Bán nước chấm, mì gói, nước đóng chai, KIDO có lợi thế gì so với Masan?

18/04/2018 15:02 PM | Kinh doanh

Theo lãnh đao của KIDO, một trong những lợi thế của KIDO chính là hệ thống phân phối 450.000 điểm bán khô, 70.000 điểm bán lạnh khắp cả nước.

Tại ĐHCĐ Tập đoàn KIDO ngày 18/4, lãnh đạo của tập đoàn cho biết, năm nay, KIDO sẽ tung ra sản phẩm mới là nước chấm, nước đóng chai và quay lại với mảng mì gói. 

Như vậy, các sản phẩm này sẽ phải đối đầu với các sản phẩm của Masan, một công ty cũng đang cung cấp sản phẩm như mì gói, nước đóng chai và các loại nước chấm.

Vậy so với Masan, KIDO có lợi thế gì?

Câu hỏi này được đặt ra tại ĐHCĐ của KIDO sáng nay. Trả lời câu hỏi trên, lãnh đạo KIDO cho biết, lợi thế đầu tiên của KIDO chính là kênh phân phối. Hiện KIDO đang có 450.000 điểm bán khô và 70.000 điểm bán lạnh ở khắp các khu vực thành thị và nông thôn. Những điểm bán này sẽ giúp phân phối hàng của KIDO đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất.

Bán nước chấm, mì gói, nước đóng chai, KIDO có lợi thế gì so với Masan? - Ảnh 1.

Nhiều công ty cùng ngành cũng có hệ thống phân phối tốt nhưng có công ty thì có hệ thống ở thành thị nhưng lại hạn chế ở khu vực nông thôn và ngược lại.

“Thị trường cạnh tranh là điều tất yếu. Ngoài hệ thống phân phối, chúng tôi sẽ sử dụng đội ngũ, dịch vụ để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, nhanh nhất”, lãnh đạo KIDO cho biết.

Ngành dầu, làm sao đối đầu với các đối thủ?

Năm 2017 là một năm thành công đối với Công ty cổ phần dầu thực vật Tường An, với mức tăng trưởng lợi nhuận 98,2%. Sau khi gia nhập KIDO vào cuối năm 2016, người ta thấy thương hiệu dầu ăn Tường An thay da đổi thịt một cách rõ ràng.

Bán nước chấm, mì gói, nước đóng chai, KIDO có lợi thế gì so với Masan? - Ảnh 2.

KIDO cũng đã mua 51% dầu Vocarimex. Với sự cộng gộp của cả Vocarimex và Tường An cùng với việc KIDO liên kết với Cái Lân, KIDO đang sở hữu hơn 30% thị phần dầu ăn tại Việt Nam, lãnh đạo tập đoàn cho hay.

Lợi thế của Tường An chính là thương hiệu hơn 40 năm cộng với Tường An có rất nhiều phân khúc, cả hạng trung và hạng sang để phục vụ khách hàng.

Tập đoàn dự kiến mua tiếp một công ty dầu thực vật liên doanh giữa Vocarimex với một công ty Malaysia. Hiện hai bên trong quá trình hoàn thành thủ tục để mua 51% vốn.

Năm 2017, KIDO ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu gấp 3 và lợi nhuận gần gấp 4

Năm 2017, KIDO đạt doanh thu 7.016 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm trước do hợp nhất doanh thu từ các công ty thành viên (Tường An: 4.338 tỷ đồng; Vocarimex: 4.387 tỷ đồng; KIDO Foods: 1.439 tỷ đồng) vào tập đoàn, tăng trưởng hơn 200% so với năm 2016. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của KIDO theo đó đạt 561 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 380% so với năm 2016 sau hơn 2 năm chuyển đổi, tập trung thâm nhập và chinh phục lĩnh vực thực phẩm thiết yếu.

Năm 2018, tập đoàn dự kiến tăng doanh thu hơn 70% và lợi nhuận hơn 40%

HĐQT Tập đoàn trình kế hoạch kinh doanh 2018 với doanh thu 12.000 tỷ đồng, tăng 71% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, tăng 43%. Dự kiến tỷ lệ cổ tức 2018 là 16% và bằng tiền mặt.

Trong cơ cấu doanh thu, dự kiến CTCP Dầu thực vật Tường An (Mã: TAC) chiếm 5.600 tỷ đồng, CTCP Công Nghiệp Dầu Thực Vật Việt Nam (Vocarimex, Mã: VOC) chiếm 4.400 tỷ đồng, CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (Mã:KDF) 1.800 tỷ đồng, Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Dabaco 300 tỷ đồng.

Năm 2018, KIDO thực hiện chiến lược chuyển dịch ngành hàng, thâm nhập vào thị trường thực phẩm thiết yếu có quy mô lên đến 250.000 tỷ đồng. Trong đó, dầu ăn 30.500 tỷ đồng; đường 22 600 tỷ đồng; nước sốt 23.900 tỷ đồng; nước uống 54.450 tỷ đồng và mì 33.400 tỷ đồng.

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, KIDO sẽ hướng đến mục tiêu khai thác hiệu quả thế mạnh cạnh tranh tại các công ty thành viên, Tập đoàn định hướng các đơn vị thành viên tập trung vào các vấn đề quan trọng nhất để tạo ra giá trị, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích và tăng trưởng.

Tập đoàn sẽ khai thác hiệu quả lợi thế chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối với 450.000 điểm bán lẻ trong ngành hàng khô và 70.000 điểm bán lạnh, đồng thời khai thác hiệu quả công suất sản xuất của 6 nhà máy.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM