Bạn khao khát được sang sống tại Nhật Bản ư? Nền kinh tế thứ 3 thế giới này đang đói ăn đấy
Theo hãng tin Bloomberg, ít nhất 2,3 triệu người Nhật đang lâm vào cảnh đói ăn và 1/6 dân số nước này có thu nhập quá thấp để duy trì chi tiêu lương thực cơ bản hàng tháng.
Nhật Bản là một nền kinh tế phát triển đứng trong top đầu thế giới. Nhắc đến quốc gia này, người ta thường liên tưởng đến sự thịnh vượng, lịch sự, thái độ làm việc nghiêm túc, chăm chỉ, những công nghệ phát triển vượt bậc, tiêu chuẩn sống cao và một nền công nghiệp phim khiêu dâm phát triển.
Tuy nhiên, có một sự thật trớ trêu là quốc gia có hơn 126 triệu dân này đang phải đứng trước nguy cơ đói ăn vì thiếu lao động và đất nông nghiệp. Chẳng phải tự nhiên mà giá cả sinh hoạt, thực phẩm tại Nhật lại thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới.
Nhật Bản hiện là nước nhập khẩu nhiều ngô trong top đầu thế giới, nhập khẩu đậu nành nhiều thứ 3 toàn cầu và 86% lúa mạch tại nước này phụ thuộc vào nhà sản xuất nước ngoài. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản vào năm 2011 cho thấy nước này chỉ có thể tự cung tự cấp được 39% lương thực, thực phẩm trong nước, thấp hơn rất nhiều so với mức 145% của Mỹ và 127% của Pháp.
1/6 dân số Nhật (khoảng 20 triệu người) có thu nhập khả dụng thấp hơn 100.000 Yên/tháng. Khoảng 2,3 triệu người Nhật đang đói ăn hoặc không đủ dinh dưỡng để sinh hoạt hàng ngày.
Cơn đói của gã nhà giàu
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới hiện nay và điều đó cho phép nước này nhập khẩu thêm lương thực để đảm bảo người dân không bị đói. Dẫu vậy, điều nguy hiểm là an ninh lương thực của Nhật phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nước ngoài nên giá thị trường lương thực quốc tế, giá dầu hay những biến động địa chính trị ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lương thực nước này.
Những lúc thiên tai khiến nông nghiệp trong nước bị ảnh hưởng khiến Nhật Bản gặp khó bởi họ không thể nhập khẩu kịp lương thực bù đắp trong khi chính quyền lại bảo hộ ngành nông nghiệp, khiến nhà sản xuất nước ngoài khó tiếp cận thị trường nông sản nội địa.
Cũng dễ hiểu khi Mỹ ưu tiên hỗ trợ Nhật Bản trong vấn đề lương thực, nguồn nước, đầu tư nông nghiệp. Không phải quốc gia nào cũng hào phóng được như Mỹ khi trên thế giới hiện nay, một số nước vẫn hạn chế việc xuất khẩu nông sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực trước diễn biến khó lường của thị trường, nhất là khi môi trường biến đổi ảnh hưởng nặng đến ngành nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết quốc gia này đứng cuối bảng về tự cung tự cấp lương thực trong số 12 nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Dù thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên từ sau Thế chiến thế giới II, kéo theo đó là đà tăng của tiêu dùng lương thực nhưng quốc gia này vẫn chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu trong nước.
Khoảng 16% số hộ gia đình đầy đủ vợ chồng tại Nhật hiện nay không đủ tài chính để cung cấp lương thực cần thiết cho con cái họ. Con số này nhảy lên 32% nếu tính cả những hộ gia đình có bố mẹ đơn thân. Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng những tổ chức phi chính phủ như Second Harvest Japan lại đang là nơi cưu mang hàng tháng cho các hộ gia đình khó khăn ở Nhật với các chuyến hàng thực phẩm tiếp tế hàng tháng.
Một trong những nguyên nhân chủ chốt nữa khiến Nhật Bản không thể tự cung tự cấp được lương thực là do lực lượng lao động ngày một giảm trước sự lão hóa của dân số. Tỷ lệ sinh thấp, tỷ lệ nghỉ hưu cao khiến các nông trại, nông trang ngày càng thiếu lao động. Năm 2009, Nhật Bản chỉ có 4% lực lượng lao động tham gia vào ngành nông nghiệp và lĩnh vực kinh tế này chỉ đóng góp được 1% GDP toàn quốc.
