''Bão giá'' ở xóm chạy thận: ''Sau buổi điều trị là không thể ăn nổi, nên coi như tiết kiệm được 1 bữa"

19/07/2022 12:01 PM | Sống

Ai cũng biết, điều kiện sống nơi xóm chạy thận dù người khỏe cũng không thể chịu nổi huống chi là những cơ thể lay lắt trong cơn bạo bệnh. Nhưng có lẽ, cũng chẳng còn nơi nào rẻ hơn để giúp họ chống chọi với thời kỳ bão giá nơi thành phố xa hoa này.

"Xóm chạy thận" là cái tên quen thuộc mà người dân phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đặt cho con ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị. Nơi đây từ lâu đã thành chỗ lưu trú cho bệnh nhân chạy thận theo chu kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện ở Hà Nội.

11 giờ trưa, cái nắng gay gắt khiến cho không khí trong xóm trở nên ngột ngạt đến khó thở. Dưới lớp ngói fibro ximăng đã nứt vỡ, được vá bằng những tấm tôn và đan xen với những tấm nhựa mỏng, hơi nóng đổ xuống các căn phòng nhỏ, hầm hập như thiêu đốt. Phòng thì tối nhưng họ chẳng dám bật đèn, chiếc điều hòa được các mạnh thường quân ủng hộ cũng không dám sử dụng để tiết kiệm điện. Tháng cao điểm hè, nhiều nhất cũng chỉ dùng tới 60-70 số điện.

Trong căn phòng 4 mét vuông, nhiều bệnh nhân nằm bẹp trên giường chẳng màng dậy nấu cơm. Một phần vì họ đã quá mệt sau ca chạy thận, phần khác là nếu nhịn được một bữa coi như tiết kiệm thêm được chút ít.

Chị Nguyễn Thị Oanh (quê Hải Dương) đã chạy thận suốt 13 năm, mỗi tháng chi tiêu tằn tiện cũng mất khoảng 3-4 triệu đồng. Trong đó, tiền nhà, điện nước và thuốc là không thể thay đổi, chị Oanh chỉ biết giảm tiền ăn để cân đối chi tiêu.

"Gần đây, mọi thứ đắt quá, tăng 2-3 lần so với trước kia. Chai dầu ăn gần 60.000 đồng, tăng quá cao. Bình gas mới đổi là 400.000 đồng, cửa hàng nói giảm cho 20.000 đồng vì biết bệnh nhân khó khăn. Cái gì cũng tăng giá.

Bình thường khoảng 3h chiều tôi vào chạy thận, 8 giờ tối mới xong, về mệt lả không thiết ăn uống. Hai ngày chạy thận một lần, cứ sau buổi điều trị là không thể ăn nổi, nên coi như tiết kiệm được 1 bữa", chị Oanh than thở.

Nhìn vào đĩa cá khô chỉ có 4 con bé xíu, chị Oanh cười trừ cho biết, đây là thức ăn mặn trong 2 ngày. Tới gần bữa, chị nấu thêm canh rau ngót. Bó rau 10.000 đồng chia làm 3-4 bữa.

"Chạy thận thời gian dài, gia đình kiệt quệ hết rồi, nhà chẳng còn gì để bán. Ở quê, bán cả vụ lúa không đủ tiền sinh hoạt vài tháng trên này'', chị Oanh kể về cái khó ở xóm chạy thận.

Bão giá ở xóm chạy thận: Sau buổi điều trị là không thể ăn nổi, nên coi như tiết kiệm được 1 bữa - Ảnh 1.

Người dân nơi xóm chạy thận đã nghèo thì nay lại càng khó khăn hơn vì bão giá

Những ngày này thời tiết Hà Nội đều gần 40 độ C, bà Dương Thị Hoài (quê Nam Định) hết ngồi ở cửa phe phẩy chiếc quạt giấy lại đi vào phòng vì trong nhà còn nóng hơn ngoài đường. Ai ở cái xóm chạy thận này đều biết điều kiện sống như vậy là không đảm bảo nhưng vẫn phải chấp nhận. Bởi có muốn thì họ cũng không thể có tiền để đi thuê chỗ khác tốt hơn.

