Bán giấc mơ, thao túng tâm lý,những bí kíp giúp Elon Musk sở hữu nhiều công ty cùng lúc, thành tỷ phú giàu nhất hành tinh
Với Elon Musk, những số liệu tài chính của công ty đều không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu.
Tờ Fortune cho hay mặc dù tỷ phú Elon Musk là người luôn gây nhiều tranh cãi nhưng những bài học về quản trị của nhà sáng lập Tesla này lại rất đáng để đem ra thảo luận.
Đặc biệt, việc Elon Musk thành công xây dựng nhiều startup và trở thành tỷ phú giàu nhất hành tinh cho thấy những phương pháp của ông có hiệu quả nhất định.
1. Bán tầm nhìn
Theo Fortune, thứ khiến Elon Musk thực sự thành công tạo nên cuộc cách mạng ngành xe hơi, lật đổ ô tô xăng truyền thống là việc bán niềm tin về viễn cảnh này và thu hút các nhà đầu tư.
Nói đơn giản, Elon Musk muốn các nhà đầu tư không nên nhìn quá kỹ vào các con số lợi nhuận cũng như tình hình hiện tại của Tesla bởi chúng sẽ chẳng có ý nghĩa gì so với viễn cảnh mà vị tỷ phú này cam kết.
Khả năng bán tầm nhìn, marketing ý tưởng và thao túng tâm lý của Elon Musk thực sự là một bài học quản trị đáng học hỏi khi chính chiến thuật này đã giúp ông thành công với cả SpaceX và hiện đang làm với Twitter-X.
Nếu không có chiến lược bán niềm tin cho nhà đầu tư tài tình thì Elon Musk sẽ chẳng đủ vốn để khởi nghiệp nhiều dự án được đến vậy.
Thêm nữa, nếu không có đà tăng giá cổ phiếu giúp tổng mức vốn hóa của Tesla lên 630 tỷ USD thì Elon Musk cũng chẳng có được cái danh người giàu nhất thế giới.
Ông cũng sẽ chẳng thể cầm cố cổ phiếu để đi mua Twitter, cũng chẳng thể dùng cổ phiếu thưởng để kích thích người lao động.
“Tôi ước tính tổng giá trị công ty sẽ tăng trưởng gấp 5, thậm chí gấp 10 lần so với hiện nay”, Elon Musk tự tin tuyên bố trong báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023 không như kỳ vọng của Tesla.
Nếu dự báo của Elon Musk là chính xác thì tổng mức vốn hóa của Tesla sẽ cao hơn 50% so với Apple hiện nay.
2. Coi thường số liệu tài chính
Trong các cuộc họp cổ đông, Elon Musk thường không bao giờ nói về việc tạo ra giá trị tài chính cụ thể như thế nào, cũng chẳng bàn sẽ làm thế nào để tăng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ra sao, hay thậm chí là không thèm đặt mục tiêu cụ thể cho các chỉ số này.
Trên thực tế, Elon Musk rất coi thường các chỉ số tài chính. Ví dụ đầu năm 2021, Elon Musk đã vượt mặt giám đốc tài chính của Tesla để ra lệnh mua 1,5 tỷ USD Bitcoin và cuối cùng phải bán phần lớn tiền số này năm 2022 với giá hòa vốn.
Trong khi đó, SpaceX được cho là đã lỗ đến 373 triệu USD đầu năm 2023 khi bán cắt lỗ tiền số mà Elon Musk đã mua.
Không dừng lại đó, các ngân hàng đã cho Elon Musk vay 13 tỷ USD để mua lại Twitter-X cũng đang thất vọng vì nhà sáng lập này chẳng cung cấp nổi thông tin tài chính hữu ích nào.
Elon Musk đã sa thải giám đốc tài chính của Twitter-X ngay khi lên nắm quyền và vẫn chưa tuyển người thay thế vì cho rằng chẳng quan trọng.
3. Đuổi việc liên tục
Elon Musk cho rằng việc không thay đổi bộ máy nhân sự liên tục và loại bỏ các nhân viên yếu kém sẽ không thể duy trì được hiệu quả tối đa của doanh nghiệp.
Đây là cách tiếp cận mà Cựu CEO Jack Welch của GE đã từng sử dụng khi sa thải 10% lao động hàng năm dù chúng khiến uy tín của công ty bị tổn hại nghiêm trọng.
“Elon Musk nói rằng việc sa thải 10% lao động hàng năm là điều hợp lý. Ông ấy cho rằng nếu không thay thế 10% nhân lực hàng năm bằng nguồn lao động tốt hơn thì công ty sẽ không giữ được hiệu suất làm việc cao nhất. Đây đơn giản chỉ là một bài toán về hiệu quả với Elon Musk”, kỹ sư Branden Spikes từng làm việc với Elon Musk ở SpaceX suốt 10 năm từ 2002 đến 2012 nhớ lại.
Theo Spikes, làm việc cùng Elon Musk đầy áp lực nhưng cũng cực kỳ hấp dẫn khi cải thiện được năng lực rõ rệt.