Số liệu của tổ chức FAOSTAT cho thấy dân số tại các vùng nông thôn Nhật tiếp tục suy giảm từ 35,4% tổng dân số vào năm 1996 xuống 32,9% vào năm 2011. Hiện Nhật bản chỉ có khoảng 2,6 triệu nông dân trong tổng số hơn 126 triệu người và độ tuổi trung bình của họ lên tới 65.
Đây là điều dễ hiểu khi giới trẻ Nhật không muốn theo đuổi nghề nông vốn vất vả và không có tương lai. Báo cáo của chính phủ Nhật năm 2012 dự đoán dân số nước này sẽ giảm xuống 87 triệu người vào năm 2060 và 40% dân số sẽ trên 65 tuổi.
Ngoài ra, sự bùng nổ của ngành công nghiệp, dịch vụ và du lịch khiến người nông dân Nhật ngày nay ưa thích bán đất hoặc cho thuê hơn là cày cấy bởi chúng đem lại nhiều lợi nhuận. Do đó, nông nghiệp ngày nay chỉ còn đóng góp khoảng 1,4% GDP cả nước, thấp hơn nhiều mức 9% GDP của năm 1960.
Thêm nữa, Nhật chỉ có khoảng 12% đất nông nghiệp, 3,1% đất ở và 66,3% còn lại là đất rừng không thể trồng trọt, khiến việc phát triển nông nghiệp trở nên cực kỳ khó khăn.
Cũng chính vì điều này mà Nhật Bản đang hướng đến hợp tác nông nghiệp với những quốc gia khác, hỗ trợ kỹ thuật cho những vùng nhiều lao động, đất đai để thu về nông sản thay vì tiếp tục dựa dẫm quá nhiều vào nhập khẩu. Thêm nữa, nước này đang tích cực đầu tư nông nghiệp sang Châu Á và Châu Phi để tìm kiếm nguồn cung lương thực khác ngoài những nguồn nhập khẩu chính hiện nay như Mỹ, Australia, Canada…
Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 39% lượng Calorie cơ bản cho dinh dưỡng toàn quốc vào năm 2006, mức thấp nhất trong 13 năm trước đó và là lần thứ 2 con số này xuống dưới 40% kể từ năm 1960. Tỷ lệ này tiếp tục duy trì đến năm 2010, thấp hơn nhiều so với mức 173% của Australia, 168% của Canada và 124% của Mỹ.
Số liệu vào năm 2008 cho thấy nông nghiệp Nhật Bản chỉ đáp ứng được gần 5% nhu cầu đậu nành trong nước và 13% các nhu yếu phẩm hàng ngày cho nấu nướng như dầu ăn. Tồi tệ hơn, 50% sản phẩm thịt của nước này phụ thuộc vào nhập khẩu.
Đói ăn vì người dân ngày càng "khôn mồm"
Trên thực tế, tỷ lệ đáp ứng Calorie của nông nghiệp Nhật Bản đã từng khá cao, vào khoảng 79% vào năm 1960 nhưng con số này liên tục giảm trong những năm sau đó. Nguyên nhân chính là thói quen ăn uống của người dân Nhật đã thay đổi đáng kể từ sau Thế chiến II khi dịch chuyển dân sang kiểu ẩm thực Phương Tây có lợi cho sức khỏe, qua đó tiêu thụ nhiều thịt cá hơn.
Lượng thịt tiêu thụ tại Nhật đã tăng 4 lần trong khoảng 1955-2005 trong khi tiêu thụ dầu ăn tăng 5 lần trong vòng 50 năm. Trong thời kỳ mới kết thúc chiến tranh, người dân Nhật ăn uống khá đơn giản với cơm, cá, rau... nhưng dần dần đời sống phát triển đã khiến các loại thực phẩm phương Tây ngày càng được ưa chuộng hơn, dẫn đến cung không theo kịp cầu. Hơn nữa, việc người già tăng cao khiến họ quan tâm đến sức khỏe và khẩu vị hơn, qua đó chuộng những loại thức ăn sang chảnh hơn.
Năm 1939, bình quân mỗi người Nhật tiêu thụ khoảng 28gr thịt/ngày, tương đương 10kg/năm. Ngày nay, mỗi người Nhật tiêu thụ khoảng 40kg thịt/năm.
Đây là 1 vấn đề khá đau đầu cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bởi nếu muốn đáp ứng đủ nhu cầu thịt đang ngày 1 tăng trong người dân, Nhật Bản sẽ phải dành 50% đất nông nghiệp hiện nay cho chăn nuôi, 1 điều không tưởng.
Tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp Nhật vào GDP
Tỷ lệ lao động Nhật trong ngành nông nghiệp (%)
Vào năm 2000, chính quyền Tokyo đã đặt mục tiêu tự cung tự cấp 45% nhu cầu trong nước nhưng mục tiêu này đã phải lùi lại. Vào năm 2015, Nhật Bản tiếp tục đặt ra mục tiêu 45% này và đặt thời hạn 10 năm để hoàn thành nó sau khi đã điều chỉnh giảm từ 50% trước đó. Tuy nhiên, kế hoạch này của chính phủ Nhật khiến nhiều chuyên gia hoài nghi sau khi đã nhiều lần thất bại.
Có 1 sự thật trớ trêu nữa là dù thiếu lương thực nhưng hàng năm, Nhật Bản vẫn lãng phí 18 triệu tấn lương thực vứt đi, con số gây sốc cho nhiều người vẫn tôn thờ tính tiết kiệm và tối giản của người Nhật.
Khi các siêu thị bắt đầu trống hàng
Hình ảnh những siêu thị trống hàng và người dân đổ xô đi mua hàng hóa tại Venezuela hiện đã không còn xa lạ gì với thế giới. Tuy nhiên, tình trạng trên cũng diễn ra với sản phẩm khoai tây lát đóng gói (Potato Chip) của hãng Calbee tại Nhật Bản khi những siêu thị trống trơn những gói hàng của hãng.
Nguyên nhân chính cho vụ việc trên là do hãng Calbee đã phải ngưng sản xuất một số dòng hương vị của sản phẩm khoai tây lát đóng gói do thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. Hàng loạt những cơn bão đổ bộ vào phía Bắc Hokkaido năm 2016 đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng nông nghiệp tại đây, đặc biệt là khoai tây.
Báo cáo của Bộ nông nghiệp Mỹ cho thấy lần đầu tiên trong 1 thế kỷ qua vùng Hokkaido hứng chịu 4 cơn bão trong thời kỳ gieo trồng. Khu vực này sản xuất tới 80% khoai tây cho Nhật Bản cũng như nhiều nông sản khác như cà rốt, ngô, bí đỏ...
Để đối phó với tình trạng này, công ty Calbee đã nhập khẩu thêm khoai tây từ Mỹ nhưng chất lượng không được đồng đều và khiến hãng không thể duy trì công suất.
Với sự tác động của thiên tai, giá nhiều mặt hàng nông sản như khoai tây tại Nhật Bản đã tăng mạnh. Một túi 4 quả khoai tây tại chợ Tokyo đã tăng từ 100 Yên lên 180 Yên (1,64 USD).
Nhật Bản cũng có cảnh thiếu hàng trên các kệ siêu thị
Không riêng gì khoai tây, một số mặt hàng khác như bơ cũng đang lâm vào tình trạng khan hiếm vài năm trở lại đây. Tình trạng dân số già khiến lượng lớn lao động nghỉ hưu đã làm các nông trại gặp khó để tìm nhân công, qua đó giảm sản lượng sữa bò.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Nhật cho thấy tình trạng thiếu bơ ở Nhật bắt đầu manh nha từ năm 2008 và đến năm 2010, nước này đã thiếu 7.000 tấn bơ, qua đó buộc Nhật Bản nhập khẩn cấp 10.000 tấn bơ vào tháng 10/2015. Năm 2016, quốc gia này cũng đã phải nhập khẩn cấp 2 đợt bơ từ nước ngoài với tổng khối lượng 10.000 tấn.
Hàng năm, Nhật Bản tiêu thụ khoảng 70.000-80.000 tấn bơ. Dẫu vậy, sản lượng sữa của Nhật đã giảm từ mức đỉnh 8,66 triệu tấn vào năm 1996 xuống 7,33 triệu tấn năm 2014. Số lượng lao động trong các trang trại sữa bò cũng giảm mạnh từ gần 28.000 năm 2005 xuống 17.700 vào năm 2015.
Bên cạnh đó, việc chính quyền Tokyo thiết lập hệ thống bảo hộ cho ngành nông nghiệp cũng khiến quốc gia này gặp khó khi đối phó với tình trạng thiếu hụt nông sản trong nước khi không thể nhập khẩu nhanh chóng sản phẩm từ nước ngoài.
Thậm chí, dù nguồn cung sữa đang giảm mạnh tại Nhật Bản nhưng mặt hàng này lại là trọng tâm bảo hộ trong những cuộc đàm phán thương mại Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Thủ tướng Shinzo Abe.
Theo Bộ nông nghiệp Mỹ, lệnh cấm nhập khẩu khoai tây từ Mỹ mới chỉ được Nhật Bản dỡ bỏ vào năm 2006 sau 54 năm thực hiện và loại nông sản này chỉ được nhập để sản xuất khoai tây lát đóng gói.