Bán hàng qua Amazon, Alibaba, tại sao vẫn ít doanh nghiệp làm được?
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện có khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon, trong khi đó số doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Alibaba có khoảng 100.000.
Như vậy, con số này còn rất nhỏ so với tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay.
Có nhiều ý kiến cho rằng các sàn Thương mại điện tử (TMĐT) như Alibaba hay Amazon họ có những quy định khá ngặt nghèo, chưa nói đến chi phí đưa hàng lên đây là không nhỏ, cùng với đó là khả năng ngoại ngữ của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) phải tốt mới tiếp cận được.
“So về sản phẩm, như trà bồ công anh bán trên Amazon, về mẫu mã thì thậm chí chỉ ngang như sản phẩm của một công ty của Việt Nam. Nhưng, tại sao họ bán được còn doanh nghiệp Việt thì không?”, đó là câu hỏi mà bà Tạ Thị Khánh Vân, điều phối dự án của Viện nghiên cứu phát triển Mekong nêu ra tại sự kiện tại TP HCM tuần trước.
Bà Tạ Thị Khánh Vân, cho biết, có đến 95% các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), họ thiếu rất nhiều các nguồn lực để có thể phát triển mạnh mẽ.
Trong đó bà Vân nhấn mạnh 3 yếu tố mà DNVVN thiếu đó là:
Thứ nhất là thiếu thông tin để có thể đàm phán những mức giá tốt hơn, nên dẫn đến bị ép giá.
Thứ hai DNVVN e ngại, không tự tin rằng, sản phẩm của mình có thể đưa ra nước ngoài.
Và thứ ba là rào cản khiến DNVVN không có kênh tiếp thị sản phẩm đúng. Doanh nghiệp nghĩ rằng, chi phí bỏ ra để tiếp thị ra một thị trường là quá cao.
Nhưng với công nghệ hiện nay, với việc sử dụng thông tin trực tuyến, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cùng các công cụ hỗ trợ trực tuyến thì chi phí này quá nhỏ bé để có thể mở ra một thị trường mới cho doanh nghiệp, bà Vân khẳng định.
Ông Phạm Khánh, chuyên gia huấn luyện về kinh doanh thương mại điện tử trên Amazon, từng trả lời câu hỏi về việc làm sao bán được hàng trên Amazon rằng: Quy tắc quan trọng trong kinh doanh trên Amazon là bán những sản phẩm khách hàng cần, chứ không phải bán những thứ mà doanh nghiệp có.