Hà Nội bùng phát dịch cúm A, hơn 100 người nhập viện: Hướng dẫn xác định 9 triệu chứng và 3 cách chăm sóc người bệnh để phòng lây lan

18/07/2022 11:15 AM | Sống

Tuy cúm A có những biểu hiện giống cảm lạnh thông thường, nhưng chúng lại gây biến chứng nặng nề và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khoảng 2 tuần gần đây, số lượng bệnh nhân cúm A tới khám tại bệnh viện tăng cao với hơn 100 trường hợp. Trong số này, bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp diễn biến nặng, nhiều trường hợp xuất hiện tình trạng viêm phổi và đang phải theo dõi điều trị.

Đáng chú ý, bệnh viện đã ghi nhận một chùm ca bệnh cúm A gồm 20 công nhân tại một khu công nghiệp ở huyện Đông Anh. Các trường hợp này ở độ tuổi 20 - 30 tuổi. Thời điểm đến bệnh viện, các bệnh nhân đều có triệu chứng tương đối giống nhau như đau đầu, sốt, nhức mỏi người. Qua test nhanh, hầu hết các bệnh nhân đều cho kết quả dương tính với cúm A.

Theo lời kể của các bệnh nhân, ở khu công nghiệp họ đang làm việc còn xuất hiện rất nhiều trường hợp có triệu chứng cúm tương tự. Ngay ngày hôm sau, các bác sĩ của bệnh viện tiếp tục thăm khám cho hơn 10 bệnh nhi có triệu chứng cúm là người thân của nhóm công nhân này.

Hà Nội bùng phát dịch cúm A, hơn 100 người nhập viện: Hướng dẫn xác định 9 triệu chứng và 3 cách chăm sóc người bệnh để phòng lây lan - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám cho bệnh nhân mắc cúm A nặng ở Hà Nội. Ảnh: BVCC

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) mỗi tuần tiếp nhận 40-50 trẻ nhập viện điều trị cúm A. Trong số các trường hợp phải nhập viện, có nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, một số ca còn phải thở ô xy, chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, virus cúm ở nước ta phát triển mạnh vào mùa đông - xuân do điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm và ít xuất hiện vào mùa hè, vì thời tiết khô nóng. Tuy nhiên, năm nay bệnh cúm A gia tăng trái mùa, các bác sĩ đều cho rằng, có thể do thời tiết biến đổi thất thường, người dân đi du lịch, giao thương nhiều nên lây lan bệnh.

Cúm A là gì?

Cúm là bệnh lây nhiễm do virus cúm gây ra. Virus cúm được chia thành 3 nhóm A, B và C, trong đó, nhóm A là phổ biến nhất và nguy hiểm nhất, có khả năng lây lan trên diện rộng, đặc biệt là ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nếu không được chữa trị kịp thời.

Cúm A là bệnh cúm do virus nhóm A gây ra, điển hình như H1N1, H5N1, H7N9,…  Vật chủ tự nhiên của nhóm virus này là các loài chim hoang dã, gia cầm (gà, vịt, ngỗng) nên còn được gọi là cúm gia cầm.

Người bị nhiễm cúm A có nguy cơ gặp biến chứng và tử vong nếu không được điều trị tích cực, đồng thời, khả năng lây bệnh trên diện rộng là rất cao. Do đó, cần có cách chăm sóc người bị cúm A sát sao, cẩn thận để phòng tránh nguy hiểm cho cả người bệnh lẫn những người xung quanh.

Triệu chứng của bệnh cúm A

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh- Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, các dấu hiệu phổ biến của nhiễm cúm bao gồm: Ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể.

Đôi khi, các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi mà không cần các can thiệp điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, bệnh nhân nên tới khám với bác sĩ để tránh những biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu dễ dẫn tới nguy cơ bị các biến chứng liên quan đến cúm như trẻ em, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai. Những đối tượng này cần theo dõi triệu chứng và có hướng điều trị kịp thời khi bị nhiễm cúm A, vì trong một vài trường hợp cúm có thể dẫn đến tử vong.

Hà Nội bùng phát dịch cúm A, hơn 100 người nhập viện: Hướng dẫn xác định 9 triệu chứng và 3 cách chăm sóc người bệnh để phòng lây lan - Ảnh 2.

