷ euro và củng cố vị trí dẫn đầu cho công ty có giá trị nhất châu Âu.

Các nhà phân tích kỳ vọng sự trở lại mạnh mẽ của người mua sắm Trung Quốc bởi đây là những người mang lại nguồn lợi nhuận chính cho các thương hiệu high-end trước đại dịch. Sau 3 năm bị gián đoạn bởi Covid, đây là thời điểm để thúc đẩy lại sự phát triển cho ngành này.

Tuy nhiên, về tổng thể thì ngành kinh doanh xa xỉ phẩm vẫn sẽ có sự suy giảm sau hai năm tăng trưởng xuất sắc bởi nhu cầu ở Mỹ và châu Âu đều giảm do giá cả tăng cao khiến nhiều người phải thắt chặt hầu bao và chi tiêu dè dặt hơn.

Tham khảo Reuters

Theo Minh Phương

Cùng chuyên mục
XEM