Cục Hàng không: Việt Nam chưa có hãng hàng không nào dùng Boeing 737 Max

13/03/2019 08:22 AM | Xã hội

Cục Hàng không Việt Nam đã tạm dừng xem xét cấp các giấy tờ cho máy bay Boeing 737 Max của Vietjet về trong tháng 10 tới có thể khai thác. Thời gian dừng bao lâu, chấp thuận hay không phụ thuộc vào kết luận điều tra nguyên nhân tai nạn máy bay của hãng Ethiopian Airlines.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, hiện Việt Nam chưa có hãng nào khai thác máy bay Boeing 737 Max như dòng máy bay vừa gặp tai nạn.

Tuy nhiên, dự kiến tháng 10 tới Vietjet sẽ nhận từ Boeing chiếc máy bay B737 Max đầu tiên trong lô 100 máy bay đã ký.

Theo ông Cường, do Vietjet đã ký hợp đồng và có kế hoạch chuẩn bị nhận B737 Max, nên Cục Hàng không đã tiến hành các bước chuẩn bị đánh giá cấp chứng chỉ loại tàu bay, từ nhân lực tới chuẩn bị thông tin, kỹ thuật.

Phía Vietjet cũng báo cáo Cục về việc nhận tàu bay B737, tuy nhiên phía nhà sản xuất Boeing chưa cung cấp hồ sơ công nhận loại sang Việt Nam. Nên thực tế các bước xem xét, đánh giá cấp chứng chỉ loại cho tàu bay B737 Max vẫn chưa được tiến hành.

“Giờ nếu Boeing và Vietjet có nộp đủ hồ sơ, Cục Hàng không cũng tạm dừng xem xét, đánh giá để đợi kết quả điều tra nguyên nhân tai nạn vừa rồi”, ông Cường nói.

“Khi các nhà chức trách hàng không, đặc biệt Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và nhà chức trách hàng không châu Âu có quan điểm cụ thể, đánh giá, kết luận về nguyên nhân tai nạn, tính an toàn của dòng máy bay B737 Max, chúng tôi sẽ xem xét, đánh giá để cấp phép cho nhập loại máy bay này về Việt Nam khai thác. Thời gian tạm dừng tới khi nào hiện cũng không có quy định. Cục đã trao đổi với Vietjet vấn đề này”, ông Cường nói.

Về việc một số quốc gia tạm dừng khai thác dòng máy bay B737, theo ông Cường, điều này phù hợp thông lệ quốc tế. Theo đó, mỗi quốc gia cấp quốc tịch cho tàu bay đều có quyền đưa ra quyết định dừng khai thác tàu bay, khi họ thấy có vấn đề cần thêm thời gian để kiểm chứng, xác minh.

“Hiện quá trình điều tra tai nạn của hãng Ethiopian Airlines đang diễn ra. Trường hợp, FAA kết luận tai nạn có liên quan tới an toàn tàu bay và phải dừng khai thác, Việt Nam không lý gì lại cấp phép để đưa về khai thác. Như trên tôi nói, đây là cả quá trình, có thể mất nhiều thời gian”, ông Cường nói thêm.

Về các máy bay đang khai thác tại Việt Nam, theo ông Cường, Cục Hàng không và tất cả các nước, các hãng hàng không đều phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ về kỹ thuật, an toàn. Ngoài kiểm tra, giám sát định kỳ, thường xuyên, cục đều thực hiện kiểm tra đột xuất, giám sát đặc biệt, hoặc hỗ trợ các hãng hàng không tăng cường giảm sát như với Vietjet, Bamboo Airways.

“Hiện hoạt động khai thác tàu bay của Việt Nam chưa có vấn đề gì, nên quá trình trên vẫn thực hiện theo thông lệ, các hãng vẫn khai thác bình thường”, ông Cường nói.

Vừa qua FAA đã đánh giá và cấp Chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT-1) cho Cục Hàng không. Chưa kể các đánh giá của tổ chức hàng không khác, đây là sự thừa nhận của thế giới với năng lực quản lý của Cục Hàng không Việt Nam.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng, tất cả tàu bay thuê hoặc mua về Việt Nam dù của cá nhân hay tổ chức phải được Cục Hàng không cấp hoặc công nhận chứng chỉ loại tàu bay. Sau đó mới tới cấp phép khai thác cho từng tàu bay cụ thể (trường hợp máy bay mua mới sẽ được cấp quốc tịch).

Theo Lê Hữu Việt

Cùng chuyên mục
XEM