Báo động tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, đề xuất ban hành "Luật không khí sạch"
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, các chuyên gia môi trường kiến nghị ban hành chính sách riêng để bảo vệ, kiểm soát chất lượng không khí tốt hơn.
Trong hai ngày gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội đều cho những kết quả trong ngưỡng kém và xấu ở các điểm quan trắc vào đầu giờ sáng. Đặc biệt, ngày 26/8, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội và các tỉnh xung quanh, thông qua các ứng dụng đo thời tiết như Air Visual hay Pam Air đều ở ngưỡng rất cao, từ 151-200, báo động đỏ ở hầu hết các vị trí trong nội thành.
Theo số liệu từ Cổng thông tin quan trắc môi trường của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí trung bình tính đến 26/8 là 118. Đây được đánh giá là mức xấu, nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em và phụ nữ có thai) tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài.
Hà Nội "chìm" trong không khí đặc quánh, mù mịt khắp nơi. Hầu hết các quận trong khu vực nội thành Hà Nội không khí đều bị ô nhiễm nghiêm trọng với hiện tượng mù dày đặc.
Một lớp bụi mỏng bao trùm Hà Nội trong ngày 28/6.
Tầm nhìn của người dân bị hạn chế khi tham gia giao thông, tiết trời oi nồng, khó chịu.
Hôm nay (27/8), Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội và Đại học Xây Dựng đồng tổ chức hội thảo "Chất lượng không khí Hà Nội: Thực trạng và định hướng giải pháp", nhằm phân tích, thảo luận và đề ra biện pháp cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.
PGS. TS. Bùi Thị An, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hà Nội, bày tỏ sự quan ngại về chất lượng không khí ở các thành phố lớn, như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, sự tăng dân số ngoài kế hoạch, hạ tầng xã hội tăng không kịp với nhu cầu cho nên ô nhiễm không khí tại Hà Nội, nhất là khu vực nội thành có lúc đã trở nên báo động, làm ảnh hưởng không chỉ sức khỏe người dân mà cả các hoạt động trong thành phố.
"Hà Nội cũng đã có một số giải pháp, tuy nhiên đây chắc chắn còn là câu chuyện dài, không chỉ của riêng Hà Nội mà còn những thành phố như: TPHCM, Đà Nẵng, các khu công nghiệp và của cả nước" - bà An nói.
Hội thảo đề ra vấn đề, hiện nay có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động xấu của bụi đến sức khoẻ, nhưng chưa có báo cáo chính thức đưa ra về tác động của nồng độ bụi mịn ở trong nhà ở tại Việt Nam. PGS. TS. Trần Ngọc Quang đưa ra kết luận rằng, phát thải từ phương tiện cơ giới trực tiếp ảnh hưởng đến nồng độ bụi mịn ở bên ngoài công trình, còn bên trong công trình thường do thói quen mở cửa cho thông gió tự nhiên.
PGS. TS. Bùi Thị An, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hà Nội. Ảnh: GreenID Việt Nam.
So sánh chất lượng không khí giữa hai thành phố khu vực châu Á: Hà Nội (Việt Nam) và Seoul (Hàn Quốc), PGS. TS. Nguyễn Đức Lượng, Trường Đại học Xây dựng cho biết: Nồng độ trung bình của bụi PM10, CO, O3 đo ở trạm 556 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội trong giai đoạn 2010-2016 cao hơn nhiều so với tại Seoul, Hàn Quốc.
Tại Hà Nội, nồng độ các chất ô nhiễm không khí (ngoại trừ O3) nhìn chung có xu hướng gia tăng trong mùa khô (mùa Thu và mùa Đông) tương đối khác so với tại Seoul, có thể do sự khác nhau về đặc tính nguồn phát thải và điều kiện khí tượng giữa hai thành phố. Xu hướng biến đổi theo các giờ trong ngày của một số chất ô nhiễm (PM10, CO, NO2) ở Hà Nội và Seoul khá tương đồng và thể hiện tác động của nguồn thải giao thông ở các giờ cao điểm tới chất lượng không khí.
Do đó, để đánh giá một cách toàn diện chất lượng không khí ở Hà Nội, cần thực hiện các nghiên cứu quan trắc, phân tích, đánh giá chất lượng không khí tại các khu vực, địa điểm khác nhau; nghiên cứu nhận dạng và đánh giá tác động của các nguồn thải khác nhau (giao thông, công nghiệp, sinh hoạt, xây dựng, đốt rơm rạ...) và điều kiện khí tượng tới chất lượng không khí đô thị.
Ngoài ra, bổ sung các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động liên tục cho Hà Nội; xem xét áp dụng các công cụ khác (mô hình, vệ tinh viễn thám...) để hỗ trợ thêm trong công tác nghiên cứu và quản lý chất lượng không khí.
Toàn cảnh buổi hội thảo sáng 28/7. Ảnh: GreenID Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cùng trao đổi và thảo luận về vai trò, sự phối hợp giữa các bên liên quan và các chính sách, giải pháp nhằm kiểm soát và quản lý chất lượng không khí. Giai đoạn từ nay đến năm 2020 mở ra nhiều cơ hội phát triển chính sách nhằm giải quyết những vấn đề về chất lượng không khí tại Việt Nam, đặc biệt khi chất lượng không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội đang là mối quan tâm của cả người dân và chính quyền các cấp.
Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh đến giải pháp nên ban hành chính sách riêng về bảo vệ môi trường không khí (ví dụ Luật không khí sạch); kiểm soát các nguồn phát thải lớn như xi măng, nhiệt điện, thép..; tăng cường sử dụng phương tiện công cộng; thúc đẩy các ngành kinh tế phát thải thấp; đồng thời cần nhiều hơn những nghiên cứu ô nhiễm không khí nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách.
Đối với người dân, mỗi cá nhân hãy chủ động nâng cao hiểu biết về vấn đề này để có cách bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân, nhất là cho các em bé. Chọn khẩu trang có khả năng ngăn được bụi mịn cũng như tránh hoạt động mạnh ở bên ngoài trời khi không khí ô nhiễm và chỉ số chất lượng không khí cảnh báo ở mức không tốt hoặc nguy hại cho sức khỏe.
Thêm vào đó, người dân hãy thay đổi thói quen sinh hoạt của mình như chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng hay hạn chế dùng bếp than, sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lương cũng như áp dụng các biện pháp để giảm thiểu giảm phát thải vào môi trường không khí.