Bạn có thể đào tạo bất cứ ai về kỹ thuật của hầu hết mọi công việc, nhưng bạn không thể đào tạo tính cách cho họ
Bài học quan trọng tôi học được từ nhân viên của mình
Tôi đã gặp Donald vào đầu tháng 1 năm 2005. Anh ấy làm nhân viên tạp vụ để vận chuyển đồ đạc văn phòng qua địa điểm mới nơi tôi làm việc. Sau khi vận chuyển xong, Donald được trở thành nhân viên chính thức và toàn thời gian.
Được nhiều người biết đến là "Big Don", Donald sở hữu tính cách cực kỳ cuốn hút và có một giọng cười giòn giã. Và điều tuyệt vời nhất tôi có được ở công ty trong 2 thập kỷ qua chính là tình bạn với anh ấy.
Anh qua đời vào tháng 3 năm 2010 sau khoảng 1 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư. Lúc đó anh chỉ mới 45 tuổi.
Tôi là sếp của anh ấy, nhưng theo nhiều cách, anh ấy là người cố vấn của tôi:
#1. Tính cách quan trọng hơn kiến thức
Donald là một trong những người làm việc chăm chỉ nhất và tôi đã rất vui khi có anh trong công ty của mình. Anh ấy luôn là người được giao cho làm những công việc chân tay nặng nề nhất. Bởi vì cửa hàng mới của chúng tôi có ít không gian hơn so với cửa hàng cũ, nên chúng tôi phải sử dụng xe kéo phía sau cửa hàng để đựng các thùng đồ nội thất nặng nề. Những chiếc xe kéo này phải được sắp xếp lại thường xuyên khi mà một món đồ nội thất được bán đi. Và chính Donald là người luôn dành hàng giờ để làm việc, người thì ướt đẫm mồ hôi.
Và khi bộ phận IT của công ty đang tuyển vị trí toàn thời gian, Donald đã ứng tuyển. Anh không hề khù khờ, nhưng tôi thừa nhận lúc đó tôi đã tự hỏi liệu anh có thể phù hợp cho một vị trí hoàn toàn phụ thuộc vào kiến thức kỹ thuật máy tính không, vì trông anh giống như một người không có những kiến thức này. Đây cũng là khoảng thời gian chúng tôi mới bắt đầu cung cấp dịch vụ công nghệ cho khách hàng, vì vậy người ở vị trí Công nghệ bắt buộc phải có kiến thức về máy tính - dịch vụ và có thể bán chúng.
Donald được nhận vào vị trí đó và điều hành công việc. Anh ta nhanh chóng học được những kiến thức cần thiết, nhưng quan trọng hơn, anh sở hữu một tính cách cực kỳ cần thiết khi nói chuyện với khách hàng, ở cấp độ của khách hàng và tìm giải pháp tối ưu cho nhu cầu của họ.
Nếu trước lúc nói chuyện, anh ấy và bạn không phải là bạn bè của nhau, thì sau khi nói chuyện, 2 người sẽ thiết lập mối quan hệ. Khả năng kết nối với mọi người, giúp họ cảm thấy thoải mái, khiến anh trở nên xuất sắc trong vai trò mới.
Trên thực tế, Donald rất giỏi bán hàng, đến nỗi đôi khi số tiền hoa hồng anh ta nhận được từ việc bán hàng khiến cho tiền lương của anh còn nhiều hơn cả tôi!
Một trong những niềm tin vững chắc khi tôi huấn luyện đội ngũ của mình trong nhiều năm qua là: "Bạn có thể đào tạo bất cứ ai về kỹ thuật của hầu hết mọi công việc, nhưng bạn không thể đào tạo tính cách."
Donald là mẫu mực của niềm tin đó.
#2. Gia đình quan trọng hơn bất kỳ thứ gì trong cuộc sống
Donald có một gia đình lớn, và tôi đã may mắn được biết và làm việc với nhiều người trong số họ. Tình yêu mà anh dành cho vợ và niềm tự hào mà anh dành cho năm đứa con của mình được thể hiện rất rõ mỗi khi anh nói về họ. Hai đứa con ruột và con rể của anh ấy làm việc tại cửa hàng với tôi, và họ cũng là một trong những nhân viên giỏi nhất mà tôi đã từng làm việc.
Tất cả mọi thứ Donald làm, là làm cho gia đình mình. Cho dù đó là làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình hoặc huấn luyện đấu vật cho con trai lớn của mình, Donald không bao giờ đặt công việc hay các hoạt động khác của mình làm ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời.
Đôi khi, trong quá trình theo đuổi sự giàu có hay địa vị, thật dễ dàng đánh mất những gì thực sự quan trọng. Nhiều người bỏ bê những người thân yêu của mình khi thăng chức trong một công ty. Rồi cuối cùng, vị trí đó dễ dàng bị thay thế trong tích tắc nếu điều đó là có lợi cho công ty.
Tôi không phải hoàn toàn bỏ bê gia đình của mình để theo đuổi thành công trong sự nghiệp, nhưng đôi lần tôi suýt nữa là đánh mất nó. Chính vì nghĩ đến Donald và gia đình của anh ấy đã giúp tôi không bị lạc hướng.
# 3. Đảm bảo rằng nhân viên biết bạn đánh giá cao họ như thế nào
Tôi muốn Donald biết rằng tôi đánh giá cao anh ấy như thế nào - không chỉ về sự chăm chỉ và kỹ năng bán hàng mà còn vì tình bạn của anh ấy. Tôi biết tôi đã đôi lần nói với anh ấy điều này rồi, và tôi cũng một vài lần đưa anh ấy vào các giải thưởng được công nhận hàng tháng. Nhưng tôi không tự tin rằng mình đã thể hiện đủ.
Khen ngợi những nhân viên xuất sắc là điều nên chiếm một phần lớn trong ngày làm việc của người quản lý. Và ngay cả những nhân viên không xuất sắc cũng xứng đáng được lắng nghe và giúp đỡ nhiều nhất có thể. Quan trọng là, với tư cách là một nhà quản lý, nhân viên phải là nguồn lực quan trọng nhất. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi luôn đối xử với họ theo cách đó.
Donald đã không đi làm nhiều sau khi anh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, và nó dần giết chết anh, vì vậy trong năm cuối cùng, tôi coi anh là một người bạn hơn là một nhân viên. Nhưng dù là ai, cho dù đó là một nhân viên hay một người bạn, đôi khi bạn không có cơ hội thứ 2 để nói với ai đó rằng họ quan trọng với bạn như thế nào.
Nếu bạn là người quản lý, hãy đảm bảo bạn dành thời gian cho hôm nay - và mỗi ngày - để nói với ít nhất một nhân viên rằng bạn đánh giá cao họ như thế nào.