“Ông ấy chưa bao giờ sa thải ai đó mà không có lý do và nguyên nhân sa thải cũng chẳng cần phải quá to tát. Ví dụ bạn có thể mắc lỗi nhưng không thể tha thứ nếu tái phạm”, Spikes cho biết.
Ngoài ra, Elon Musk cũng tin tưởng các kỹ sư hơn là những chuyên gia ngành khác. Ví dụ ở SpaceX, gần 100% quản lý đều có chuyên ngành kỹ sư, bao gồm cả giám đốc nhân sự hay giám đốc tài chính.
4. Bỏ bộ phận truyền thông
Elon Musk đã loại bỏ bộ phận quan hệ công chúng (PR) của Tesla vào năm 2019 và cho đến hôm nay, đây là tập đoàn đại chúng duy nhất có quy mô lớn mà không có phòng PR.
Thậm chí tất cả các dự án khác của Elon Musk cũng không có bộ phận PR.
Thậm chí trong cuộc phỏng vấn cùng Morgan Stanley vào tháng 3/2023, Elon Musk còn chế giễu về việc cần tổ chức phòng PR cho công ty.
Theo vị tỷ phú này, Elon Musk mới là nguồn tin tức duy nhất về công ty và phải có tiếng nói lớn nhất, thu hút sự chú ý nhất bất kể là khen ngợi hay phản đối.
Đây có lẽ cũng là nguyên nhân khiến Elon Musk gây nhiều tranh cãi, nhưng vô hình chung lại quảng cáo miễn phí cho các dự án của mình.
5. Trốn thuế bằng cổ phiếu
Khác với những tỷ phú khác khi có tài sản bằng tiền mặt hay bất động sản, Elon Musk lại chỉ giữ tiền bằng cổ phiếu để tránh bị đánh thuế.
Về lý thuyết, cổ phiếu nếu chưa được hiện thực hóa thành tiền thì chưa đánh thuế và điều này khiến Elon Musk thích tích trữ tài sản trên sàn chứng khoán hơn là mua đất.
Bản thân nhà sáng lập Tesla được cho là đã bán hết bất động sản. Thậm chí trong thương vụ mua lại Twitter-X, ông cũng vay tiền ngân hàng chứ nhất định không chịu bán hết cổ phiếu Tesla đổi sang tiền mặt.
Hiện với 21% cổ phần tại Tesla, Elon Musk được cho là đang nắm giữ 137 tỷ USD chỉ riêng với cổ phiếu hãng xe điện này.
6. Hứa thật nhiều
Tờ Fortune nhận định Elon Musk luôn biết cách đưa ra những hứa hẹn to lớn, đem lại các cuộc cách mạng mới với quy mô rộng lớn.
Nhờ việc thuyết phục được các nhà đầu tư rằng Elon Musk vẫn đang thay đổi thế giới mà họ quên đi việc nhiều dự án của ông vẫn chưa hề có lợi nhuận, tiếp tục để vị tỷ phú này đốt tiền cho đến khi thành công.
Mặc dù đã có được thành công với Tesla và SpaceX nhưng một số dự án của Elon Musk vẫn chưa đem lại lợi nhuận thực sự ngoài những lời cam kết.
Thậm chí ngay cả với lời hứa về tăng trưởng của Tesla cũng khiến nhiều nhà đầu tư hiện nay hoài nghi, hay sự ra mắt dòng xe điện bán tải mới cũng chứng kiến việc Elon Musk thất hứa, trễ hẹn liên tục để rồi lùi lịch ra mắt.
Năm 2019, Elon Musk cam kết thế giới sẽ có 1 triệu taxi điện tự động chạy trên đường vào năm 2020, nhưng cam kết này vẫn chưa thành hiện thực. Lời hứa xe điện bán tải vào năm 2021 thì đã bị lùi đến tận năm 2024.
Hàng loạt những nghi ngờ về độ khó kỹ thuật trong việc sản xuất xe điện bán tải Cybertruck của Tesla cũng như chi phí quá cao khi đưa vào sản xuất quy mô rộng khiến nhiều chuyên gia hoài nghi về khả năng sinh lời của hãng ở dòng sản phẩm này.
Đó là chưa kể đến dự án Boring Company đào đường hầm giá rẻ và Tesla Energy bán 1.000 tấm năng lượng mặt trời mỗi tuần hầu như đã bị quên lãng dù Elon Musk từng cam kết như vậy.
7. Kiểm soát chặt chẽ
Đối với Elon Musk, công việc kinh doanh chủ yếu thuần túy là phát minh và kỹ thuật. Phần lớn các dự án của vị tỷ phú này là sáng tạo ra một phát minh mới với chi phí siêu thấp, tạo nên cuộc cách mạng ngành và hưởng lợi từ đó.
Năm 2008, Elon Musk đã dịch chuyển phòng làm việc của các kỹ sư thiết kế từ nơi riêng biệt ra nhà máy sản xuất lắp ráp để chứng kiến thành quả cũng như sửa sai nếu có vấn đề ngay lập tức.
