Bài học "hàng nghìn năm vẫn đúng" của 1 vị hoàng đế La Mã, 1 thống tướng và 1 nhà văn bị liệt: Giữa muôn trùng giông bão, mắt bão hóa ra là nơi bình yên nhất

07/04/2021 14:43 PM | Sống

Ai cũng có những ngày tồi tệ trong đời, nhưng chỉ cần tìm cho mình dù chỉ một giây phút bình yên, bạn sẽ vượt qua được vô vàn giông bão trước mắt.

Đã là con người, không ai có thể tránh khỏi việc bị stress.

Trước kia, tổ tiên của chúng ta căng thẳng mỗi ngày vì phải đi tìm cái ăn chỗ ngủ, chiến đấu chống lại thú dữ. Giờ đây, cuộc sống đã trở nên hiện đại hơn, thức ăn dư thừa, thú dữ cũng không còn. Thế nhưng, stress vẫn là nỗi ám ảnh trong cuộc sống.

Vậy những người đi trước đã làm thế nào để không bị stress, và liệu chúng ta có thể bắt chước không? Câu trả lời là có. Ngoài ra, chúng ta có thể học hỏi tấm gương quản lý stress từ những người nổi tiếng dưới đây.

Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius vẫn sống rất thanh thản dù gánh trên vai trách nhiệm duy trì sự bình an của đất nước.

Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower lãnh đạo quân Đồng minh giành chiến thắng trong Thế chiến II mà không bị kiệt sức.

Tác giả kiêm chiến lược gia Robert Greene mất khả năng đi lại sau một cơn đột quỵ, nhưng vẫn duy trì được phong thái và năng suất làm việc.

Chúng ta đã không nhận ra rằng trong giông bão vẫn còn tồn tại một chốn bình yên - chính là tâm điểm của cơn bão.

Chạy trốn mà không cần đi xa

"Con người cố gắng chạy trốn - bằng cách về nông thôn, ra bãi biển, đi lên núi. Bạn cũng ước mình có thể làm vậy. Điều ngu ngốc là: bạn có thể chạy trốn bất cứ khi nào bạn muốn. Bằng cách đi sâu vào nội tâm. Chẳng có nơi nào yên bình - tránh xa khỏi mọi sự quấy rầy - hơn là chính tâm hồn bạn. Một hồi ức về hiện tại, và ở đó chính là sự tĩnh lặng tuyệt đối" - Marcus Aurelius viết trong tác phẩm "Thiền định".

Những dòng trên được viết từ năm 180 SCN, nhưng ý tưởng "chạy trốn" vẫn thường xuyên được con người hiện đại nhắc tới. Đã bao nhiêu lần bạn ước mình có thể chạy trốn, nhâm nhi ly nước mát nơi biển xanh cát trắng?

Tuy nhiên, chẳng hoàng đế nào được phép "chạy trốn". Việc trị vì đất nước không cho phép ông dành thời gian cho một kỳ nghỉ xa hoa. Trên thực tế, Marcus Aurelius liên tục phải đối mặt với căng thẳng từ công việc và cuộc sống.

 Bài học hàng nghìn năm vẫn đúng của 1 vị hoàng đế La Mã, 1 thống tướng và 1 nhà văn bị liệt: Giữa muôn trùng giông bão, mắt bão hóa ra là nơi bình yên nhất  - Ảnh 1.

Marcus Aurelius

7 trong số 13 người con của Marcus Aurelius mất sớm.

Một người bạn kêu gọi bạo loạn để lật đổ ông, mà nguyên nhân lại bắt nguồn từ lá thư của chính người vợ đầu gối tay ấp.

Đại dịch Antonine đã bùng phát trên toàn đế chế, giết chết gần 10% dân số thành Rome lúc bấy giờ.

Một bộ tộc German đã nổi dậy và tấn công La Mã, buộc Marcus Aurelius phải sống nốt phần đời ốm yếu còn lại trong các doanh trại Spartan.

Sống một cuộc đời căng thẳng như vậy, nhưng Marcus Aurelius chưa từng biến thành một tên bạo chúa. Vậy ông đã làm điều đó bằng cách nào?

Marcus Aurelius từng tiết lộ trong nhật ký rằng ông "chạy trốn" bằng cách đào sâu vào tâm hồn mình. Cuốn nhật ký mà ông đem theo - thứ sau này trở thành tác phẩm "Thiền định" - chính là lối thoát của vị hoàng đế La Mã này. Chỉ mất vài giây, ông có thể tìm thấy bình yên tuyệt đối cho riêng mình.

Ngay cả một vị hoàng đế bận rộn cũng tìm được lối thoát mà không phải chạy trốn, vậy sao chúng ta lại không thể? Chúng ta đâu cần nhảy lên máy bay để đi đâu đó thư giãn. Sự bình yên thật ra luôn hiện diện gần hơn chúng ta nghĩ - ở trong tâm hồn của mỗi người.

Kiểm soát cuộc sống để làm mới bản thân

Là tư lệnh tối cao của quân Đồng Minh, thống tướng Dwight "Ike" Eisenhower có nhiệm vụ điều hướng các chính trị gia, các tướng lĩnh sơ cấp đến từ nhiều quốc gia và nhiều mặt trận. Khối lượng công việc đồ sộ này tất nhiên đã gây căng thẳng cho ông.

Thống tướng George Marshall - cấp trên của Eisenhower - đã đặc biệt căn dặn ông: nếu không giải quyết được stress, đó sẽ chính là tử huyệt của ông.

Cuối cùng, Eisenhower cũng tìm ra cách. Thỉnh thoảng, ông sẽ đến một ngôi nhà được gọi là "Telegraph Cottage" nằm ở ngoại ô London (Anh) để thư giãn, mà không dùng bất kỳ thiết bị liên lạc nào.

 Bài học hàng nghìn năm vẫn đúng của 1 vị hoàng đế La Mã, 1 thống tướng và 1 nhà văn bị liệt: Giữa muôn trùng giông bão, mắt bão hóa ra là nơi bình yên nhất  - Ảnh 2.

Dwight Eisenhower

Tại đây, Eisenhower không ngừng làm mới bản thân và học cách kiểm soát cuộc sống. Thay vì bận bịu làm việc với các bên tham chiến, ông dành thời gian để nấu ăn, đọc tiểu thuyết cao bồi, chơi golf và đi dạo. Nhờ vậy, vị tướng đã giải tỏa được những căng thẳng tích tụ bấy lâu nay.

Bí quyết thư giãn không nằm ở bản thân ngôi nhà, hay việc nằm một chỗ và không làm gì cả. Điều quan trọng là chúng ta phải học được cách giành lại quyền kiểm soát cuộc sống - thứ mà thế giới đã tước đoạt đi bấy lâu nay.

Tận dụng khoảng "thời gian chết"

"Tôi bị kẹt trong văn phòng của chính mình. Nhưng mỗi khi đọc sách về lịch sử cổ đại, tôi cảm tưởng như mình đã dịch chuyển tới Hy Lạp. Tôi không còn ở trong văn phòng, mà hiện diện ở khắp nơi trên thế giới. Hãy tận dụng thời gian này giải thoát cho bản thân, đắm chìm trong các triết lý, lịch sử và tiểu sử vĩ đại. Đó là cách để tạo ra thời gian có ích." - Robert Greene nói trong Daily Stoic Podcast.

Tác giả kiêm chiến lược gia Robert Greene đã mất khả năng đi lại sau một cơn đột quỵ. Chẳng những stress vì không thể vận động như lúc xưa, ông còn phải đối mặt với hàng giờ đồng hồ tập luyện phục hồi chức năng nhàm chán.

Trong một buổi phỏng vấn, ông đã so sánh "thời gian chết" với "thời gian có ích". Thời gian chết khi bạn vô thức xuôi theo dòng chảy xung quanh mình, nhưng không thực sự tham gia. Lúc đó, bạn không thực sự kiểm soát được thời gian của mình, vì vậy cảm thấy stress cực độ.

 Bài học hàng nghìn năm vẫn đúng của 1 vị hoàng đế La Mã, 1 thống tướng và 1 nhà văn bị liệt: Giữa muôn trùng giông bão, mắt bão hóa ra là nơi bình yên nhất  - Ảnh 3.

Tuy nhiên, bạn có thể tạo thêm thời gian cho bản thân bằng cách sử dụng nó một cách có ích. Chẳng hạn, Greene đã dùng như giờ phục hồi chức năng để vận động cơ bắp thay vì chỉ nghe nhạc. Ngoài ra, những giờ làm việc văn phòng cũng trở nên có ích hơn vì ông đã học được cách kiểm soát não bộ mình. Kể cả khi không thể đi lại, ông vẫn có thể đọc sách và nghiên cứu như bình thường.

Thời gian có ích được tạo ra bởi sự kiểm soát. Hãy giành quyền kiểm soát bằng cách biến thời gian chết thành thời gian có ích. Giống như Eisenhower và Aurelius, Greene đã tìm ra cách để làm mới bản thân và giải tỏa stress nhờ có thời gian học cách kiểm soát cuộc đời mình.

Trong giông bão, mắt bão chính là nơi bình yên nhất

Để giải tỏa căng thẳng, chúng ta không cần lên máy bay đi chơi xa, hay nghỉ dưỡng ở khu resort đắt tiền nơi hoang đảo. Lối thoát thật ra luôn gần hơn chúng ta nghĩ.

Marcus Aurelius tìm thấy lối thoát qua những trang nhật ký. Ông thực sự đắm chìm trong suy nghĩ của chính mình và không bị thế giới hỗn loạn xung quanh ảnh hưởng.

Dwight Eisenhower tìm thấy lối thoát bằng việc nấu ăn và dành thời gian chăm sóc bản thân mỗi khi có thể.

Cuối cùng, Robert Greene tìm cách chuyển đổi thời gian chết bị kẹt trong nhà thành thời gian có ích bằng cách đọc sách và nghiên cứu.

Chỉ cần giành lại quyền kiểm soát một thứ gì đó từ tay định mệnh, chúng ta có thể bước vào cái tâm yên bình giữa muôn trùng giông bão căng thẳng. Đó là thứ đã giúp một vị hoàng đế La Mã giữ bình tĩnh trước áp lực, duy trì "cái đầu lạnh" của một vị thống tướng trong chiến tranh, cứu sống một tác giả nổi tiếng khỏi sự tuyệt vọng của bệnh tật.

(Theo Medium)

Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM