Bao giờ các dự án 'ôm đất' bị thu hồi?
Trên địa bàn Hà Nội hàng loạt dự án “ôm đất” cả thập kỷ nhưng chủ đầu tư (CĐT) vẫn chưa triển khai. Trong thời gian này, CĐT biến nhiều khu đất thành bãi đỗ xe, nhà xưởng, trạm trộn bê tông… để kinh doanh thu lời, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, gây bức xúc trong dư luận.
Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (nằm trên địa bàn 3 phường Thịnh Liệt, Tương Mai, Hoàng Văn Thụ) vừa bước sang năm thứ…14. Năm 2004, nhà nước có chủ trương xây dựng khu đô thị mới Thịnh Liệt do Tổng Cty Xây dựng và Phát triển hạ tầng - Bộ Xây dựng (Licogi) làm CĐT. Thế nhưng, 14 năm nay, hơn 100 hộ dân trong vùng dự án vẫn sống trong cảnh "3 không": Không điện, không nước sạch, không hộ khẩu. Trong khi đó, một số diện tích đất sau GPMB được chủ đầu tư biến thành trạm trộn bê tông để trục lợi.
Tại huyện Thanh Trì, từ nhiều năm qua dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I nằm trên địa bàn xã Tân Triều thực hiện GPMB từ năm 2007 - 2008 nhưng đến nay vẫn chưa hoành thành. Tại khu vực dự án, UBND huyện Thanh Trì đồng ý cho phép Cty CP Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng (Indeco) xây dựng tạm văn phòng điều hành, nhà kho vật tư, nhà ở cho công nhân… Từ đây, đơn vị này đã "xẻ thịt" khu đất cho thuê, đồng thời xây dựng hàng chục nhà kho làm gara ô tô, nhôm kính, kho chứa hàng, trạm trộn bê tông… Những nhà xưởng này được dựng bằng những cột sắt, quây xung quanh bằng những tấm tôn trên diện tích từ 1.000 – 2.000 m2. Mỗi ngày, có hàng trăm xe bê tông, xe bồn, xe tải chở hàng các loại cày nát con đường hẹp đi vào khu cư dân, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Ngoài các dự án nêu trên, Hà Nội còn có rất nhiều "siêu dự án" treo nhiều năm khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ, mất an toàn. Đơn cử như khu đất rộng 28ha đối diện Trung tâm Hội nghị Quốc gia thuộc phường Yên Hoà (Cầu Giấy) và Mễ Trì (Nam Từ Liêm), sau 10 năm vẫn "đắp chiếu". Dự án đang được cho thuê làm kho bãi, nhà xưởng, lều lán tạm bợ cho công nhân ở các công trình khác…; Bệnh viên Đa khoa Quang Trung (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai), quy mô 700 giường bệnh chất lượng cao, giờ vẫn là bãi đất hoang dù đã chậm gần 8 năm so với tiến độ…
Trong lúc cuộc sống của người dân vẫn đang bị "xới tung" bởi những dự án "bánh vẽ" thì chính quyền lại tỏ ra thiếu quyết liệt với những công trình sai phạm nêu trên.
Tại án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I (xã Tân Triều), UBND huyện Thanh Trì đã có văn bản yêu cầu Cty Indeco tháo dỡ, di chuyển toàn bộ nhà xưởng tại khu đô thị Tây Nam Kim Giang I trước ngày 30/11/2017. Tuy nhiên, sau đúng 2 tháng từ văn bản của UBND huyện, Cty Indeco vẫn chưa tháo dỡ bất cứ nhà kho nào trên phần diện tích vi phạm. Trao đổi với Tiền Phong, đại diện UBND xã Tân Triều thừa nhận sự chậm trễ, đồng thời cho biết, xã đang trình phương án cưỡng chế tháo dỡ đối với các kho bãi trên.
Còn đối với trạm trộn bê tông Thịnh Liệt tại KĐT Thịnh Liệt, mặc dù đã quá thời hạn tháo dỡ cho phép theo chỉ đạo của UBND quận Hoàng Mai nhưng lãnh đạo UBND phường Thịnh Liệt vẫn cho rằng: Đang trong quá trình xử lý. Trong thời gian chờ đợi, trạm trộn bê tông này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành văn bản về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Lãnh đạo thành phố giao Sở TN&MT chủ trì, rà soát các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng còn tồn đọng chưa triển khai thực hiện được (nhất là các dự án, công trình trọng điểm) và các trường hợp có quyết định thu hồi đất từ trước ngày 10/7/2014; làm rõ nguyên nhân và kế hoạch, biện pháp khắc phục để đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả; báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/4/2018.