Thậm chí vị tỷ phú này còn xây dựng hẳn một chỉ số gọi “Chỉ số ngu ngốc” (Idiot Index), qua đó đo lường chi phí sản xuất một bộ phận đã hoàn thiện là bao nhiêu so với chi phí nguyên liệu thô để tạo ra chúng.
Chỉ số này giúp Elon Musk tách biệt được các chi phí và tìm một quy trình sản xuất rẻ hơn để hạ giá thành.
Người viết tiểu sử Walter Isaacson cho Elon Musk nói rằng các kỹ sư của Tesla và SpaceX phải biết chính xác chỉ số ngu ngốc này cho từng bộ phận mà họ chịu trách nhiệm.
Mục tiêu của các kỹ sư này là sẽ phải hạ giá thành sản xuất xuống hoặc đối mặt với cơn thịnh nộ của ông chủ.
Hiện SpaceX đang tự sản xuất đến 70% linh kiện, trái ngược với ngành hàng không vũ trụ truyền thống khi thuê ngoài để chuyên nghiệp hóa và đẩy nhanh hiệu suất.
Mặc dù nhiều người so sánh Elon Musk với Steve Jobs của Apple nhưng vị tỷ phú này lại chẳng cho là vậy.
Mặc dù Steve Jobs cũng quản lý mọi khía cạnh trong sản xuất, thiết kế nhưng Apple vẫn thuê ngoài sản xuất iPhone hay iPad.
Trái lại, Elon Musk coi việc tự sản xuất các linh kiện trong hệ sinh thái khép kín của mình là điều kiện tiên quyết để có thể kiểm soát vận mệnh công ty.
8. Giành thị phần bằng mọi giá
Trong nhiều năm, Tesla đã đem lại lợi ích cho Elon Musk nhờ dẫn đầu thị trường xe điện.
Thế nhưng giờ đây mối quan tâm hàng đầu của ông chủ này không còn là đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận như cam kết với nhà đầu tư nữa mà là giành thị phần.
“Những thay đổi nhỏ về tăng trưởng lợi nhuận chỉ là phần rất nhỏ trong bối cảnh dài hạn tổng thể. Việc chú ý quá vào những con số này sẽ trở nên ngớ ngẩn”, Elon Musk tuyên bố.
Để tăng doanh số, Tesla đã hạ giá các sản phẩm xe điện của mình từ bình quân 65.990 USD/chiếc xuống chỉ còn 49.000 USD. Động thái này đã làm hạ tỷ suất lợi nhuận hoạt động từ 17,2% quý III/2022 xuống còn 7,6% cùng kỳ năm 2023.
Nhà sáng lập Tesla cam kết công nghệ lái xe tự động sẽ giúp lợi nhuận công ty bùng nổ như các tập đoàn công nghệ thông tin hay sản xuất phần mềm khác.
Tuy nhiên nếu canh bạc này thất bại thì Tesla sẽ chẳng khác gì một hãng xe bình thường đang “ế khách”, chỉ có khác chăng là doanh nghiệp bán xe này có tổng giá trị cao gấp 3 lần Toyota.
9. Than nghèo kể khổ
“Chúng tôi có thể thất bại như nhiều người từng dự đoán”, Elon Musk đã từng nói về cuộc phiêu lưu của mình với Twitter-X.
Việc Elon Musk luôn than vãn với các chủ nợ về tình hình yếu kém của Twitter-X không phải không có tác dụng.
Các ngân hàng đang mắc kẹt với khoản nợ 13 tỷ USD giành cho Elon Musk trong thương vụ này mà chẳng bán cho ai được khi tình hình kinh doanh bết bát.
Do đó khi Twitter-X ngày càng tệ thì cơ hội để Elon Musk mua lại các khoản nợ này với giá rẻ hoặc chiết khấu từ ngân hàng càng cao.
Đương nhiên, Elon Musk cũng phải lựa nhà đầu tư mà nói chuyện. Tờ Fortune cho hay với một số người như Hoàng tử Alwaleed bin Talal của Ả Rập Saudi hay nhà đầu tư Marc Andreessen thì Elon Musk lại hết sức ca ngợi triển vọng của Twitter-X.
10. Dự án phụ
Tại SpaceX, mục tiêu của Elon Musk là xây dựng phi thuyền đưa con người lên sao Hỏa. Thế nhưng công việc này đang thua lỗ nên Elon Musk phải tìm kiếm cách hỗ trợ bằng việc khởi động kinh doanh dự án phụ: Mạng lưới vệ tinh Starlink.
Dự án Starlink dễ làm và có thể sinh lời nhanh hơn so với việc đưa con người lên sao Hỏa.
Hiện SpaceX đang khởi động kinh doanh 4.400 vệ tinh của mình trên nhiều thị trường, đồng thời đặt mục tiêu mở rộng lên đến 30.000 vệ tinh để kiếm lợi nhuận tài trợ cho giấc mơ chinh phục sao Hỏa của Elon Musk.
*Nguồn: Fortune