Bán lẻ và bất động sản Việt Nam là 2 miếng bánh hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhất
Theo thống kê của Diễn đàn M&A Việt nam, 5 thương vụ thâu tóm lớn nhất giai đoạn 2015-2016 có tổng giá trị 2,68 tỷ USD. Trong đó, 2 thương vụ lớn nhất thuộc ngành bán lẻ và 3 thương vụ còn lại thuộc lĩnh vực bất động sản.
Hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2015 đã đạt mốc kỷ lục trong 10 năm qua với giá trị 5,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2014.
Xu hướng M&A vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ khi chỉ trong 6 tháng đầu năm, giá trị đã lên tới 3 tỷ USD.
Quan sát các thương vụ M&A, có thể thấy xu hướng nổi bật nhất là M&A trong ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng, với mục tiêu thâm nhập và mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, còn có một số thương vụ bất động sản đáng chú ý. Dưới đây là 5 thương vụ lớn nhất, trong đó 2 thương vụ bán lẻ và 3 thương vụ là bất động sản.
1. Central Group mua Big C Việt Nam - 1,14 tỷ USD
Cuối tháng 4 vừa qua, tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group đã mua lại chuỗi bán lẻ siêu thị Big C Việt Nam từ tay tập đoàn casino (Pháp) với giá trị 1,14 tỷ USD. Thương vụ này giúp tập đoàn Thái Lan sở hữu 33 siêu thị cùng 10 cửa hàng thực phẩm tiện lợi và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn.
Central Group đã vượt qua tới 20 đối thủ trong và ngoài nước như Aeon (Nhật), Lotte (Hàn Quốc), BJC (Thái Lan), Saigon Coop, Masan...
2. TCC Holdings mua Metro Việt Nam - 711 triệu USD
Cũng trong lĩnh vực bán lẻ, đầu tháng 1/2016 vừa qua, Tập đoàn Metro AG của Đức đã có thông báo hoàn tất bán công ty Metro Cash & Carry Việt Nam cho tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan.
Metro Việt Nam bao gồm 19 siêu thị và nhiều bất động sản có liên quan đã được mua với giá 655 triệu euro, tương đương 711 triệu USD.
3. Mirae Asset mua Keangnam Landmark Tower 72 - 382 triệu USD
Giữa tháng 4/2016, Công ty chứng khoán Mirae Asset của Hàn Quốc đã quyết định bắt tay với tập đoàn AON BGN rót tổng cộng 500 tỷ won vào Keangnam Landmark 72, toà nhà giữ kỷ lục cao nhất Việt Nam với độ cao 350m.
Đây là khoản đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Mirae Asset. Vào tháng 9 năm ngoái, Mirae Asset đã lên kế hoạch giải ngân 1.200 tỷ won (1,05 tỷ USD) để đa dạng hoá danh mục đầu tư của mình.
4. Keppel Land mua Empire City - 234 triệu USD
Tổ hợp Empire City toạ lạc tại khu đô thị mới Thủ Thiêm do 2 đối tác trong nước là Bất động sản Tiến Phước và bất động sản Trần Thái sở hữu 50%, và 50% còn lại do đối tác nước ngoài Gaw Capital nắm giữ.
Theo Diễn đàn M&A Việt Nam, Keppel Land đã mua 100% Empire City với giá trị 234 triệu USD. Đây là dự án được cấp phép hồi tháng 6 năm ngoái, với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên tới 1,2 tỷ USD.
5. Mapletree Investments mua Kumho Asiana Plaza - 215 triệu USD
Cũng trong lĩnh vực bất động sản, tháng 6 vừa qua Tập đoàn Mapletree đã tuyên bố mua lại dự án Kumho Asiana Plaza tại Quận 1 TPHCM từ liên doanh Hàn Quốc là Kumho Industrial và Asiana Airlines.
Dù Mapletree không công khai số tiền nhưng các phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho rằng giá trị thương vụ lên đến 215 triệu USD. Đây là thương vụ lớn nhất liên quan đến tài sản tạo thu nhập tại Việt Nam, đồng thời phù hợp với chiến lược của tập đoàn.