Cúm A có thể gây tử vong nếu không được điều trị phù hợp

Cách chăm sóc người bị cúm A đề phòng lây lan

Lưu ý chỉ chăm sóc người bị cúm A tại nhà khi có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là cách chăm sóc người bị cúm A để phòng tránh bệnh lây lan cho người thân.

1. Cách ly người bệnh

- Người bị cúm A nên nghỉ ngơi và sinh hoạt trong phòng riêng tối thiểu là 7 ngày, tính từ ngày xuất hiện các triệu chứng của bệnh cho đến 24 giờ sau khi các triệu chứng của bệnh không còn.

- Mọi sinh hoạt của người bệnh, kể cả ăn uống và đi tắm, đi vệ sinh cũng nên thực hiện trong phòng cách ly. Phòng này cần được bố trí thông thoáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Trường hợp phòng không có nhà tắm, nhà vệ sinh thì khi ra ngoài để vệ sinh cá nhân, người bệnh phải đeo khẩu trang che kín miệng, mũi và rửa tay sạch sẽ sau mỗi lần đi vệ sinh.

- Người bệnh không hoặc hạn chế ra ngoài. Nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang và hạn chế cầm, nắm, chạm vào những nơi hay những vật dụng mà người thân trong gia đình hay sử dụng để tránh lây lan bệnh.

- Người bệnh tuyệt đối không đứng gần hay tiếp xúc nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh cao như người già, trẻ em, người ốm yếu, có sức đề kháng kém,…

- Người bệnh nên ăn thức ăn mềm, loãng, dễ tiêu, đồng thời, uống nhiều nước và tăng cường bổ sung trái cây. Chỉ uống thuốc theo đơn của bác sĩ điều trị. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, nhất là những loại thuốc kháng virus.

2. Xử lý đồ dùng của người bệnh

- Phòng người bệnh luôn được dọn dẹp, vệ sinh mỗi ngày, nhất là giường ngủ và nhà vệ sinh.

- Vật dụng trong phòng người bệnh được lau chùi bằng hóa chất thường xuyên. Đối với trẻ em, đồ chơi của bé phải được rửa liên tục.

- Đồ dùng của người bệnh như chăn mền, gối nệm, quần áo, khăn lau,… được thay hàng ngày và giặt sạch, phơi khô liền sau mỗi lần thay.

Hà Nội bùng phát dịch cúm A, hơn 100 người nhập viện: Hướng dẫn xác định 9 triệu chứng và 3 cách chăm sóc người bệnh để phòng lây lan - Ảnh 3.

Cần thường xuyên vệ sinh đồ dùng, tay, chân...để phòng ngừa bệnh lây lan

- Tuyệt đối không tái sử dụng khẩu trang, khăn giấy,… của người bệnh. Chỉ sử dụng một lần rồi cho vào túi nilon, buộc lại và bỏ vào thùng rác. Đổ rác mỗi ngày, không để rác tồn đọng ngày này qua ngày khác.

- Dụng cụ ăn uống của người bệnh phải được rửa và khử trùng bằng nước sôi sau mỗi lần sử dụng.

3. Phòng tránh lây bệnh cho người thân trong gia đình

Vì cúm A rất dễ lây lan (qua tiếp xúc gần) nên cần hiểu rõ cách chăm sóc người bị cúm A sao cho an toàn, phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh:

- Khi tiếp xúc với người bệnh, mọi người phải đeo khẩu trang. Nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh cao như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai nên hạn chế hoặc tốt nhất là không tiếp xúc với người bệnh cho đến khi người bệnh khỏi hẳn.

- Rửa tay với xà phòng và nước sạch sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh hoặc chạm vào vật dụng cá nhân của người bệnh (mùng, mền, chiếu, gối, nệm, quần áo, khăn lau, chén dĩa,…).

- Tuyệt đối không dùng chung đồ với người bệnh. Mỗi người trong nhà nên sử dụng khăn lau, khăn tắm riêng.

- Nếu nhà sử dụng phòng tắm, phòng vệ sinh chung thì phải dọn dẹp, chùi rửa liên tục. Những khu vực sinh hoạt chung khác như phòng khách, bếp, phòng ăn phải được mở cửa để thông thoáng.

- Mỗi người trong gia đình cần đo thân nhiệt và theo dõi cơ thể để tự phát hiện những bất thường và nhanh chóng điều trị để tránh nguy hiểm cho bản thân thân lẫn gia đình.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM