Bán ly trà sữa chỉ từ 15.000 đồng, một thương hiệu Việt mở được 80 cửa hàng không nhượng quyền, thu về hơn 550 tỷ mỗi năm

25/08/2024 07:23 AM | Bán lẻ

Khởi nghiệp với cửa hàng đầu tiên chỉ rộng 15 m2 từ số vốn 50 triệu đồng, tới nay số cơ sở của MayCha đã lên đến 80 và tất cả đều không nhượng quyền. Nhà sáng lập Phùng Anh Thế cho biết đã có lúc một cửa hàng của họ bán tới 4.000 ly trà sữa/ngày.

Bán ly trà sữa chỉ từ 15.000 đồng, một thương hiệu Việt mở được 80 cửa hàng không nhượng quyền, thu về hơn 550 tỷ mỗi năm- Ảnh 1.

MayCha xuất hiện trên Quảng Trường Thời Đại của Mỹ hồi tháng 11/2023.

"MayCha được thành lập vào năm 2018 bởi tôi và một bạn Co-founder. Cửa hàng đầu tiên chỉ rộng 15 m2 với số vốn 50 triệu đồng. Chúng tôi học về digital marketing và tài chính ngân hàng, nói chung là trái ngành, nhưng chung niềm yêu thích trà sữa và có cơ duyên sang Đài Loan 'tầm sư học đạo' với một 'sư phụ' trong ngành", ông Phùng Anh Thế - Founder thương hiệu trà sữa MayCha chia sẻ tại sự kiện Vietnam F&B Summit 2024 do iPOS.vn tổ chức.

Từng có thời điểm bán 4.000 ly trà sữa/ngày tại một cửa hàng, doanh thu cả năm hơn 550 tỷ đồng

Thời điểm MayCha gia nhập thị trường cũng là năm "bùng nổ" của ngành F&B. Dưới góc nhìn của ông Thế, những "ông lớn" như Phúc Long hay Highlands Coffee khi đó chi rất nhiều tiền để thu hút tệp khách hàng trung và cao cấp, trong khi tệp khách bình dân đông đảo nhất chưa được hướng đến nhiều. Founder MayCha đã nhìn thấy cơ hội và quyết định đầu tư nghiêm túc.

Theo menu được đăng trên fanpage Facebook của MayCha, sản phẩm rẻ nhất là trà xanh lài size M chỉ có giá 15.000 đồng, trà sữa truyền thống size M cũng chỉ 17.000 đồng. Tất cả các sản phẩm trong menu đều dưới 45.000 đồng (chưa tính topping gọi thêm).

Dù các cửa hàng chủ yếu tập trung bán mang đi, nhưng ông Thế không coi đây là mô hình tự phát, để nhân viên "tự thân vận động", mà mỗi cửa hàng đều được tối ưu đến từng chỉ số. Công ty đầu tư phòng đào tạo bài bản để hướng dẫn kỹ lưỡng cho toàn bộ 1.700 nhân viên.

"MayCha không nhượng quyền. Tất cả các cửa hàng đều nằm dưới ban điều hành của công ty. Chúng tôi phát triển mạnh nhất từ năm ngoái đến bây giờ. Tháng 3/2023 tôi chỉ có 30 cửa hàng, đến bây giờ đã là 80 cửa hàng.

Tất cả các cửa hàng đều đạt chỉ số lợi nhuận 18-23%. Trước đây vào lúc cao điểm, với khoảng 30 cửa hàng, có những cơ sở của Maycha bán được 3.000 ly, thậm chí 4.000 ly một ngày, với 12-13 nhân viên làm việc quần quật từ sáng đến tối", ông Thế chia sẻ.

Đề cập tới kinh nghiệm mở rộng số cửa hàng, Founder MayCha cho biết ngay từ ban đầu phải xác định xây dựng bếp trung tâm. Với MayCha, họ đã đầu tư hơn 20 tỷ để làm một bếp trung tâm, "đúng nghĩa là nấu tất cả mọi thứ tại đây". Hiện nay hơn 90% nguyên liệu của các cửa hàng đều được chế biến tại bếp trung tâm này.

Ông Thế tiết lộ tổng doanh thu cả năm của toàn bộ 80 cửa hàng MayCha là khoảng 555 tỷ.

Bán ly trà sữa chỉ từ 15.000 đồng, một thương hiệu Việt mở được 80 cửa hàng không nhượng quyền, thu về hơn 550 tỷ mỗi năm- Ảnh 2.

Founder MayCha chia sẻ tại sự kiện Vietnam F&B Summit 2024.

Tập trung vào cửa hàng vật lý trước khi mở rộng sang food-app

Một trong những dấu ấn của MayCha là từng xuất hiện trên màn hình quảng cáo LED của tòa nhà Nasdaq Tower giữa Quảng Trường Thời Đại của Mỹ hồi tháng 11/2023. Đây là một phần trong chiến dịch được GrabFood thực hiện nhằm tôn vinh các đối tác nhà hàng tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, khi được hỏi về kinh nghiệm bán trên các food-app (ứng dụng giao đồ ăn), anh Thế lại cho biết nên tập trung vào cửa hàng vật lý trước.

"Đâu đó cửa hàng vật lý vẫn đem lại lợi nhuận tốt hơn. Ứng dụng giao đồ ăn là công cụ thứ hai. Mọi thứ phải vận hành như vậy. Trước hết sản phẩm và dịch vụ của mình phải thực sự khác biệt, khiến khách hàng phải nhắc, nhớ đến", anh Thế đưa ra lời khuyên.

Founder MayCha nhìn nhận các nền tảng food-app giống như "đại siêu thị", nơi có sẵn rất nhiều khách hàng. Nhiệm vụ của các chủ quán là phải khiến quầy hàng của mình nổi bật. Ví dụ như hình ảnh phải chỉn chu, menu sắp xếp bài bản, tinh gọn.

"Mới đầu lên app chưa cần phải bán quá nhiều món, bởi như vậy khách hàng có thể sẽ phải suy nghĩ rất nhiều, kết quả là lướt trong vô vọng 2-3 phút rồi đi ra. Menu cần đơn giản nhưng trọng tâm, hình ảnh và giá thành rõ ràng.

Mình cũng phải có những sản phẩm dẫn. Đó là sản phẩm phải ngon, giá cost làm ra phải thấp để bán kèm những sản phẩm mà mình muốn đẩy, đem lại lợi nhuận nhiều hơn.

Không phải khách nào vào gian hàng cũng chốt đơn. Tỷ lệ trung bình của ngành F&B chỉ hơn 2-3%, tức là 100 người vào cửa hàng của mình thì chỉ 2-3 người thanh toán. 3% là mức cao nhất, ở Maycha chỉ khoảng 2,5 – 2,7%", ông Thế cho hay.

Một kinh nghiệm khác cho các thương hiệu mới được Founder MayCha đưa ra là nên đánh vào những thị trường ngách hơn một chút, nhằm phục vụ tệp khách hàng tuy nhỏ hơn nhưng không đụng độ trực tiếp với các "ông lớn".

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM