Bảng xếp hạng các tỉnh thành xanh nhất Việt Nam: Quảng Ninh đứng đầu, TPHCM top 5, Hà Nội đứng chót

09/05/2024 10:09 AM | Kinh tế vĩ mô

Quảng Ninh có vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023. Các vị trí tiếp theo thuộc về TP. Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên và TPHCM.

Bảng xếp hạng các tỉnh thành xanh nhất Việt Nam: Quảng Ninh đứng đầu, TPHCM top 5, Hà Nội đứng chót - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Quảng Ninh.

Theo báo cáo Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Quảng Ninh là tỉnh có vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng. Theo sau là TP. Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai, Hưng Yên và TPHCM.

Báo cáo PCI-PGI 2023 được xây dựng từ thông tin phản hồi của 10.676 doanh nghiệp, trong đó có 9.127 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.549 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Bảng xếp hạng các tỉnh thành xanh nhất Việt Nam: Quảng Ninh đứng đầu, TPHCM top 5, Hà Nội đứng chót - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo PCI-PGI 2023.

Theo báo cáo, có mối liên quan giữa việc địa phương đạt điểm số cao hơn trong PGI 2023 với việc chất lượng không khí của địa phương đó có sự cải thiện đo đếm được trong một số chỉ số đo lường mức độ ô nhiễm.

Báo cáo khuyến nghị các tỉnh, thành phố quan tâm đến chất lượng môi trường, nên tập trung vào chỉ số thành phần 2 - Đảm bảo tuân thủ - để ngăn ngừa các tác động tiêu cực cho sức khỏe cộng đồng địa phương. Các địa phương đạt điểm cao hơn trong chỉ số thành phần 2 như Đồng Nai, Quảng Nam, Bình Thuận và Trà Vinh là những tỉnh được các doanh nghiệp đánh giá cao về tính nghiêm túc và công bằng khi thực thi các quy định môi trường.

"Nghiêm ngặt" ở đây nghĩa là địa phương có các biện pháp rõ ràng, cụ thể để ngăn ngừa ô nhiễm như kịp thời xử lý các doanh nghiệp vi phạm quy định môi trường, triển khai kịp thời việc thu gom chất thải rắn hoặc hóa chất xả ra môi trường trái phép. "Công bằng" ở đây nghĩa là công tác thanh tra, kiểm tra môi trường là cần thiết và cần phải thực hiện kỹ lưỡng song không tạo ra gánh nặng quá mức hoặc gây ảnh hưởng cho hoạt động của doanh nghiệp, được thực hiện đúng trình tự, thủ tục và mục đích theo quy định, không nhằm mục đích trục lợi, nhũng nhiễu và các yêu cầu khắc phục, các chế tài xử lý và mức phạt là hợp lý...

Với các địa phương quan tâm đến việc giảm bụi mịn trong không khí (bụi, đất, khói từ đốt cháy nhiên liệu trong công nghiệp hay phương tiện giao thông), báo cáo khuyến nghị nên tập trung vào chỉ số thành phần 3 - Thúc đẩy thực hành xanh.

Chỉ số thành phần 3 đo lường các nỗ lực của chính quyền tỉnh trong hướng dẫn, thúc đẩy doanh nghiệp "xanh hóa" quy trình sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và trong đẩy mạnh các hoạt động mua sắm xanh của cơ quan nhà nước tại địa phương. Bên cạnh đo lường tỷ lệ chi ngân sách cho bảo vệ môi trường của từng tỉnh, thành phố, báo cáo còn sử dụng các chỉ tiêu từ khảo sát năm 2023 để đo lường mức độ chú trọng của địa phương đối với mua sắm xanh, tức ưu tiên lựa chọn hàng hóa, dịch vụ cung cấp bởi các doanh nghiệp "xanh" và sẵn sàng trả giá cao hơn cho các doanh nghiệp này.

Sau khi thí điểm vào năm 2022, năm nay VCCI đã hoàn thiện và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.

Theo phân tích từ báo cáo PCI-PGI 2023, điểm số PGI cao tương ứng với chất lượng môi trường và khả năng ứng phó, chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu tốt hơn tại các địa phương. Tuy nhiên, chính quyền các tỉnh, thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm, triển khai các sáng kiến, giải pháp về môi trường tại địa phương, thiếu nguồn lực và năng lực chuyên môn, khả năng phối hợp trong xử lý các vấn đề vùng/liên vùng, hoặc doanh nghiệp chưa có đủ nhận thức và động lực thay đổi.

Chỉ số PGI được xây dựng nhằm đo lường chất lượng quản trị môi trường trên cơ sở các văn bản chính sách và quy định pháp luật về môi trường điều chỉnh mối quan hệ giữa chính quyền cấp tỉnh và doanh nghiệp.

Chỉ số này bao gồm 4 chỉ số thành phần: Có những nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và rủi ro thiên tai (chỉ số thành phần 1); Xây dựng và thực thi các quy định và biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp (chỉ số thành phần 2); Hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh (chỉ số thành phần 3); và Khuyến khích "xanh hóa" mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể (chỉ số thành phần 4).


Bình An

Cùng chuyên mục
XEM