Thấm thoắt đã 12 năm bà Hoài bám trụ ở đất Thủ đô, cũng là 12 năm bà cụ hơn 70 tuổi chiến đấu với căn bệnh quái ác. Trong căn phòng trọ rộng chừng 8 mét vuông, bà Hoài thuê mỗi tháng hết 1,2 triệu. Bà Hoài bảo thế là đắt rồi. Thương mẹ, mấy đứa con bà Hoài gom góp mua cho bà chiếc điều hòa nhưng vì tiếc tiền nên nó luôn nằm im như đồ trang trí.

"Mang tiếng có điều hoà nhưng tiền điện 5 nghìn/số tôi không dám dùng. Ngày nào nóng đỉnh điểm thì ban đêm tôi chỉ dám bật 1 tiếng cho phòng hơi mát rồi tắt đi chứ không dám bật lâu. Tivi cũng chả dám xem vì sợ tốn điện. Các con gom góp lo cho mình tiền nhà, tiền thuốc men hàng tháng đã vất vả lắm rồi'', bà Hoài nói.

Xăng đắt, vé tàu xe cao, bà Hoài chẳng mấy khi về quê vì mỗi lần đi lại tốn kém. Tiền xe cộ cũng đủ cho bà trang trải thêm 1 tuần ở Hà Nội.

''Hơn chục năm ở đây bao nhiêu ngày khổ tôi cũng đã trải qua hết nên cũng chẳng có gì để sợ. Có sự sống thì khổ mấy cũng chịu được. Chồng tôi mất khi chưa đến tuổi được mừng thọ nên tôi chỉ ước mình sống được đến khi đó mà không biết có được không", bà Hoài tâm sự.

Bão giá ở xóm chạy thận: Sau buổi điều trị là không thể ăn nổi, nên coi như tiết kiệm được 1 bữa - Ảnh 2.

Nắng nóng, bà Hoài không dám mở điều hòa vì tốn tiền điện

Chị Thủy, người đã chạy thận 7 năm trong xóm trọ cũng không khá giả hơn là bao. Thậm chí, cuộc sống gia đình ở quê ngày càng khó khăn, kiệt quệ vì gửi chu cấp lên cho chị bao nhiêu vẫn không thấm tháp vào đâu so với giá cả đắt đỏ nơi thành phố.

"Ngày khoẻ, tôi cố gắng bán nước gần bệnh viện, kiếm đồng ra đồng vào. Ở quê, bán cả vụ lúa chả đủ tiền thuốc vài tháng. Người chạy thận đều có thêm bệnh khác, mua thuốc huyết áp nửa tháng 1,8 triệu đồng. Bỏ thuốc là chết, nên đành giảm tiền ăn. Đi chợ, cái gì cũng tăng giá, người bán nói do giá xăng tăng. Cứ đà này, có lẽ xóm này chỉ còn tiền mua mắm", chị Thuỷ thở dài trong cơn nghẹn đắng nơi cổ họng.

Mặt trời đã lên đỉnh, giờ cơm trưa đã quá bữa mới thấy nhiều người lục đục dậy mò mẫm nấu ăn. Nhà nào ''giàu'' mới có đồ tươi là 2 lạng thịt nạc ăn dè dặt. Còn lại thì có lạc, muối vừng, cà muối,...những thực phẩm rẻ nhất trong thời kỳ bão giá.

Ở cái xóm này, mọi người sẽ không hỏi nhau tuổi mà chỉ nhìn những cục u chi chít trên cánh tay nhiều hay ít là đủ hiểu có phải bệnh nhân kỳ cựu hay không. Họ còn nhìn thấy nhau ngày nào, thì biết ngày ấy. Nếu phòng nào đóng cửa cả buổi, hàng xóm phải sang kiểm tra ngay. Tuần qua, 3 người đã "ra đi". Trước dịch, xóm có hơn 140 bệnh nhân, chắc giờ còn hơn 110 người. 

Nếu giá cả cứ leo thang, chẳng biết những bệnh nhân nơi xóm chạy thận phải ''nhịn'' đến bao giờ.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM