Bằng Marketplace - ác mộng của các trang rao vặt online, Zuckerberg đã cho thấy mình đúng là truyền nhân của Bill Gates
Facebook cho biết sau hàng loạt thử nghiệm, công ty khá tự tin rằng đây chính là thời điểm vàng để đưa Marketplace lên sóng.
Người ta vẫn luôn nói rằng Mark Zuckerberg đang đi trên đúng con đường của Bill Gates ngày xưa. Cũng giống như cách Bill Gates từng làm với Microsoft , nếu đã không thâu tóm hay đánh bại được đối thủ thì Mark Zuckerberg thường sẽ tìm cách tiêu diệt họ bằng việc đưa ra các sản phẩm tương tự, nếu không muốn nói là giống hệt, rồi phân phối chúng cho lượng người dùng khổng lồ sẵn có của mình.
Từ Snapchat
Ví dụ có lẽ không thiếu, trong quá khứ, Facebook không bao giờ bỏ qua bất cứ cơ hội nào copy đối thủ non trẻ Snapchat kể từ sau vòng thương lượng mua lại với giá 3 tỷ USD bất thành vào năm 2013.
Kể từ đó, Facebook liên tục có những động thái "đạo nhái" Snapchat mà mở đầu là việc tung ra ứng dụng Slingshot vào năm 2014. Về cơ bản, Slingshot cung cấp cho người dùng đầy đủ các tính năng của Snapchat khi cho phép người dùng có thể gửi tin nhắn, hình ảnh tự hủy sau một khoảng thời gian được gửi đi.
Tháng 1/2015, Facebook lại tung ra ứng dụng cộng tác làm video nhóm mang tên Riff mà nhiều người cho là giống với tính năng Our Stories của Snapchat đến bất ngờ.
Lẽ ra nếu thành công, Riff có thể sẽ trở thành Instagram phiên bản video, tuy nhiên, ứng dụng yểu mệnh này rốt cục đã bị công ty mẹ gỡ bỏ cùng lúc với Slingshot chỉ một thời gian ngắn sau khi ra mắt.
Khó khăn là vậy nhưng đến tận bây giờ, Facebook vẫn kiên trì với chiến lược cạnh tranh này khi cóp nhặt các tính năng thu hút nhất của đối thủ để đưa lên các ứng dụng tách biệt.
Nếu thành công, Facebook sẽ liên kết hoặc tích hợp ứng dụng/tính năng đó vào app Facebook (tương tự như với Messenger), còn nếu chẳng may thất bại như Slingshot, Riff, Rooms, Quick Updates,... thì ít nhất gã khổng lồ Internet vẫn đạt được mục tiêu thử nghiệm, quan sát và học hỏi thói quen người dùng cho những màn comeback "độc đáo" tiếp theo.
Một số tính năng copy tiêu biểu vẫn còn được Facebook sử dụng đến nay là Instagram Stories (nhái Snapchat Stories) và tin nhắn tự hủy .
Bước đi này rất giống những gì Bill Gates từng làm với Microsoft và cũng cho thấy Mark Zuckerberg đang lãnh đạo theo đúng phong cách của Gates: Nếu không mua lại được thì sẽ diệt đối thủ bằng cách tung ra sản phẩm tương tự.
Cho đến Craigslist
Mạng xã hội khổng lồ mới đây tiếp tục cho ra mắt tính năng Marketplace cho phép người dùng đăng bán các món đồ hay shopping như trên các sàn thương mại điện tử (hiện tại mới đang giới hạn cho người dùng Anh, Mỹ, Úc, New Zealand).
Trên thực tế, Facebook đã khởi động dịch vụ tương tự - cũng được gọi là Marketplace – từ năm 2007 nhưng chưa bao giờ đạt được thành công.
Tuy nhiên, lần này, tình hình lại có vẻ khác. Một phần là bởi Marketplace phiên bản 2007 chỉ hoạt động trên máy tính, trong khi phần lớn người dùng Facebook hiện nay lại thường online trên mobile, nền tảng mà những trang rao vặt như Craigslist chưa hề đụng tới.
Smartphone cũng giúp Facebook thu thập được nhiều dữ liệu địa điểm hơn để ghép nối mọi người với các cửa hàng, khu vực mua sắm gần nơi họ sống.
Đây chính là lối "copy có tổ chức", bắt chước một cách có chiến lược khi vẫn định vị được đâu là điểm mạnh của mình để đè bẹp đối thủ. Thêm vào đó, lượng người dùng đông đảo không biên giới cũng sẽ trở thành thế mạnh giúp Facebook đối đầu với không chỉ Craigslist trên mọi thị trường mà còn cả các trang eCommerce khác trên toàn cầu.
Kết
Nhìn chung, ván cược mới lần này của Zuckerberg thành bại ra sao chưa ai biết nhưng có một điều gần như ai cũng có thể nói chắc chắn đó là trong tương lai, Facebook hẳn nhiên vẫn sẽ không dễ gì từ bỏ chiến lược nghiền nát đối thủ bằng "đạo nhái" và cộng động người dùng rộng lớn của mình.
Các startup nhỏ có lẽ nên dè chừng bởi ngay khi ứng dụng của bạn bắt đầu chứng tỏ được sức hút thì rất có thể đó cũng sẽ là lúc Facebook đưa bạn vào "tầm bắn hủy diệt" như đã từng làm với những "con mồi" trước đây.