Bạn nghĩ startup của mình có ý tưởng rất đột phá và sẽ dễ dàng gọi đầu tư? Sai bét! Nhà đầu tư chỉ coi nó đáng 3 xu thôi

12/08/2016 13:31 PM | Kinh doanh

Thực sự thì nhà đầu tư nhìn vào đâu để quyết định sẽ đầu tư vào startup này hay không? Đối với những nhà khởi nghiệp, đó vẫn luôn là một bí ẩn. Nhưng nếu bạn cho rằng ý tưởng hay sẽ giúp bạn mang được tiền về, hãy nghĩ lại.

Bạn vừa nghĩ ra một ý tưởng mà bạn cho là cực kỳ đột phá và nếu được áp dụng, cả thế giới sẽ dùng ứng dụng của bạn. Bạn tức tốc mang kế hoạch vĩ đại của mình đến gặp các nhà đầu tư với niềm tin chắc thắng rằng họ sẽ rót tiền vào cho mình. Tuy nhiên, điều cuối cùng bạn nhận được chỉ là cái lắc đầu.

Tức giận hơn nữa, sau đó chính quỹ đầu tư này lại đổ tiền vào cho một startup có ý tưởng gần giống với bạn, thậm chí còn kém sáng tạo hơn đôi chút.

Tại sao lại như vậy?

Đầu tiên, bạn hãy thử nhìn Rocket Internet. Công ty này chuyên cầm tiền đi đầu tư cho những startup “clone” . Nghĩa là các Startup này chẳng cần ý tưởng về một mô hình kinh doanh mới nào hết, điều họ cần làm, đó là áp dụng một mô hình đã thành công ở thị trường này sang một thị trường khác. Danh mục của Rocket Internet thì rất dài và rất nhiều startup thành công: Lazada, Zalora, Easy Taxi, Foodpanda,…

Rồi còn Didi của Trung Quốc, Grab của Malaysia sao chép mô hinh của Uber hay Xiaomi sao chép Apple,… Những nhà đầu tư Mỹ biết thừa điều đó và họ vẫn đổ tiền vào.

Nếu ý tưởng độc đáo chưa ai làm là ưu tiên số 1, sao những startup này có thể gọi vốn được?

Tại Việt Nam, điều này càng nhỏ hơn nữa vì thị trường Việt Nam còn một quãng rất xa so với thế giới, nên rất khó có chuyện chúng ta nghĩ ra được một thứ gì mới mẻ hoàn toàn. Nếu có, nhiều khả năng chưa ai làm là vì nó… phi thực tế.

Câu trả lời ở đây đó là điều thuyết phục nhà đầu tư chẳng liên quan mấy đến ý tưởng của bạn đâu. Đối với họ, ý tưởng của startup chỉ đáng giá 3 xu thôi, giá trị còn lại nằm ở vấn đề khác cơ.

Nhà đầu tư cũng muốn thay đổi thế giới đấy, nhưng họ vẫn ưu tiên đầu tư vào những thứ có thể thu lời cao hơn. Vì thế họ mới đổ tiền vào startup, với kỳ vọng là sau một thời gian dài, số tiền họ bỏ vào có thể tăng lên theo cấp số nhân. Chẳng hạn với Uber, khi mô hình kinh tế chia sẻ bùng nổ trên toàn cầu, Uber nhanh chóng tăng giá trị lên hàng chục tỉ USD. Dù tương lai của mô hình này hãy còn bất định, nhưng những người bỏ tiền cho Uber từ những ngày đầu chắc chắn là đã lãi to.

Mặc dù vậy, không phải Startup nào cũng thành công như vậy. Rủi ro lớn cũng khiến các nhà đầu tư cẩn trọng. Thử nghĩ mà xem, bạn đang xây dựng một startup mà tới 5 thậm chí 10 năm sau mới có thể “đạt được thứ gì đó”. Trong vòng 10 năm, mọi thứ có thể thay đổi theo hướng không một ai có thể kiểm soát.

Chỉ có một nhân tố có thể giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro và cơ hội thắng lớn. Đó là con người. David Packman, một chuyên gia từ quỹ đầu tư mạo hiểm Venrock cho rằng, rất nhiều thứ được startup vẽ vời ra sẽ thay đổi theo thời gian, và nhân tố có thể giải quyết vấn đề này đó là một ĐỘI NGŨ TỐT – những người có thể ứng biến tài tình trước những thay đổi.


Đội ngũ tốt mới là điều các nhà đầu tư quan tâm khi quyết định chọn một startup

Đội ngũ tốt mới là điều các nhà đầu tư quan tâm khi quyết định chọn một startup

“Vì thế, chúng tôi thường dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu đội ngũ sáng lập và nhóm của họ trước khi quyết định đầu tư”, Packman cho biết.

Đây là điều chúng ta ít khi nghe các startup Việt nhắc tới. Thường thì chúng ta sẽ nghe một nhà sáng lập nói rằng tôi có một ý tưởng tuyệt vời, chẳng hạn, một startup nhà hàng gọi vốn được 5 triệu USD nói rằng họ thành công nhờ concept chưa ai có kết hợp giữa phong cách ẩm thực châu Âu và châu Á. Kết quả, những lằng nhằng bên trong nội bộ sáng lập lại đang kìm hãm sự phát triển của hệ thống.

Mark Suster, giám đốc một quỹ đầu tư thì chỉ nhấn mạnh lý do đầu tư bằng một thông điệp như sau: Đội ngũ, đội ngũ, đội ngũ, thị trường, và đội ngũ.

Bạn thấy không, đội ngũ quan trọng gấp 4 lần rồi mới tới tiềm năng thị trường. Nếu đã cẩn trọng xem xét đội ngũ nhiều lần và thị trường đủ tiềm năng, việc tiếp theo các nhà đầu tư sẽ làm gì? Họ sẽ nhìn lại đội ngũ startup đó một lần nữa.

Chả ai thèm quan tâm tới ý tưởng.

Chúng ta thấy Elon Musk có một ý tưởng vô cùng vĩ đại về xe điện, có thể thay đổi hoàn toàn thói quen sử dụng xăng dầu hiện tại và được bơm hàng chục tỉ USD để phát triển, vậy ý tưởng của Elon Musk vô cùng giá trị?

Câu trả lời là ý tưởng này đáng giá vì nó là của … Elon Musk, một “dị nhân” trong làng công nghệ với nhiều startup nổi danh trước đó như Paypal. Ngược lại, vẫn là ý tưởng đó và bạn là một kẻ vô danh, chỉ nghĩ vu vơ và đội ngũ chẳng có gì đáng chú ý, câu trả lời luôn luôn là không.

Vì vậy, trước khi kêu gọi vốn đầu tư, đừng vội tự tin vào ý tưởng hay sẽ giúp mình dành chiến thắng. Hãy chứng minh cho nhà đầu tư thấy đội ngũ bạn vận hành trơn tru, kết hợp những con người khát khao dành chiến thắng, sẵn sàng đối mặt với thách thức như thế nào.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM