Bài học từ nhà sáng lập Daewoo: Không phải học sinh giỏi, chính những em hay gây rối mới cần được quan tâm và khám phá tiềm năng vô hạn!
Là một trong những học sinh tệ nhất lớp và hay gây rối của trường cấp 3 Kyowgi, nhờ sự quan tâm và dìu dắt của người thầy, cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo Kim Woo-Choong đã dần dần trở nên nghiêm túc. Khi sắp tốt nghiệp, ông là một trong những người có điểm cao nhất trường Kyowgi.
“Tôi muốn nói đôi lời với các bậc phụ huynh và thầy cô giáo vấn đề này. Không phải mọi sinh viên đều là sinh viên giỏi cả và một số trong họ là những kẻ gây rối. Và chính những học sinh đó mới cần đến sự quan tâm và săn sóc của các bậc phụ huynh và thầy cô”, ông Kim Woo-Choong - nhà sáng lập kiêm cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo – tâm sự trong cuốn hồi ký của mình.
Hãy quan tâm tới những học sinh cá biệt, Edison còn bị đuổi khỏi trường cơ mà!
Trong thời buổi lộn xộn sau chiến tranh Triều Tiên, cậu sinh viên Kim Woo-Choong phải bỏ học chừng 1 năm vì kinh tế khó khăn. Khi quay lại trường, việc học trở nên vất vả, điểm không được khá cho lắm và hạnh kiểm của học sinh này cũng chẳng có gì để tự hào.
Nhưng câu chuyện đã thay đổi khi người thầy Rhee Seok-Hee trở thành thầy giáo dạy lớp 11 tại lớp của Kim Woo-Choong ở trường Kyowgi.
“Tôi không biết ông Rhee có ý định gì mà trong học kỳ đầu ông ta đề cử tôi làm lớp phó, rồi học kỳ tới ông chỉ định tôi làm trung sĩ phụ trách”, ông Kim Woo-Choong kể lại.
Và cuộc đời của cậu học sinh cá biệt đột nhiên thay đổi khi giữ chức vụ mới.
“Trước đó, ngay cả chào học sinh lớp trên tôi cũng không bận tâm lắm, rồi thình lình tôi trở thành trung sĩ phụ trách. Mỗi sáng tôi thường đứng trước gương để xem xét bộ đồng phục học sinh đã tề chỉnh chưa và tôi cũng đã dần dần trở nên nghiêm túc”, nhà sáng lập Daewoo hồi tưởng lại.
Rồi cậu học sinh cá biệt ngày nào bắt đầu học tập chuyên cần, chính ông Rhee đã đề nghị cậu học tập noi theo gương của Lee Woo Book – một học sinh giỏi và gương mẫu trong lớp, sau này trở thành bạn thân và sếp phó của Kim Woo-Choong tại Daewoo.
“Ông Rhee là người đầu tiên trong đời tôi nhận ra năng lực và tính cách tiềm ẩn của tôi. Đó là lý do tại sao tôi coi việc gặp ông là một bước ngoặt trong đời mình”.
“Tôi đã gắng hết sức mình để không làm hổ thẹn việc ông đã chính thức công nhận khả năng của tôi. Tôi học hành cần mẫn và bắt đầu thay đổi để chứng minh với ông là việc đề bạt tôi không phải là không có căn cứ. Bởi vì, không ai lại muốn làm thất vọng những người tin tưởng vào khả năng mình”, Kim Woo-Choong kể lại.
Ông Kim Woo-Choong - nhà sáng lập kiêm cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo. Ảnh: Korea Joongang Daily.
Từ trường hợp của mình, ông gửi lời nhắn nhủ tới thầy cô giáo và các bậc cha mẹ: Chính những học sinh hay gây rối mới cần đến sự quan tâm và săn sóc của các bậc phụ huynh và thầy cô.
“Nếu chỉ chửi mắng và trách móc sẽ không có kết quả gì. Các bạn phải quan tâm tới họ và khám phá ra những khả năng độc đáo của họ. Các bạn phải nhận ra khả năng tiềm ẩn của các bạn trẻ, hướng dẫn theo đúng cách để giúp họ bộc lộ ra tiềm năng vô hạn của mình”.
“Einstein lúc còn là sinh viên học rất tệ và Edison còn bị tống ra khỏi trường”, Kim Woo-Choong viết trong cuốn sách của mình nhan đề “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm”.
Ông Kim vẫn luôn chia sẻ rằng nếu không có thầy giáo Rhee Seok-Hee thì ông không thể tưởng tượng nổi bây giờ ông sẽ ở đâu.
Thầy giáo Rhee sau này trở thành Giám đốc trường đại học Chung-Ang, sau đó là Chủ tịch của Daewoo Poudakion.
Ông Kim Woo-Choong lập nên Tập đoàn Daewoo từ một công ty thương mại dệt may vào cuối năm 1967. Vào thời điểm hùng mạnh nhất, Daewoo có 320.000 công nhân, nhân viên làm việc tại 110 quốc gia và đã sản xuất ra: tàu biển, quần áo, tivi, ôtô, đàn piano, xây cao ốc, các thiết bị hàng không vũ trụ... và nhiều mặt hàng khác.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997, tập đoàn này phá sản năm 1999 với khoản nợ trên 75 tỷ USD.
Tuy nhiên, Kim Woo-Choong vẫn được coi như một huyền thoại kinh doanh, một người đi "nhặt nhạnh" những "mảnh vụn" để tạo nên một tập đoàn lớn.