"Sơ hở" là đòi mở quán cà phê, nhưng gần 85% nhân sự ngành F&B nghỉ việc sau chưa đầy 1 năm, hơn 50% chủ quán "đau đầu" vì thiếu người

23/08/2024 13:34 PM | Bán lẻ

Nhân lực luôn là vấn đề đau đầu với ngành F&B, khi có tới hơn 80% lao động là thanh thiếu niên đi làm thêm để tăng trải nghiệm và thu nhập. Số liệu công bố mới đây cho thấy gần 85% nhân sự F&B tại Việt Nam nghỉ việc sau chưa đầy 1 năm, chỉ có 0,9% làm trên 5 năm.

"Sơ hở" là đòi mở quán cà phê, nhưng gần 85% nhân sự ngành F&B nghỉ việc sau chưa đầy 1 năm, hơn 50% chủ quán "đau đầu" vì thiếu người- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Mới đây trong khuôn khổ sự kiện Vietnam F&B Summit 2024, iPOS.vn đã công bố Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024, với điểm đặc biệt là phần nghiên cứu chuyên sâu về nhân sự ngành F&B dựa trên khảo sát với 1.307 đáp viên làm việc tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, chủ yếu tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Với lượng cửa hàng F&B ngày càng gia tăng, nhìn chung đây vẫn là ngành đóng góp nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Báo cáo của iPOS cho biết Việt Nam đang có gần 3 triệu nhân sự ngành F&B. Tuy nhiên, có tới 2.350.000 người là nhân viên part-time. Lượng nhân sự làm full-time chưa quá dồi dào, và hầu hết công việc full-time nằm tại các thành phố lớn hoặc khu du lịch.

Khảo sát của iPOS cho thấy hơn 80% lao động ngành F&B là thanh thiếu niên đi làm thêm để tăng trải nghiệm và thu nhập, do đặc điểm là số lượng đông đảo và giá rẻ, có thể đáp ứng được nhiều mô hình kinh doanh F&B khác nhau.

Nghịch lý nằm ở chỗ dù nguồn nhân lực dồi dào, có tới 50,7% doanh nghiệp F&B Việt Nam cho biết họ đang trong tình trạng thiếu hụt nhân sự. Vấn đề cốt lõi không nằm ở số lượng ứng viên, mà ở việc tìm kiếm những cá nhân đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, kinh nghiệm và phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.

Nhìn vào vòng thời gian làm việc trung bình của nhân sự F&B, tỷ lệ nhân viên làm việc dưới 1 năm chiếm tới 84,4% cho thấy mức độ ổn định của nhân sự ngành này rất thấp. Tình trạng "nhảy việc" này có thể dẫn đến nhiều hệ quả như chi phí tuyển dụng cao, giảm hiệu quả làm việc, khó khăn trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

"Sơ hở" là đòi mở quán cà phê, nhưng gần 85% nhân sự ngành F&B nghỉ việc sau chưa đầy 1 năm, hơn 50% chủ quán "đau đầu" vì thiếu người- Ảnh 2.

Nguồn: iPOS.

Tỷ lệ nhân viên làm việc trên 2 năm chỉ chiếm 4,1%, đặc biệt là trên 5 năm chỉ còn 0,9%, cho thấy rất ít người gắn bó lâu dài với ngành F&B. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân như mức lương và phúc lợi chưa hấp dẫn, điều kiện làm việc khắc nghiệt và cơ hội thăng tiến hạn chế.

"Vòng đời làm việc ngắn của nhân sự ngành F&B là một vấn đề đáng quan tâm. Để giải quyết, các doanh nghiệp cần có những chính sách phù hợp để thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và hấp dẫn", iPOS nhận định.

F&B là một ngành có thời gian làm việc đặc thù, khi các nhân sự phải đi làm trong thời gian nghỉ chung của mọi người. Do đó, nhiều nhân sự cảm thấy vô cùng khó khăn để có thể tiếp tục công việc lâu dài.

"Sơ hở" là đòi mở quán cà phê, nhưng gần 85% nhân sự ngành F&B nghỉ việc sau chưa đầy 1 năm, hơn 50% chủ quán "đau đầu" vì thiếu người- Ảnh 3.

Theo khảo sát về những khó khăn của nhân sự ngành F&B, có tới 26,6% không hài lòng với việc xếp ca. Các ca làm việc được coi là vất vả nhất gồm ca trưa (phục vụ cho khối dân văn phòng, ăn trưa/nghỉ trưa) và ca tối (sau 6h, phục vụ vui chơi). Ngoài ra, 22,30% thấy khó khăn khi đi làm ngày lễ.

IPOS chỉ ra điều bất ngờ trong khảo sát là chỉ có 3,6% nhân sự thấy công việc không an toàn và 4,6% cảm thấy F&B là công việc khắc nghiệt.

"Mặc dù đây là công việc có cường độ cao, nhưng hầu hết nhân sự F&B cảm thấy vui khi mang tới niềm vui và hạnh phúc cho khách hàng được phục vụ", iPOS đánh giá.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM