Bão số 10, giá xăng vượt mức 18.000 đồng/lít khiến CPI tháng 9 tăng gần 0,6%

29/09/2017 14:24 PM | Kinh tế vĩ mô

Ảnh hưởng của bão đã làm giá thực phẩm tươi sống tăng 0,06%. Trong khi đó, 2 đợt điều chỉnh giá xăng trong tháng 9 làm chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,51%, làm tăng CPI 0,14%.

Hôm nay ngày 29/09, Tổng Cục Thống kế đã công bố các số liệu kinh tế vĩ mô trong 9 tháng đầu năm 2017.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2017 tăng 0,59% so với tháng trước, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,83% so với tháng 12 năm trước. Từ đó, CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,79%.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 9 nhóm hàng tăng giá: Nhóm giáo dục tăng 5%; Giao thông tăng 1,51%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,69%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%; Hàng hòa và dịch vụ khác tăng 0,11%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,08%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,66%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,05%; Đồ uống và thuốc là tăng 0,02%. Có 2 nhóm giảm: Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,08%; Bưu chính viễn thông giảm 0,04%.

Theo Tổng cục Thống kê, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 9/2017 bao gồm:

1. Do ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét nên giá thực phẩm tươi sống ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cao làm cho chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,14%, thực phẩm tăng 0,06%.

2. Chỉ số giá nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,18%, chủ yếu tăng ở mặt hàng sắt thép do giá nguyên liệu đầu vào như phôi thép, than điện cực chì tăng mạnh từ tháng 7 nên các nhà sản xuất thép đã tăng giá bán từ 5% - 10%.

3. Điều chỉnh giá xăng , dầu tăng hai đợt vào ngày 5/9/2017 và ngày 20/9/2017, giá xăng tăng 630đ/lít, giá dầu diezen tăng 650đ/lít làm cho chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,51% góp phần tăng CPI tháng 9 khoảng 0,14%.

4. Từ ngày 1/9, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 16.000đ/bình 12kh, tăng 5% so với tháng 8/2017, do giá gas thế giới tăng 50 USD/tấn lên mức 490 USD/tấn.

5. Giá dịch vụ y tế tăng 0,31% do tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Lào Cai được quy định trong Thông tư số 02/2017TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế.

6. Có 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, còn có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 9. Chúng là:

1. Giá thịt lợn giảm 1,13% do nguồn cung dồi dào và trong tháng Vu Lan người tiêu dùng sử dụng thực phẩm ăn chay nhiều nên nhu cầu thịt lợn giảm

2. Giá cát sau khi tăng mạnh ở các tháng trước, tháng này đã giảm mạnh từ 10% - 30% do các cơ quan quản lý kiểm tra, thanh tra các mỏ cát găm giữ hàng để đầu cơ giá

3. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm giá vé tàu hỏa vào cuối mùa hè nên chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,16% so với tháng trước.

Từ các yếu tố trên, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 9 năm 2017 được ghi nhận tăng 0,08% so với tháng trước, tăng 1,32% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ ước tăng 1,45%.

Vũ Hán

Cùng chuyên mục
XEM