Báo quốc tế nói gì về lệnh cấm xe máy ở Việt Nam?
Lệnh cấm dự kiến được ban hành vào năm 2030 sẽ là một bài toán khó.
Thật dễ dàng để nhận ra một người ngoại quốc ở Hà Nội. Cái dáng vẻ của họ sẽ không lệch vào đâu được: cúi người khi di chuyển qua các ngã tư, nhìn chằm chằm vào các phương tiện giao thông ngược xuôi – một cách sợ hãi. Cuối cùng, họ sẽ chờ đợi một đoàn hỗn tạp các phương tiện xe máy, xe đạp, xe đẩy, xe hơi và xe buýt để cùng nhau "sang đường".
New York Times thậm chí đã có hẳn một tin hướng dẫn cách để khách du lịch băng qua đường Hà Nội an toàn. Với hàng triệu chiếc xe máy trên đường phố - nhiều chiếc xe chở cả một gia đình năm người, hàng đống khung cửa sổ hoặc cả chục giỏ hoa - Hà Nội từ lâu đã trở thành một trải nghiệm ly kỳ, hoặc kinh hoàng cho những người mới đặt chân đến lần đầu.
Nhưng tất cả những điều này sắp thay đổi – hoặc ít nhất là người ta đang hi vọng thế. Sở giao thông và Hội đồng thành phố Hà Nội đã đồng ý cấm xe máy cùng xe tay ga vào năm 2030, để giảm bớt tắc nghẽn và ô nhiễm không khí. Chính phủ đã quyết định đầu tư mạnh vào giao thông công cộng, bao gồm hệ thống BRT, và đường sắt trên cao.
The Guardian nhận xét: "Nếu không hành động ngay bây giờ, Hà Nội sẽ phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng: tình trạng quá tải cơ sở hạ tầng và mức độ ô nhiễm cao, ảnh hưởng đến chất lượng khí thở trong thành phố".
Mặc dù người dân đồng ý rằng ô nhiễm là một vấn đề lớn và hầu hết người dùng xe máy đều đeo khẩu trang, nhưng hầu như chẳng ai tin rằng lệnh cấm sẽ cải thiện tình trạng tắc nghẽn hay ô nhiễm.
"Đồng ý rằng thật sự có rất nhiều xe máy trên đường, và không khí quá ô nhiễm, nhưng xe máy là phương tiện vận chuyển duy nhất của tôi. Giao thông có thể là một cơn ác mộng - đôi khi tôi bị kẹt trong một giờ, chỉ nhích được vài mét - nhưng không có xe máy thì tôi cũng chết: Tôi đưa con đi học, tôi đi làm, tôi gặp bạn bè đều bằng xe máy. Tôi cũng thử đi xe bus rồi, nhưng tôi phải đi xe ôm chỉ để đến trạm xe buýt, và phải đổi xe bus vài lần mới đến được chỗ làm. Đi thế mất một tiếng rưỡi, trong khi đi xe máy tôi chỉ mất 20 phút" – một người dân trả lời The Guardian.
Mặc dù các khoản trợ cấp của chính phủ để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng có thể giúp ích, nhưng chưa có kế hoạch nào để thu mua xe máy và xe tay ga phế liệu mà người dân sẽ sớm phải bàn giao vì không thể sử dụng nữa. Nhiều nhà có tới bốn xe máy trong một hộ gia đình – mỗi người một chiếc. Các trạm BRT, tất cả đều mới, nhưng rất ít người đi. Các làn đường dành riêng cho BRT thì vẫn còn rất đông xe máy sử dụng.
Lệnh cấm xe máy sẽ không ban hành trên thành phố, mà chỉ trong các khu vực có lưu lượng giao thông cao nhất. Hà Nội cũng có thể quyết định ban hành một khoản phí tắc nghẽn cho tất cả các phương tiện, tương tự như London, để giúp giảm bớt lưu lượng trong tương lai.
Nhưng đối với một thành phố đang phải vật lộn với tình trạng tắc nghẽn, thật kỳ lạ khi cho rằng taxi và xe hơi - kết hợp với giao thông công cộng - nên được sử dụng để thay thế thủ đô hai bánh xe phổ biến. Quy hoạch tổng thể của Hà Nội cho thấy giao thông công cộng sẽ chỉ chiếm 55% nhu cầu của thành phố vào năm 2030, The Guardian nhận xét.