Báo Nhật phân tích vì sao Trung Quốc phục hồi kinh tế không phải toàn điều tốt đẹp

24/10/2020 20:40 PM | Xã hội

Việc Trung Quốc công bố tăng trưởng kinh tế trong quý III ở mức 4,9% đang tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đối với Tổng thống Donald Trump, nhất là khi nền kinh tế Mỹ đang khủng hoảng.

Tín hiệu tích cực?

Một mặt, điều này cho thấy Bắc Kinh đã hoàn toàn kiểm soát được đại dịch Covid-19, điều khó có thể nghĩ tới ở thời điểm này tại Mỹ. Trong khi đó, những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Trung Quốc cũng cho thấy sự linh hoạt trong điều hành chính sách của Bắc Kinh, khiến nhiều người không khỏi đặt lên bàn cân và so sánh.

Bất chấp điều này, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ từ chính sự hồi phục của nền kinh tế. Rủi ro đầu tiên có thể kể đến là sự tự mãn, khi tăng trưởng của Trung Quốc thực chất không mấy bền vững, mà trong đó phần nào đến từ hoạt động thương mại thiếu hiệu quả của chính quyền Washington.

Trước thời điểm đại dịch lan rộng từ Vũ Hán, việc Mỹ áp đặt thuế lên tới 500 tỷ USD lên hàng hoá Trung Quốc đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất khẩu của Bắc Kinh, dẫn đến hệ quả là nền kinh tế lớn nhất châu Á đã ghi nhận tăng trưởng trong năm ngoái ở mức thấp nhất trong 30 năm qua.

Theo đó, Tổng thống Trump tiếp tục đưa các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Huawei, Tencent, Byte Dance, hay Ant Group vào tầm ngắm.

Ở thời điểm khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, nhiều khả năng ông Trump sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc như một chiến lược nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ cử tri trong nước, ví dụ như các sắc thuế mới, đưa thêm công ty Trung Quốc vào danh sách cấm, tạo dựng chuỗi cung ứng mới…

"Bong bóng" rủi ro

Trong khi đó, có lẽ mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc là tập trung vào các chính sách thúc đẩy kinh tế. Năm 2021 được dự báo sẽ còn khó khăn hơn nhiều đối với hoạt động thương mại toàn cầu. Hiện số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ đã vượt 8,2 triệu ca khi đợt dịch thứ 2 còn chưa xuất hiện, qua đó làm dấy lên lo ngại về khả năng một đợt phong tỏa mới.

Tại châu Âu, nhiều nền kinh tế lớn như Đức, hay Pháp cũng đang phải đối mặt với số ca nhiễm tăng cao. Ở Nhật Bản, tín hiệu tích cực duy nhất đối với nền kinh tế có lẽ đến từ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc. Trong tháng 9, xuất khẩu của Nhật sang Trung Quốc đã tăng 14% so với thời điểm cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, thông điệp mà chính phủ Trung Quốc đưa ra là nước này có thể còn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao hơn, chuyên gia kinh tế Rob Subbaraman tại Nomura Holdings, nhận định.

Nếu không nhờ vào sự tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế thế giới có lẽ sẽ còn ảm đạm hơn nhiều.

Tuy nhiên, triển vọng ảm đạm của hoạt động xuất khẩu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự hồi phục của nền kinh tế nước này, và rõ ràng, một bộ phận của nền kinh tế sẽ vươn lên, trong khi số khác thì thụt lùi. Điều này có lẽ đến từ việc nền kinh tế Trung Quốc thay đổi để ứng phó với đại dịch.

Ngành bất động sản và công nghiệp đang là ưu tiên hàng đầu nhận các nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đã tăng 5,6% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành dịch vụ vốn là động lực lớn cho tăng trưởng bên cạnh xuất khẩu, đang chững lại, cùng với đó là hình ảnh ảm đạm của những khu chung cư không người ở.

Theo nhà kinh tế Michael Pettis từ Đại học Peking, vấn đề là Bắc Kinh sẽ chỉ có thể duy trì tăng trưởng kinh tế nhờ vào thặng dư thương mại và đầu tư công. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh chi tiêu sẽ khiến nợ công của Trung Quốc, vốn đã ở mức cao, tiếp tục rơi vào vòng nguy hiểm, Pettis cho biết.

Tất cả điều này cho thấy Bắc Kinh cần cân nhắc tới nhiều vấn đề, trong đó bao gồm việc kích cầu kinh tế một cách thận trọng mà không làm gia tăng gánh nặng về nợ, trong khi đó cần cải tổ nền kinh tế theo hướng giảm vai trò của doanh nghiệp Nhà nước và thúc đẩy sáng tạo.

Hiện Trung Quốc vẫn đang phải chật vật xử lý khoản nợ đến từ các nỗ lực thúc đẩy kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, chưa nói đến các khoản vay mới trong năm 2020. Một ví dụ điển hình là tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc China Evergrande, công ty này hiện đang nợ tới 120 tỷ USD. Điều này cho thấy các biện pháp hỗ trợ cho tăng trưởng từ phía Bắc Kinh sẽ càng làm phình to những "bong bóng" rủi ro.

Sự phục hồi của Trung Quốc sẽ không phải là đường thẳng, mà trong trường hợp lý tưởng nhất, sẽ là những đường zic-zac mà trong đó, các yếu tố bên ngoài sẽ là thách thức không nhỏ, điều mà có lẽ sẽ không hề thiếu trong thời điểm năm 2021 và những năm tiếp theo.

Minh Khôi

Cùng chuyên mục
XEM